Thu hơn 150 tỷ đồng tiền bản quyền âm nhạc

- Thứ Tư, 13/01/2021, 15:11 - Bản đầy đủ
Năm 2020, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu hơn 150 tỷ đồng tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc, tăng 12% so với năm 2019.

Thông tin trên được công bố trong lễ tổng kết hoạt động năm 2020 của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) sáng 13.1 tại Hà Nội.

Theo đó, VPCMC đã thu được hơn 150 tỷ đồng tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc trên các nền tảng số và các địa điểm khách sạn, resort, nhà hàng… Tổng Giám đốc VCPMC Đinh Trung Cẩn cho biết, để có được kết quả này, Trung tâm đã số hóa toàn bộ dữ liệu bằng các phần mềm tốt nhất; phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế; đàm phán thành công với các nền tảng như Spotify, YouTube, TikTok để kiểm soát dữ liệu. “Hàng ngày các dữ liệu âm nhạc phát ở đâu, bài hát nào, thời lượng bao lâu đều được lưu lại. Từ đó, chúng tôi có cơ sở để thực hiện thu phí bản quyền”. 

Tổng giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam Đinh Trung Cẩn báo cáo các hoạt động năm 2020

Do tác động của việc giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid-19, hoạt động âm nhạc trong năm 2020 diễn ra chủ yếu trên môi trường mạng, vì vậy VCPMC đã hỗ trợ các tác giả thành viên rà soát, phát hiện các trường hợp xâm phạm quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số (như các MV/video, audio ca nhạc), cảnh báo và gỡ link vi phạm theo yêu cầu của tác giả. Hỗ trợ, tư vấn giúp tác giả tìm hiểu các vấn đề pháp lý cần thiết để bảo đảm quyền, lợi ích trong trường hợp tác giả có nhu cầu chuyển giao tác phẩm/quyền tác giả.

Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, năm 2020 nổi lên các hợp đồng hợp tác, chuyển quyền, độc quyền... mà tác giả ký kết với đơn vị kinh doanh bản ghi với những điều khoản hết sức bất lợi về phạm vi khai thác, chuyển giao quyền, điều khoản độc quyền, điều khoản kiểm soát doanh thu, điều khoản về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý. Tiếp tục ký, tái ký các hợp đồng ủy quyền theo mẫu hợp đồng cập nhật nhằm bảo đảm tuân thủ các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định số 22/2018/NĐ-CP, đồng thời nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế sử dụng âm nhạc cũng như hoạt động cấp phép và bảo vệ quyền hiện nay, phù hợp với sự thay đổi, phát triển của công nghệ.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ: “VCPMC đã giúp tôi có được số tiền đầu tiên từ bài hát của mình. Số tiền tuy nhỏ nhưng đã giúp tôi thêm niềm tin để sống với đam mê và có thể hoạt động chuyên nghiệp trong âm nhạc”.

Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Thị Kim Oanh đánh giá, những kết quả Trung tâm đã đạt được trong năm qua thực sự ấn tượng. “Năm 2020, tất cả chúng ta đều trải qua khó khăn do đại dịch, không ai đứng ngoài sự xáo trộn đó. Tuy nhiên, với sự nhanh nhạy thích ứng kịp thời, ứng dụng công nghệ - khoa học, Trung tâm đã đạt được những thành quả nhất định. Qua những con số biết nói như số lượng hơn 4.000 hội viên, trên 150 tỷ đồng tiền tác quyền, Trung tâm là cánh chim đầu đàn trong bảo vệ quyền tác giả suốt 19 năm qua, chứng tỏ nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ Trung tâm và sự hợp tác của các đơn vị liên quan”.

Năm 2020, VCPMC tiếp tục mở rộng hợp tác song phương với các tổ chức bảo vệ quyền tác giả trên thế giới. Cho tới thời điểm này, VCPMC đã ký hợp tác song phương với 81 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs), số lượng hợp đồng ký kết tăng khoảng 10% so với năm 2019. Các CMOs mới ký trong năm 2020 gồm: SAZAS (Slovenia), STEF (Ireland), RSAU (Rwanda), SAYCE (Ecuador), BSCAP (Belize), UNISON (Tây Ban nha).

Mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh thu lĩnh vực biểu diễn trên thế giới cũng bị sụt giảm rất nhiều, nhưng nguồn thu từ nước ngoài của VCPMC vẫn tăng trưởng mạnh, tăng 82% so với năm trước, từ gần 2 tỷ đồng lên tới hơn 3,6 tỷ đồng, do tốc độ tăng trưởng lĩnh vực kỹ thuật số từ các tổ chức nước ngoài... 

Hương Sen

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP