Hoài niệm “Miền ký ức”

- Thứ Bảy, 27/03/2021, 05:29 - Bản đầy đủ
Bước vào tuổi 89, họa sĩ Chu Mạnh Chấn ghi thêm dấu ấn trong sự nghiệp sáng tác của mình bằng triển lãm cá nhân “Miền ký ức”. Có mặt trong khai mạc triển lãm sáng 26.3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các thế hệ họa sĩ đều khâm phục trước những sáng tác nghiêm cẩn của vị họa sĩ già. Trên 30 tác phẩm được chọn giới thiệu minh chứng cho sức lao động miệt mài, tình yêu quê hương và niềm say nghề hiếm có.

Lặng lẽ dạy và vẽ

Họa sĩ Chu Mạnh Chấn sinh năm 1933 tại làng Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Tây cũ. Ông rời quê ra Hà Nội học nghề rồi được giới thiệu vào Trường Thủ công mỹ nghệ của chính quyền thuộc Pháp. Với kiến thức về mỹ thuật học được, ngay sau khi tốt nghiệp, ông đã áp dụng sáng tạo hàng trăm mẫu mã, hình vẽ, hoa văn, họa tiết truyền thống, hướng dẫn học viên thực hiện những tác phẩm sơn mài trên bát đĩa, khay mâm, đồ thờ... gắn liền với đời sống tín ngưỡng, tôn giáo và lao động sản xuất của người Việt. Hòa bình lập lại, Trường Thủ công Mỹ nghệ Hà Tây được thành lập (nay là Trường Trung cấp Nghề Tổng hợp Hà Nội), họa sĩ Chu Mạnh Chấn chính thức trở thành thầy dạy mỹ thuật công nghiệp sơn mài đầu tiên của trường.

Tranh của họa sĩ Chu Mạnh Chấn được giới trong nghề đánh giá rất gần gũi và sâu lắng
Ảnh: Hương Sen

Bạn bè cùng thời nhận xét, bên trong một người thầy mẫu mực về đạo đức, tài hoa, yêu nghệ thuật, là một tâm hồn họa sĩ của đình, chùa, của lao động, chiến đấu và sản xuất, tình yêu con người, quê hương, xứ sở. Trải qua gần một thế kỷ, ông miệt mài, lặng lẽ dạy và vẽ với khối lượng học trò đông đảo, số tác phẩm được giới trong nghề đánh giá cao.

Họa sĩ Trần Lưu Ly nhận xét: “Với tạo hình giản dị, chân thành, tranh của Chu Mạnh Chấn rất gần gũi, không quá xa lạ và khác biệt. Chính sự gần gũi đó khiến chúng tôi thấy sự duyên dáng và ấm áp. Tạo hình trong tranh Chu Mạnh Chấn tuân thủ theo các nguyên tắc ngặt nghèo của thể loại và chất liệu, bởi nếu chỉ sai một trong các công đoạn như bó hom vóc, trang trí, mài và đánh bóng, sẽ không đạt được độ sâu của tác phẩm. Chu Mạnh Chấn đã làm được điều đó, kiên nhẫn và kiên trì theo nghiệp và nghề như thành quả đã thấy hôm nay”.

Với họa sĩ trẻ Hoàng A Sáng, anh luôn xem họa sĩ Chu Mạnh Chấn như hình mẫu, là động lực sáng tác. “Họa sĩ Chu Mạnh Chấn xuất thân là giáo viên nghề thủ công dân gian, nên rất am hiểu về kiến thức nghề cơ bản trong quá trình sáng tác. Xem các tác phẩm sơn mài lớn của cụ, chúng tôi càng khâm phục hơn nghị lực và niềm yêu, say nghề ấy. Nhìn cụ vẽ, chúng tôi như được tiếp thêm năng lượng, muốn cống hiến nhiều hơn cho nghệ thuật”.

Thương nhớ làng quê

Họa sĩ Chu Mạnh Chấn dành hết tâm lực cho hội họa từ những năm 1990, khi ông giã từ bục giảng nghỉ hưu, có thời gian thảnh thơi hồi tưởng ký ức tuổi thơ và quê hương. Những nét đẹp truyền thống như cây đa, giếng nước, sân đình, lễ hội làng cứ mãi ám ảnh ông. Một thời gian dài trôi qua, làng quê đã đổi thay rất nhiều, cây đa Đình Cả đã mất, ao múa rối trước đình giờ chỉ còn là ao bèo, cổng làng Mã Sổ đã thành trường học… Họa sĩ Chu Mạnh Chấn nghĩ, khi thế hệ ông mất đi, con cháu sẽ thiệt thòi biết bao vì không được cảm nhận nét đẹp của quê hương một cách toàn diện và đầy đủ.

