Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Hiểu biết đầy đủ, sử dụng hợp lý

- Thứ Hai, 23/08/2021, 07:05 - Bản đầy đủ
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến cho dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, trong đó đặt ra những chỉ tiêu và nhiệm vụ cụ thể về bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di sản văn hóa. Theo PGS.TS. BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục để đạt được các mục tiêu này phải bắt đầu từ nhận thức của các cấp, ngành và địa phương về tầm quan trọng của di sản đối với sự phát triển đất nước. Từ nhận thức đúng đắn, chúng ta mới có kế hoạch phù hợp để huy động các nguồn lực bảo vệ, phát huy giá trị di sản.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục

Kích thích cộng đồng cống hiến, sáng tạo

- Ông đánh giá thế nào về hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa thời gian qua?

- Những năm vừa qua, công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị di sản của chúng ta đạt được rất nhiều thành tựu, trên các phương diện khác nhau. Dễ thấy nhất là nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh, thể hiện sự đa dạng, phong phú của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Điều này cũng chứng minh hiệu quả của việc ban hành Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi năm 2009), nỗ lực của các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Bên cạnh đó cũng phải khẳng định rằng, các địa phương trên toàn quốc đã quan tâm nhiều hơn đến di sản, đến chủ nhân di sản như nghệ nhân, cộng đồng, nhằm kích thích sáng tạo, tiếp thêm động lực cho họ, khiến họ có thêm nhiều cống hiến hơn.

- Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 đặt chỉ tiêu 95 - 100% di tích quốc gia đặc biệt và 65 - 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo. Theo ông, các chỉ tiêu này có khả thi không?

- Di sản văn hóa rất quan trọng đối với sự phát triển đất nước để khẳng định bản sắc dân tộc, tạo nên cảm hứng, hình thành bản lĩnh của một quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, nhanh chóng như hiện nay, chúng ta càng cần quan tâm nhiều hơn đến di sản văn hóa để tạo sức mạnh mềm, lợi thế cho việc khẳng định chủ quyền quốc gia về văn hóa bằng văn hóa. Phải thực hiện được những chỉ tiêu này thì chúng ta mới bảo đảm không chỉ bảo tồn mà còn phát huy được giá trị các di tích đã được xếp hạng, nếu không nguy cơ mai một di tích sẽ rất lớn. Mất mát đối với di sản sẽ không chỉ là một ngôi đình, ngôi đền cụ thể, mà còn là cả một ký ức, sức mạnh của cộng đồng và dân tộc. Đó là lý do ngành văn hóa đặt ra những chỉ tiêu cao để chúng ta cùng phấn đấu bảo vệ di sản văn hóa dân tộc.

Cần có nhận thức đầy đủ trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của di sản.
Nguồn: hueworldheritage.org.vn

Không phải đầu tư nhiều đã là tốt

- Dự thảo Chiến lược đưa ra chỉ tiêu đến năm 2030 có thêm ít nhất 5 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh, nhưng lại không đề cập đến việc bảo vệ các di sản này. Trong khi đó, để được ghi danh, chúng ta đều phải cam kết có biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Quan điểm của ông thế nào về điều này?

- Còn nhiều điều chúng ta chưa làm được trong công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị di sản, cần được nhắc đến nhiều hơn trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất là đối với các di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh, chúng ta mới đạt được thành công bước đầu trong việc vận động hồ sơ được ghi danh song nó chưa thể hiện sự bền vững. Vấn đề cần bàn nhiều hơn là làm thế nào để chúng ta thực hiện được chương trình hành động đã cam kết với UNESCO, bởi rõ ràng chúng ta làm chưa tốt lắm và cần phát huy hơn nữa, có giải pháp phù hợp hơn nữa để danh hiệu được tạo dựng có giá trị về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa.

- Vậy theo ông, để danh hiệu di sản mang lại giá trị bền vững, chúng ta nên làm như thế nào, nhất là trong huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa?

- Chúng ta có nhiều thành công trong việc khai thác các giá trị di sản, tuy nhiên chúng ta cũng có một số sai lầm nhất định trong việc huy động nguồn lực xã hội cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Thời gian qua, công việc này bộc lộ mặt trái ở việc một số di sản khi được bảo tồn, trùng tu đã bị bóp méo, làm sai ý nghĩa, giá trị, không mang tính bền vững. Đó cũng là lý do sau khi một số di tích được làm mới đã mất đi giá trị vốn có, hay như một số người từng nói, đây là quá trình biến những di tích hàng trăm, hàng nghìn năm tuổi còn một ngày tuổi. Vấn nạn này rất cần được lưu ý, bởi vì không phải cứ có nhiều tiền đầu tư cho bảo tồn di sản đã là tốt. Việc huy động nguồn lực đầu tư cho bảo tồn di sản văn hóa chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó dựa trên những hiểu biết một cách đầy đủ giá trị của di tích, hoặc sức sống của di sản…

Tôi cũng muốn nhấn mạnh, dù chúng ta có hiểu biết về di sản nhưng không phải ở đâu, lúc nào và với bất kỳ ai, hiểu biết đó cũng đúng đắn, chính xác. Vì vậy, nhiều khi di sản bị sử dụng sai mục đích, hoặc có những bất cập do chúng ta chưa có hiểu biết đầy đủ, cũng như chưa có cách sử dụng di sản hợp lý cho các mục đích đương đại. Sự thiếu hiểu biết đó dẫn đến 2 thái cực, hoặc là buông lỏng quản lý dẫn đến di sản bị hư hại, mất đi giá trị; hoặc là quản lý quá chặt dẫn đến di sản ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhân dân và các yếu tố khác trong xã hội. Đó là các vấn đề chúng ta cần giải quyết trong những năm sắp tới, đặc biệt phải được thể hiện trong tinh thần của Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030.

- Xin cảm ơn ông!

Hương Sen thực hiện

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Quốc hội

©2024. Bản quyền thuộc về Báo Đại biểu Nhân Dân.

Phiên bản AMP