Sài Gòn - xanh mấy xa xưa

- Chủ Nhật, 02/01/2022, 06:03 - Bản đầy đủ
Ngày nay, tất cả khung cảnh đó hoàn toàn biến mất. Rau củ quả được trồng ở những vùng chuyên canh. Những rẫy cải của người Triều Châu nhập cư là kỷ niệm của một thời ở thành phố này khi nó đang dần vươn mình phát triển từ nửa đầu thế kỷ XX.

Rẫy Tiều

Trong cuốn sách vỡ lòng dạy tiếng Hoa chữ phồn thể cho con nít Chợ Lớn cách nay nửa thế kỷ còn lưu lại, có hình ảnh những rẫy trồng cải trồng hành, cảnh người nông dân đội nón cời lối bằng tre gánh cải. Đó là hình ảnh phổ biến một thời xa xưa trên khắp miền Nam, nay hầu như không còn trên đất Sài Gòn, Chợ Lớn hay Gia Định.    

Người Hoa nhập cư từ thế kỷ trước vào thành phố này, đặc biệt là người Triều Châu, còn gọi là người Tiều, với bản tính cần cù và giỏi chịu cực đã mở ra nhiều khu rẫy khắp nơi, từ quận 6 cho đến Phú Nhuận, từ quận 11 cho đến phía Bà Chiểu mà có người gọi là “rẫy Tiều” để cung cấp rau củ cho dân quanh vùng.

Chợ Bình Tây xưa và đường Triệu Quang Phục trong khu Chớ Lớn

 Từ nhà tôi gần quán cà phê Miền Đồng Thảo đi dọc theo con đường Nguyễn Trọng Tuyển về hướng bệnh viện quận Phú Nhuận qua khỏi đường ray xe lửa một chút là khu đất trồng rau khi xưa của người Tiều. Ở đó, họ trồng cải xà lách xon, lấy nước bằng cần vọt tre và bón bằng phân tươi. Người cố cựu ở đó kể những năm 1950, 1960, buổi sáng đi ngang qua thấy trước mắt là những giàn che xanh ướt, nhưng ai cũng phải đi qua thật nhanh vì trước đó nông dân vừa tưới phân xong. Người ta cho là người Hoa có tập quán không ăn rau sống mà chỉ nấu chín bắt nguồn từ đó.

Ở Phú Nhuận còn có dấu vết rẫy người Hoa ở cái tên cầu Kiệu. Từ thế kỷ XIX, hai bên cầu là rẫy trồng củ kiệu của người Triều Châu định cư lâu đời. Từ đó, cầu lấy tên là cầu Xóm Kiệu, dần gọi tắt là cầu Kiệu.

 Dấu tích rẫy bái của người Triều Châu vẫn còn trong cái tên của bệnh viện hàng đầu ở Sài Gòn, bệnh viện Chợ Rẫy. Tác giả Bùi Văn Quế trong bài viết “Địa danh Chợ Rẫy - Chợ Lớn” (báo Xưa và Nay, số 57 - tháng 11 năm 1998) cho biết, ở thế kỷ XVIII, người Hoa từ cù lao Phố tràn xuống khu Chợ Lớn hình thành làng Minh Hương khá phồn thịnh. Tuy nhiên, cách ngôi làng trù phú này không xa về phía Bắc vẫn còn là đầm lầy hoang sơ, bao lấy hai ngôi nhà chùa cổ là chùa Cây Mai và chùa Gò. Kinh Tàu Hủ có một nhánh phía bên phải ngã sang khu vực nay là bệnh viện Chợ Rẫy tạo thành một vùng lầy lội. Tại vùng này, trên những khoảnh đất cao, người Tiều nghèo khổ đã tận dụng trồng rau làm rẫy. Nhờ tính cần cù của họ, vùng đất lầy lội này đã được cải tạo thành một khu trồng rau lớn cung cấp rau xanh cho Chợ Lớn và Bến Nghé. Nhà cửa quanh đó phát triển dần nên diện tích trồng rau thu hẹp lại. Người Tiều từ chỗ người trồng rẫy rau cải trở thành lái rau với kho vựa lớn. Họ thu mua rau cải từ Hóc Môn, bắt đầu là dân làng Thuận Kiều đưa rau xuống bán. Rau xuống, người cũng xuống theo. Một số người đến sớm tạo được cơ ngơi ở chợ Rẫy, giúp đỡ người mới đến để cạnh tranh với người Hoa. Họ tạo thành khu xóm người Việt mà dân Chợ Lớn gọi là Thuận Kiều. Sau, để kiểm soát an ninh và thuận tiện cho việc thu thuế, khoảng năm 1810 vua Gia Long đã cho lập một cái chợ với những dãy lều cây lá ngăn nắp đặt tên cho chợ này là chợ Rẫy. Khi Pháp chiếm toàn cõi Nam Kỳ thì chợ Rẫy tiếp tục buôn bán rau quả nhưng vì lều trại đã bị hủy hết nên chợ phải ở ngoài trời. Mười năm sau 1874, Pháp xây chợ Cầu Ông Lãnh và nhanh chóng giải tán chợ Rẫy để đưa chợ rau quả về gần Sài Gòn để kiểm soát.