Từ suy nghĩ đó, ông bắt tay tái dựng những cảnh quê xưa trong các bức vẽ của mình. Đó là cổng làng Mã Sổ, là Đình Cả, gắn với huyền thoại Đức Thánh Tản. Ông kể, Đình Cả xưa có cây đa lớn, cảnh chùa quanh năm hiền hòa, đến ngày hội trống giong cờ mở, rồi những trò rối nước, cờ người, đấu vật… Vẽ lại vẻ đẹp của Đình Cả, trong ông gợi lên sự tiếc nuối bởi một số cảnh quan của Đình Cả đã không còn như xưa.

Tuy nhiên, điều làm ông đau đáu là những cảnh đẹp xứ Đoài đã mất đi vĩnh viễn. Cầu Bồ Đa (Chàng Thôn) nay chỉ còn là cái đầm mang tên Đầm Nông, mà “nếu có sức tưởng tượng phong phú cũng khó hình dung về một cây cầu đẹp nhất vùng, xây kiểu thượng xa hạ kiều”; chân cầu là 11 cột gỗ với 11 gian. Bức tranh bột màu “Cầu Bồ Đa, Chàng Thôn” đưa người xem trở về con đường xưa uốn lượn.

Từ cầu Bồ Đa ra đường cái lớn phải vượt qua cánh đồng Bậm, ra đến Chẽ Chàng nơi tụ hội của đám phu kéo xe tay. Thuở ấu thơ, Chu Mạnh Chấn cùng bạn bè lẽo đẽo chạy theo xe tay lên đến huyện. Cánh đồng Bói từng in dấu chân tuổi thơ ông cùng bạn bè ngày nào vẫn lên trường huyện học. Trong bức “Cánh đồng Bói”, Chu Mạnh Chấn đã phác họa cảnh người nông dân bên trâu cày, cảm giác gần gũi đưa tới liên tưởng về một mùa gặt mới dìu dặt tiếng sáo của trẻ mục đồng trên lưng trâu đủng đỉnh…

Độc đáo và đặc biệt là bức sơn mài “Lễ hội chùa Thầy” khổ rộng 4x2,5m tái hiện lễ hội cổ xưa. Tác phẩm được ông hoàn thành trong khoảng 40 năm, từ 1972 - 2004. Lễ hội chùa Thầy là lễ hội lớn nhất vùng xứ Đoài xưa. Họa sĩ Chu Mạnh Chấn đã đi lễ hội này nhiều lần. Đi nhiều rồi nhớ lại, mường tượng lại và vẽ, để đến khi bức họa hoàn thành, người xem thêm hứng khởi trước không khí hội hè, dòng người trẩy hội tấp nập, những trò chơi dân gian truyền thống như rối nước, vật, đáo gậy, múa ba giá đồng cùng khung cảnh khoáng đạt của một vùng sơn nước hữu tình xưa, nay đã khác đi rất nhiều.

Cùng với các tác phẩm về cánh đồng, ngõ xóm, đình chùa, đền miếu, nhiều bức tranh về con người núi rừng Tây bắc, nụ cười, ánh mắt người thôn quê, về hát ca trù của Chu Mạnh Chấn như muốn gửi tiếng đàn, phách vào đất trời sông núi để vang mãi đến muôn đời. Đạo diễn Lương Tử Đức từng nhận xét, “xem tranh ông như nghe thấy tiếng dàn cổ cầm...”. Họa sĩ Chu Mạnh Chấn giải thích đơn giản: “Tất cả những âm thanh ấy, câu chuyện ấy đã sống cùng tôi từ tuổi niên thiếu đến khi trưởng thành và cho đến nay. Đó là tình cảm, đạo đức thiêng liêng sâu đậm, là sinh lực nuôi dưỡng tâm hồn tôi; đó cũng là khát vọng nối tiếp truyền thống gia đình, dòng họ, quê hương tôi. Tôi muốn lưu giữ tất cả biết bao thương nhớ ấy”.

Hương Sen

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP