Làm rõ căn cứ xác định danh mục hàng hóa do nhà nước định giá
ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã ghi nhận và tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật theo hướng tạo cơ sở pháp lý cho việc khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Giá với 21 luật chuyên ngành có quy định về giá; đồng thời, cơ bản thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, xử lý các vướng mắc, khắc phục những bất cập, tồn tại như lợi ích nhóm, trục lợi, tiêu cực, lãng phí. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Giá rất khó vì tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế, xã hội của người dân; quan hệ kinh tế và cung cầu của thị trường. Do đó, cần có đánh giá tác động cụ thể, nhiều chiều để giải quyết thấu đáo các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn luôn diễn biến phức tạp, khó lường...
Góp ý về danh mục hàng hóa, dịch vụ cho Nhà nước định giá, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, báo cáo của cơ quan soạn thảo chưa làm rõ căn cứ xác định danh mục hàng hóa do nhà nước định giá, chưa có dự thảo danh mục đi kèm để cung cấp kịp thời tới đại biểu Quốc hội. Do đó, đề nghị bổ sung dự thảo danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá để đại biểu Quốc hội có căn cứ, cơ sở để biểu quyết thông qua luật.
Về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, có đến 13/72 Điều dự thảo Luật giao Chính phủ quy định, trong khi đó có nhiều nội dung quan trọng cần phải được thể hiện trong luật. Nêu vấn đề này, đại biểu cũng nhấn mạnh, Hiến pháp đã quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật. Thực tế cho thấy, giá là vấn đề ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của từng người dân, doanh nghiệp, liên quan đến sự bình ổn của thị trường. Các quy định liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cần được công khai, minh bạch và cần được quy định rõ trong luật để tránh sự tùy tiện trong việc mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi các mặt hàng bình ổn giá.
Làm rõ các hành vi bị cấm
Điểm c, Khoản 2, Điều 7 dự thảo Luật quy định các hành vi bị cấm, trong đó có hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) cho rằng, quy định này còn chung chung, rất khó xác định lỗi không phải do tổ chức, cá nhân kinh doanh và đề nghị, cần làm rõ hoặc đưa vào văn bản hướng dẫn thi hành luật về hành vi bị nghiêm cấm trong việc lợi dụng chính sách của nhà nước; đồng thời, đề nghị bổ sung cụm từ “cạnh tranh không lành mạnh” vào điểm b Khoản 2, Điều 7 như sau: “các hành vi thông đồng về giá, thẩm định giá dưới mọi hình thức để trục lợi cạnh tranh không lành mạnh”.
Cũng quan tâm đến quy định về các hành vi bị cấm, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho biết, thực tiễn trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh Covid-19, có những thời điểm giá một số trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, test kit, khẩu trang… tăng rất nhanh. Vì vậy, trong nội dung điều khoản cần làm rõ khái niệm “không phù hợp”, bởi thực tế một số đoàn kiểm tra, thanh tra đã cảnh báo dấu hiệu vi phạm khi giá bán hàng hóa cao gấp nhiều lần so với giá nhập khẩu. Đại biểu đề nghị cân nhắc quy định cụ thể mức trần lợi nhuận trên giá vốn hoặc trên giá thành toàn bộ đối với các mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh và có thể xem đây như một biện pháp bình ổn giá có thời hạn để bổ sung vào khoản 3, Điều 20 dự án Luật.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nêu thực tế, khi giá xăng dầu tăng lên thì nhiều mặt hàng khác tăng rất nhanh theo giá xăng dầu, có khi tăng thiếu căn cứ nhưng không có công cụ để kiểm tra. Khi giá xăng dầu giảm, các mặt đó không hạ giá và không có điều kiện để kiểm tra. Từ đó tạo ra mặt bằng giá mới, gây khó khăn cho người dân, người tiêu dùng, người có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, hiện nay người dân quan tâm đến giá dịch vụ y tế, giá sách giáo khoa… Chương 7 dự thảo Luật quy định về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá chỉ có ba điều, khoản; chưa làm rõ được nội dung giám sát tuân thủ việc thực thi pháp luật. Do đó, đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo cần gia cố thêm nội dung và làm rõ hơn vai trò của cơ quan tham gia trong việc kiểm tra, hậu kiểm, giám sát tuân thủ việc thực thi pháp luật cũng như việc xử phạt khi vi phạm các điều khoản của luật này.