745 km đường cao tốc đã được đưa vào khai thác
Cùng với quá trình phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế trong nước, trong thời gian qua Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều nỗ lực cải thiện về chính sách, môi trường đầu tư trong việc huy động các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và đặc biệt là đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện tại hóa đất nước.
Ngày 1.3.2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 326/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến 2020 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam sẽ đầu tư xây dựng 31 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km. Đến nay, các tuyến đường bộ cao tốc này đã hoàn thành và đưa vào khai thác được 745 km đường, gồm 12 tuyến: Đại lộ Thăng Long (29,2km), Liên Khương - Đà Lạt (19km), Pháp Vân - Cầu Giẽ (29km), Cầu Giẽ - Ninh Bình (50km), Vành đai 3 đoạn Phù Đổng - Mai Dịch (28km), Nội Bài - Lào Cai (264km), Hà Nội - Thái Nguyên (63,8km), Hà Nội - Hải Phòng (105,5km), Hà Nội - Bắc Giang (45,8km), TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (39,8km), TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (55km) và tuyến nối Nội Bài - Nhật Tân (khoảng 15/21km). Việc đưa các tuyến trên vào khai thác, sử dụng đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là các địa phương có tuyến cao tốc đi qua.
Trạm thu phí trên đường cao tốc | Nguồn: Internet |
Tuy nhiên, còn một số tồn tại về hệ thống đường cao tốc hiện nay, như hệ thống đường dân sinh, đường kết nối, trạm dịch vụ, Hệ thống giao thông thông minh, các tuyến hoàn trả địa phương chưa xây dựng hoàn chỉnh, công tác giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng. Trong quản lý, khai thác và bảo trì còn tồn tại các hành vi vi phạm trật tự, hành lang bảo vệ kết cấu hạ tầng, an toàn giao thông đường cao tốc như phương tiện thô sơ, xe máy, người đi bộ vào đường cao tốc, phá rào, lấn chiếm hành lang an toàn, bắt xe khách dọc đường, bán quán ven đường. Các điểm dừng đỗ và đặt trạm thu phí còn một số bất cập khiến các cơ quan chức năng địa phương gặp khó trong việc quản lý. Việc thu phí cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khi người dân và doanh nghiệp vận tải cho rằng phí quá cao còn các nhà đầu tư BOT gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoàn vốn.
Tuyên tuyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông
Hiện nay hầu hết các tuyến đường cao tốc sau khi xây dựng xong đưa vào khai thác chưa phát huy hết tính ưu việt do hệ thống đường kết nối với đường cao tốc chưa hoàn chỉnh đã gây khó khăn cho các phương tiện khi di chuyển đi vào đường cao tốc. Cùng với đó, ý thức của người tham gia giao thông và người dân địa phương dọc hai bên đường cao tốc cũng là điều đáng lo ngại. Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Nguyễn Văn Nhi cho biết, vẫn còn tình trạng các phương tiện tham gia giao thông thường xuyên dừng đỗ, đón trả khách trên đường cao tốc; tình trạng người dân sinh sống dọc theo đường cao tốc phá rỡ hàng rào, ném đá vào các phương tiện lưu thông trên đường; chăn thả gia súc gây mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông. Chưa kể đến, tình trạng xe quá tải, tình trạng người dân sinh sống dọc theo đường cao tốc phá rỡ hang rào, trộm cắp tài sản đường cao tốc ảnh hưởng đến kết cấu công trình. Ông Nhi cho biết, dù đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý, phối hợp với các lực lượng chức năng và địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm, song do ý thức của người tham gia giao thông và người dân địa phương dọc hai bên đường cao tốc nên đến thời điểm hiện tại, tình trạng vi phạm gây mất an toàn trên vẫn còn tồn tại.
Đơn cử như tại tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai vẫn còn tình trạng lại nhiều lần nhưng dân vẫn tự động cắt phá hàng rào vào ban đêm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Lào Cai Nông Văn Hưng cho biết. Theo đó, do hệ thống vẫn chưa hoàn thiện, ý thức người dân chưa cao nên người dân đi xe máy vào đường cao tốc vẫn xảy ra, đặc biệt là xe ôm, xe ô tô dừng đón trả khách không đúng nơi quy định.
Để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, cũng như ý thức của người dân tham giao thông và người dân địa phương dọc hai bên đường cao tốc, Trưởng phòng Tuần tra kiểm soát Giao thông đường bộ, cao tốc - Cục Cảnh sát giao thông Vũ Quang Thái đề xuất, trước hết cần nghiên cứu ban hành hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên đường cao tốc, phân công phân cấp rõ ràng trách nhiệm của các bộ ban ngành và các cấp. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành cách các cấp từ Trung ương đến địa phương trong quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông trên đường cao tốc. Phối hợp giữa các đơn vị, ngành liên quan sớm hoàn thiện đưa vào khai thác, sử dụng thống nhất đồng bộ hệ thống giám sát, phát hiện vi phạm trên các tuyến đường cao tốc bằng hệ thống camera tự động. Đặc biệt, cần có cơ chế xử phạt tại chỗ cũng như “xử phạt nguội” nghiêm khắc để tăng tính răn đe, giáo dục tuyên tuyền ý thức của người tham gia giao thông.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị, chính quyền các địa phương cácc ấp cần chỉ đạo các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền giáo dục ý thức của người tham gia giam thông cũng như người dân sinh sống dọc theo hai bên đường cao tốc. Giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ tài sản đường cao tốc là một nhiệm vụ chính trị quan trọng đồng thời đưa tài sản đường cao tốc thuộc danh mục tài sản an ninh quốc gia. Điều chỉnh quy hoạch giao thông khu vực có tuyến cao tốc đi qua phù hợp với quy hoạch đường cao tốc.