Thông điệp mạnh mẽ

- Thứ Tư, 14/07/2021, 05:57 - Bản đầy đủ
Đại dịch Covid-19 đã khiến cho lễ hội văn hóa cổ động Olympic Tokyo 2020 liên tục điều chỉnh chương trình, nghệ sĩ phải chạy đua để chỉnh sửa tác phẩm phù hợp với bối cảnh. Mặc dù sẽ không có khách tham quan là người nước ngoài, cùng những quy định mới siết chặt hơn nhằm phòng, chống dịch, nhưng các sự kiện văn hóa như muốn chứng minh, nghệ thuật luôn tồn tại như cơm ăn nước uống hàng ngày, giúp con người vượt qua khó khăn, thử thách.

Các nhà tổ chức Olympic Tokyo 2020 vừa thông báo, Thế vận hội sẽ được tổ chức mà không có khán giả trực tiếp và biên giới của Nhật Bản vẫn bị đóng cửa đối với khách du lịch nước ngoài. Ban đầu dự kiến có khoảng 10.000 khách được phép tham dự các sự kiện tại Olympics 2020, nhưng khi số ca mắc Covid-19 mới tại Nhật Bản gia tăng, đặc biệt là tại Thủ đô Tokyo, tình hình đã được thắt chặt, các sự kiện “ăn theo” Thế vận hội cũng vậy.

Tuy nhiên, Lễ hội văn hóa Tokyo đã cố gắng khởi động với một trong những sự kiện đinh - Pavilion Tokyo 2021. Hội đồng Nghệ thuật Tokyo cho biết, sự kiện này dành "để quảng bá sự hấp dẫn của Tokyo với tư cách là thành phố của nghệ thuật và văn hóa" bất chấp tất cả thách thức mà thành phố đang phải đối mặt trong đại dịch.

Định nghĩa lại không gian văn hóa

Nằm cách Sân vận động Quốc gia mới do Kengo Kuma thiết kế chỉ 3km, 8 công trình kiến trúc và một tác phẩm sắp đặt được sáng tác bởi 6 kiến ​​trúc sư và 2 nghệ sĩ Nhật Bản, trong đó có nghệ sĩ đương đại nổi tiếng thế giới Yayoi Kusama, đang biến trung tâm thành phố Tokyo thành một bảo tàng mở ngoài trời.

“Obliteration room” (Căn phòng xóa sổ) của Yayoi Kusama - tác phẩm sắp đặt trong nhà tái hiện một ngôi nhà điển hình ở vùng nông thôn Nhật Bản - phải sửa đổi vào phút chót, vì công trình vốn được thiết kế để khách tham quan tương tác với tác phẩm. Kochi Watari, Chủ tịch Ủy ban Sản xuất của Pavilion Tokyo 2021, Giám đốc điều hành Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Watari, lúc đầu tự hỏi có nên hủy bỏ tác phẩm này không, bởi khách tham quan sẽ được mời dán các chấm bi vào bất cứ đâu trên tác phẩm, điều đó có thể vô tình chạm vào các miếng dán, bức tường..., tức là có nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

"Nhưng chúng tôi nghĩ rằng các biện pháp đối phó đủ an toàn", Kochi Watari nói và quyết tâm trưng bày tác phẩm. "Theo cách nào đó, cuộc khủng hoảng Covid-19 khá giống với căn phòng này, bởi vì tất cả chúng ta đang cùng nhau giải quyết thách thức chung mà cuối cùng nó sẽ phải biến mất, giống như căn phòng màu trắng này”.

“Chúng ta sẽ không bị virus đánh bại”

Vì hầu hết các dự án được thiết kế trước đại dịch, nên một số phải sửa đổi, chẳng hạn như dự án nhà hát đường phố của Teppei Fujiwara. Yoko Takaoka, Phòng Điều phối văn hóa, Chính quyền Thủ đô Tokyo giải thích rằng, Fujiwara "dự định tạo ra một nhà hát đường phố, nơi mọi người có thể ngồi như ở nhà hát biểu diễn. Nhưng trong bối cảnh đại dịch, sự tương tác giữa con người với con người bị giảm đi, vì vậy kế hoạch đã phải chỉnh sửa. Anh ấy đã quyết định làm 'nhà hát đường phố trong vườn', phản ánh sự giao cảm giữa thành phố và cỏ cây đã tồn tại ở Tokyo từ thời Edo".

Gần sân vận động Tokyo, “Super Wall Art Tokyo” với hai bức bích họa khổng lồ trên các tòa nhà Marunouchi, cũng được thiết kế từ rất lâu trước đại dịch. Nhưng Naoya Hosokawa, giám đốc sáng tạo của dự án, cho biết nay người xem có thể đọc tác phẩm khác với dự định ban đầu của tác giả, làm cho chúng thậm chí phù hợp hơn. "Các nghệ sĩ đang nói về năng lượng xung quanh chúng ta. Virus đã mang đến rất nhiều thay đổi, rất nhiều hạn chế trong cuộc sống, liên quan đến những gì chúng ta có thể làm và không thể làm. Mô tả năng lượng tuyệt vời mà chúng ta có xung quanh mình là một cách để gửi thông điệp mạnh mẽ: Chúng ta sẽ không bị virus đánh bại".

Sắp đặt “Tokyo Castle Outdoors” của Makoto Aida

Giữ cho nghệ thuật luôn tồn tại

Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ cũng ý thức được tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19 đối với dự án của họ. "Các tác phẩm nghệ thuật của tôi chủ yếu được trưng bày ở Nhật Bản, vì vậy tôi thực sự hy vọng mọi người sau này sẽ đến Nhật Bản nếu có thể, để được tận mắt chiêm ngưỡng chúng”, Makoto Aida, tác giả của sắp đặt “Tokyo Castle Outdoors”, cho biết.

Bằng cách tạo ra hai lâu đài, được coi là biểu tượng truyền thống của sức mạnh và quyền lực, sử dụng các tấm bìa cứng và màu xanh lam, Makoto Aida đặt câu hỏi về khái niệm vĩnh cửu. "Những vật liệu này rất chắc chắn nhưng chúng cũng tượng trưng cho cái gì đó tạm thời, mà chúng ta thường thấy ở các vùng đã bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở Nhật Bản”, Makoto Aida nói, nhấn mạnh sự cần thiết phải chịu đựng và vượt qua thử thách.

Terunobu Fujimori cho biết thêm: “Thật tiếc khi chúng tôi chắc chắn sẽ không được đón bất kỳ du khách nước ngoài nào, nhưng tôi cũng hiểu những rủi ro có thể xảy ra”. Ngôi nhà phủ đầy cỏ và rêu “Tea House Go-an” của Terunobu Fujimori đặt ngay đối diện sân vận động. Khách muốn vào tham quan, phải đặt trước.

"Tuy nhiên, tôi nghĩ lễ hội này rất quan trọng, vì văn hóa và nghệ thuật là thực phẩm cho tâm trí chúng ta và chúng ta cần ăn! Nghệ thuật đã luôn hiện diện từ thuở sơ khai của loài người, vì vậy phải giữ cho nó tồn tại, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn này", Terunobu Fujimori nói.

Sau khi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga kêu gọi tình trạng khẩn cấp ở Thủ đô Tokyo, trong khi Olympics 2020 chuẩn bị khởi tranh, Naoya Hosokawa vẫn lạc quan: "Rất may, chúng tôi đã có lựa chọn thay thế. Nhờ công nghệ mới, những người không thể đến Tokyo vẫn có thể thưởng thức nghệ thuật thông qua video, hình ảnh, internet và hơn thế nữa".

Minh Hà theo DW

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP