Đa phiên bản để sách thêm hấp dẫn

Đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả, các đơn vị làm sách không ngừng sáng tạo, cho ra đời nhiều phiên bản khác nhau dựa trên một tác phẩm hay nghiên cứu gốc. Từ những công trình chuyên sâu đến truyện tranh đầy màu sắc, sách bản đầy đủ hay sách tinh gọn... thế giới sách trở nên phong phú hơn bao giờ hết.

“Bắc cầu” từ nghiên cứu ra đại chúng

Tác phẩm “Lịch sử chữ quốc ngữ (1615 - 1919)” của tác giả Phạm Thị Kiều Ly vừa được Omega Việt Nam và Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Tác phẩm này được phát triển từ chính luận án tiến sĩ của tác giả, bảo vệ năm 2018 tại Đại học Sorbonne Nouvelle (Cộng hòa Pháp) và được trao giải thưởng luận án xuất sắc năm 2020 của GIS Asie - nhóm nghiên cứu khoa học về châu Á.

Sau khi bảo vệ, tác giả đã tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung luận án và xuất bản ở Pháp năm 2022 dưới tựa đề “Histoire de l’écriture romanisée du vietnamien (1615 - 1919)”. Với tâm niệm phổ biến kiến thức khoa học tới đại chúng, năm 2023, TS. Phạm Thị Kiều Ly cũng đã cùng họa sĩ Tạ Huy Long xuất bản cuốn truyện tranh về lịch sử chữ quốc ngữ dành cho trẻ em, chuyển từ công trình nghiên cứu “đối thoại” với các nhà chuyên môn, thành tác phẩm cho độc giả nhỏ tuổi, với nhiều hình vẽ sinh động. 

Năm 2024, đúng dịp kỷ niệm 400 năm giáo sĩ Alexandre de Rhodes và Maiorica đến Việt Nam, ấn bản tiếng Việt của công trình “Lịch sử chữ quốc ngữ (1615 - 1919)” chính thức được xuất bản. Dựa trên nguồn tư liệu phong phú về lịch sử hình thành và phát triển của chữ quốc ngữ, tác phẩm làm rõ nguồn cội chữ viết mà người Việt vẫn đang dùng hàng ngày.

Đa phiên bản để sách thêm hấp dẫn -0
Nhiều phiên bản khác nhau được ra đời từ một tác phẩm hoặc nghiên cứu gốc. Ảnh: Phạm Thị Kiều Ly

Bên cạnh đó, với nỗ lực phổ biến công trình hàn lâm, mong muốn giới thiệu lịch sử chữ quốc ngữ một cách bình dị, dễ hiểu nhất, cuốn sách “100 câu hỏi về lịch sử chữ quốc ngữ” được trình bày dưới dạng hỏi đáp nhằm kích thích trí tò mò của độc giả. Đặt mình vào vị trí độc giả, qua trả lời cho 100 câu hỏi trong sách, tác giả đã giải thích được hoàn cảnh ra đời của chữ quốc ngữ, quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện của lối viết này đối với tiếng Việt.

Trước đó, cuốn sách “Những con đường tơ lụa và những trang sử phi thường tạo nên thế giới” cũng được Omega Plus ra mắt. Đây là tác phẩm dành cho thiếu nhi viết dựa trên cuốn sách best-seller “Những con đường tơ lụa” đồ sộ của Giáo sư lịch sử thế giới Peter Frankopan. Hay ấn phẩm "Sapiens - Lược sử loài người" phiên bản bỏ túi được Omega Plus nghiên cứu, thực hiện dành riêng cho thị trường Việt Nam để phù hợp với nhu cầu thị hiếu của giới trẻ ưa thích sự tiện dụng, nhỏ gọn và giá thành phải chăng. Cuốn sách này cũng từng được tác giả Yuval Noah Harari cho ra nhiều phiên bản dành cho nhiều đối tượng khác nhau như phiên bản truyện tranh dành cho thanh thiếu niên, phiên bản truyện kể dành cho trẻ em đều được sự đón nhận nồng nhiệt từ độc giả khắp nơi...

Phục vụ nhiều đối tượng độc giả

Trước đây, việc xuất bản sách khoa học và lịch sử thường tập trung vào những nghiên cứu chuyên sâu, sử dụng ngôn ngữ học thuật và dành cho đối tượng độc giả là các chuyên gia trong lĩnh vực. Tuy nhiên, những năm gần đây, xu hướng này đã thay đổi. Các nhà khoa học và đơn vị xuất bản ngày càng quan tâm đến việc phổ biến kiến thức đến công chúng rộng rãi hơn, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ.

Giám đốc Omega Plus Trần Hoài Phương cho biết: “Trước đây, chúng tôi thường tập trung xuất bản các công trình học thuật hướng tới giới nghiên cứu, sinh viên, những người đọc tương đối sâu về lịch sử, văn hóa. Lần này, chúng tôi có thêm các ấn phẩm để tạo ra các mô hình về phổ biến khoa học cho đại chúng. Nghĩa là từ các công trình, ấn phẩm nghiên cứu lõi, chúng tôi sẽ làm những ấn phẩm phổ thông, hướng tới đại chúng; song song với các đơn vị khác như Nhà xuất bản Kim Đồng tạo ra ấn phẩm dành cho thiếu nhi từ công trình nghiên cứu này. Từ đó, chúng ta đã có các tác phẩm phục vụ 3 lớp độc giả: thiếu nhi, đại chúng và các nhà nghiên cứu. Đó là mô hình xuất bản chúng tôi hướng tới bởi việc bắc cầu từ giới nghiên cứu ra đại chúng rất quan trọng nhằm tạo ra tri thức nền tảng".

Theo bà Trần Hoài Phương, những người xuất bản tìm kiếm cách thức để đưa tri thức đến độc giả theo cách phù hợp nhất, như cấu trúc xuất bản gồm lớp nghiên cứu lõi, sau đó tạo ra các cuốn sách cho đại chúng và dành cho thiếu nhi. Đây là một cấu trúc được học hỏi từ các nền xuất bản lớn của thế giới. Tác giả của sách là các nhà khoa học muốn hướng ra đại chúng, để phổ biến tri thức.

Trước đó, nhiều đơn vị xuất bản cũng cho ra đời nhiều bộ sách đa phiên bản, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng độc giả khác nhau. Họ không chỉ lựa chọn và biên tập nội dung mà còn đầu tư vào thiết kế, minh họa và công nghệ mới để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn. Chẳng hạn, gần đây Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông, Nhà xuất bản Khoa học và Công nghệ, Alpha Books… chú trọng dòng sách tinh gọn, đón xu hướng của độc giả đọc sách ít thời gian, muốn tiếp cận tri thức một cách nhanh chóng...

Đa dạng hóa sách không chỉ là một xu hướng mà còn là nhu cầu tất yếu của xã hội bởi mỗi độc giả có sở thích, trình độ và độ tuổi khác nhau, vì vậy đa phiên bản giúp tác phẩm tiếp cận được nhiều đối tượng hơn. Khi nội dung được điều chỉnh phù hợp, độc giả sẽ dễ dàng tiếp thu và cảm thấy thích thú với sách. Bên cạnh đó, sự đa dạng về hình thức và nội dung của sách không chỉ đáp ứng nhu cầu của độc giả mà còn thể hiện sự chuyên nghiệp của ngành xuất bản trong việc đưa tri thức đến gần hơn với công chúng.

Văn hóa - Thể thao

Quảng bá sơn mài Việt Nam tại Pháp
Văn hóa - Thể thao

Quảng bá sơn mài Việt Nam tại Pháp

Tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đang diễn ra Triển lãm Tranh, sản phẩm sơn mài. Hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì phối hợp với Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và các đơn vị tổ chức.

Mang rạp chiếu bóng đến với đồng bào vùng biên
Văn hóa

Mang rạp chiếu bóng đến với đồng bào vùng biên

Đều đặn nhiều đêm hè đã hàng chục năm nay, bà con đồng bào nơi biên giới đều háo hức chờ đợi buổi xem phim cùng cả bản làng, được mang đến bởi đội chiếu bóng lưu động của Trung tâm Văn hoá và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình sau chặng đường dài ngược lên với đại ngàn.

Vở múa "Nàng Mây"
Văn hóa

Giữ bản sắc trong thế giới nghệ thuật hội nhập

Phản ánh chân thực, sinh động không gian, văn hóa truyền thống của nhiều cộng đồng, dân tộc, cuộc sống nhiều màu sắc tại các vùng miền, biên đạo múa NGUYỄN HẢI TRƯỜNG (Học viện Múa Việt Nam) mong muốn thể hiện đậm nét bản sắc Việt Nam qua góc nhìn của người trẻ.

Trong bão lũ
Văn hóa - Thể thao

Trong bão lũ

Bài thơ "Trong bão lũ" của tác giả Đặng Quốc Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, là tiếng lòng đầy xót xa trước cảnh thiên tai khắc nghiệt do bão Yagi gây ra. Với ngôn từ sâu sắc, tác giả khắc họa nỗi đau mất mát của người dân và tinh thần đoàn kết, sẻ chia của đồng bào cả nước, tạo nên niềm tin vào sự hồi sinh và vững bền của quê hương Việt Nam.

Miền biên viễn - “nhịp đập trái tim nghệ thuật”
Văn hóa - Thể thao

Miền biên viễn - “nhịp đập trái tim nghệ thuật”

Với họa sĩ Đỗ Đức, miền biên viễn không chỉ là một địa danh, mà còn là “nhịp đập trái tim nghệ thuật”. Dành cả cuộc đời để khám phá và khắc họa vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của dải biên thùy vô cùng yêu quý này, qua tác phẩm của mình, ông đã kể những câu chuyện về núi rừng, về con người và cuộc sống nơi đây.

“Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Văn hóa - Thể thao

“Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy những nghĩa cử cao đẹp thể hiện sâu sắc “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, những ngày qua, nhiều văn nghệ sĩ, bằng các cách làm khác nhau, cùng hướng về đồng bào vùng bão lũ.