Kỷ niệm 70 năm ký Hiệp định Genève (21.7.1954 - 21.7.2024)

Gian nan đường tới hòa bình

Ngày 21.7.1954, Hiệp định Genève năm 1954 được ký kết đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp tại Đông Dương, tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp tục đấu tranh thực hiện nguyện vọng thống nhất đất nước trong hòa bình. Tuy nhiên, con đường đi đến thống nhất đã gặp nhiều trở ngại khiến Việt Nam phải tiếp tục trải qua quá trình đấu tranh gian khổ trên mọi mặt trận.

Mục tiêu cuối cùng là hòa bình, thống nhất

Trong tham luận gửi tới hội thảo “70 năm Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21.7.1954 - 21.7.2024)”, TS. Trần Anh Tuấn, Viện Lịch sử Quân sự, cho biết, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, với mục tiêu cuối cùng là hòa bình, thống nhất đất nước, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Nhân dân Việt Nam đã kiên trì nỗ lực đấu tranh bằng nhiều biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các điều khoản của Hiệp định.

Ngày 21.7.1954, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam - Ảnh tư liệu
Ngày 21.7.1954, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. Ảnh tư liệu

Ngày 6.9.1954, Bộ Chính trị ra Chỉ thị về tình hình mới, nhiệm vụ công tác của miền Nam, trong đó nêu rõ: thi hành triệt để Hiệp định đình chiến (tập kết quân đội, rút quân ra Bắc…). Đấu tranh đòi Pháp phải thi hành đúng Hiệp định (thả hết tù binh, tù chính trị và thường dân bị bắt; chống tuyển mộ thêm ngụy binh; chống đàn áp, bắt bớ những người kháng chiến; chống phá hoại cơ sở của ta…). Cần dựa vào những điều khoản của Hiệp định và những điều thỏa thuận ở Trung Giã mà đấu tranh với Pháp và lôi kéo dư luận. Qua đó, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kêu gọi toàn bộ các lực lượng kháng chiến nước ta nghiêm túc thi hành các điều khoản của Hiệp định và nỗ lực đấu tranh bằng biện pháp hòa bình trên nhiều mặt trận.

Theo TS. Trần Anh Tuấn, về mặt quân sự, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nghiêm chỉnh thi hành các điều khoản của Hiệp định. Các lực lượng vũ trang của Việt Nam đã rút khỏi miền Nam về tập kết tại miền Bắc, đồng thời tiếp nhận lực lượng cán bộ, chiến sĩ từ miền Nam chuyển quân ra trong khoảng thời gian từ 17.5.1954 đến 18.5.1955, với sự giám sát của Ủy ban Quốc tế. Việc thả tù binh và trao trả các tù nhân dân sự giữa Pháp và Việt Nam cũng được thực hiện theo đúng cam kết của Hiệp định. Ngày 4.9.1954, quá trình trao trả tù binh ở cả hai miền đã hoàn tất.

Trên phương diện chính trị, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nỗ lực đấu tranh để buộc phía đối phương phải thi hành các điều khoản của Hiệp định, như tích cực đấu tranh, ngăn chặn hành vi dùng bạo lực cưỡng ép đồng bào ta di cư vào Nam và yêu cầu đối phương phải tôn trọng quyền tự do, dân chủ của công dân. Song song với đó, nhanh chóng tiếp quản lần lượt những nơi địch rút quân ở miền Bắc, sẵn sàng đấu tranh để giữ gìn tài sản, đề phòng địch phá hoại, bảo đảm hoạt động bình thường của Nhân dân và các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp…  

Ngay sau khi Hiệp định được ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “Điều chỉnh khu vực là việc tạm thời, là bước quá độ để thực hiện đình chiến, lập lại hòa bình và tiến đến thống nhất nước nhà bằng cách tổng tuyển cử. Điều chỉnh khu vực quyết không phải là chia xẻ đất nước ta, quyết không phải là phân trị”.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng con đường thống nhất đất nước, hoàn thiện độc lập và dân chủ sẽ là một hành trình gian nan, đòi hỏi phải kiên trì đấu tranh trong một thời gian dài. Để giành được chiến thắng cuối cùng, toàn dân, lực lượng vũ trang và đội ngũ cán bộ từ khắp mọi miền đất nước cần phải gắn bó, đồng lòng, thống nhất tư tưởng và hành động. Người khẳng định, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam sẽ kiên quyết thực thi đúng các điều khoản đã cam kết.

Kiên trì theo đuổi con đường ngoại giao hòa bình

Với quyết tâm cao và nỗ lực kiên trì, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Nhân dân Việt Nam cũng tích cực đấu tranh thông qua con đường ngoại giao nhằm thực hiện điều khoản về tổ chức cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước Việt Nam vào năm 1956 như quy định của Hiệp định.

Cụ thể, theo PGS.TS. Trần Xuân Hiệp, Trường Đại học Đông Á, Đà Nẵng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã gửi nhiều công hàm lên chính quyền Ngô Đình Diệm tại miền Nam, đề nghị tiến hành đàm phán và hiệp thương giữa hai miền để chuẩn bị cho cuộc bầu cử này. Ngày 19.7.1955, Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức gửi công hàm đề xuất mở Hội nghị hiệp thương từ ngày 20.7.1955 nhằm thảo luận về tổ chức tổng tuyển cử. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm tại miền Nam bác bỏ.

Mặc dù vậy, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn kiên trì theo đuổi con đường ngoại giao hòa bình. Ngày 17.8.1955, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi công hàm tới các đồng Chủ tịch Hội nghị Genève là Anh và Liên Xô, yêu cầu thực thi các biện pháp cần thiết để bảo đảm Hiệp định được tôn trọng và vấn đề chính trị tại Việt Nam được giải quyết trên cơ sở đàm phán giữa hai miền Bắc - Nam, tổ chức tổng tuyển cử tự do và thống nhất đất nước. Tiếp đó, ngày 11.5.1956, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi công hàm yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam tiến hành hiệp thương để bàn về việc tổ chức tổng tuyển cử. Tuy nhiên, đề nghị này tiếp tục bị chính quyền Sài Gòn phủ nhận.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nỗ lực vận động trên trường quốc tế, kêu gọi cộng đồng quốc tế có biện pháp để buộc đối phương tôn trọng và thi hành Hiệp định. Nửa cuối năm 1956 và những năm tiếp theo, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã liên tục gửi công hàm đến chính quyền Ngô Đình Diệm, đề nghị hai miền bàn bạc để mau chóng hòa bình thống nhất đất nước. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều bị chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm cùng với sự hậu thuẫn của Mỹ cự tuyệt một cách trắng trợn với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước.

PGS.TS. Trần Xuân Hiệp đánh giá, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhận thức rõ con đường đấu tranh hòa bình, ôn hòa để buộc đối phương thi hành Hiệp định đã không còn khả thi nữa. Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (tháng 1.1959) được tổ chức nhằm đánh giá tình hình trong nước và đề ra nhiệm vụ đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước.

Hội nghị chỉ rõ con đường cách mạng ở miền Nam Việt Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân, lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng nên chính quyền cách mạng của Nhân dân. Qua đó, Nghị quyết 15 đã quyết định con đường đấu tranh cách mạng là cần thiết và đúng đắn ở miền Nam Việt Nam, tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà bằng con đường cách mạng vũ trang.

Văn hóa - Thể thao