Dãy hành

Trong cuốn sách ký ức về Sài Gòn “Những bước lang thang trên hè phố”, nhà văn Bình Nguyên Lộc kể là nếu đi về phía Bình Đông, qua khỏi hai cây cầu sắt cao sẽ có ảo tưởng rằng đang đi du lịch ở đồng quê Trung Hoa. Ở đó, nông dân có kiểu dáng kỳ lạ vì đội những chiếc nón mây giống như nón cụ của ta nhưng nhỏ hơn, có khoét lỗ ở giữa để lòi tóc ra nếu người đội nón là phụ nữ, và để lòi cái đầu trọc ra nếu người đội nón là đàn ông con trai. Quanh vành nón, diềm vải đen thả xuống. Họ gánh những thùng thiếc có gắn ống tre bên hông, tay đẩy nghiêng thùng, chân đi dài theo những vồng cải. Vồng cải đắp cao hơn mặt đất đến ba bốn tấc tây, láng như tô xi măng và thẳng boong như công trình của thợ hồ. Ông cho đó là hình ảnh trung thành của một nước Trung Hoa chen chúc nhau trên châu thổ Hoàng Hà và về sau, trên châu thổ sông Dương Tử, vì thiếu đất nên phải thâm canh, chăm sóc đất như nuôi một đứa con èo uột. Họ, những người Triều Châu trồng cải ở Bình Đông phải chăng là con cháu của đoàn Dương Ngạn Địch? Những kẻ phiêu lưu đầu tiên, đến đất hoang, buộc lòng phải theo nghề nông, rồi cha truyền con nối, họ vung vồng tưới cải mãi cho đến ngày nay? 

Anh Tấn Thành, người gốc Triều Châu giữ nhiều ký ức về rẫy cải của gia đình ở quận 6. Khoảng thập niên 1960, quận 6 tuy thuộc đô thành Sài Gòn nhưng nhà cửa còn thưa thớt, còn nhiều khoảng đất trống và rẫy cải khắp nơi, có thể nói là nhiều nhất thành phố. Người Tiều gọi những cái rẫy đó là “Rẫy hành” dù trong đó trồng đủ thứ, nhiều nhất là các loại cải như cải bẹ xanh, có loại thường và những cải khác cải bẹ xanh mốc, cải bẹ xanh Tàu lớn cây, cải trắng, cải ngọt tức là cải xá xím, cải trắng bạc. Rồi có cả bầu, bí, dưa leo, đậu gồm nhiều loại như đậu đũa, đậu Đà Lạt, mướp, đậu bắp, cà chua và tất nhiên các loại hành. Thời đó, còn một rẫy hành sau lưng hãng nhựa Bình Minh đường Nguyễn Đình Chi, hiện nay có Miếu Bà. Một miếng rẫy khác sau bán cho lò bánh mì Tân Tân cũng nằm trên đường này. Trên đường Hậu Giang, gần rạp hát Tân Lạc, sau đổi thành rạp hát Hồng Liên, và sau lưng chợ Cây Gõ ngày nay cũng có những khu rẫy. Ở khu rẫy đường Nguyễn Đình Chi, anh và đám con nít trong xóm  thường ra đó mang theo que tre và hộp keo tự chế khi trời sắp mưa để bắt chuồn chuồn khi chúng bay thấp và đậu vào que tre. Ở đó, có cái vũng đào lấy nước tưới cải, dần trở thành hồ tắm tự nhiên của đám trẻ. Đám trẻ thấy sung sướng khi chơi giữa thiên nhiên xanh mát với vùng trời rộng phía trước và gió thổi lồng lộng. Chị Minh Cúc, nhà ở đường Hàn Hải Nguyên (tên cũ là đường 46, sau 1972 đến 1985 đổi thành Văn Điển Quang) thuộc quận 11 cho biết góc ngã ba Hàn Hải Nguyên – Ba Tháng Hai ngày xưa là rẫy Tiều được gọi là “Dãy hành” (phải chăng là cách phát âm không rõ từ rẫy hành của người Hoa?) có trồng hành và mấy loại rau củ khác mà ở đó, ông nội của chị từ trước chiến tranh thế giới thứ II thấy có đất là trồng, không cần xin phép ai và lâu dần thành đất của mình cho đến khi phải bán đi. Nước tưới lấy từ đoạn sông nay đã bị lấp, thành một phần đường Ba Tháng Hai.  

Ngày nay, tất cả khung cảnh đó hoàn toàn biến mất. Rau củ quả được trồng ở những vùng chuyên canh. Những rẫy cải của người Triều Châu nhập cư là kỷ niệm của một thời ở thành phố này khi nó đang dần vươn mình phát triển từ nửa đầu thế kỷ XX.

Tuỳ bút của Phạm Công Luận

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP