Tăng tuyến phố đi bộ
Nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động văn hoá đường phố phát triển mạnh mẽ, từ năm 2012, Hà Nội đã triển khai một số tuyến phố đi bộ khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuối năm 2014, quận Hoàn Kiếm cũng khai trương 6 tuyến đi bộ ở ngay trung tâm Hà Nội gồm Hàng Buồm - Mã Mây - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện - Đào Duy Từ. Và vừa qua, từ ngày 1.9, TP Hà Nội tiếp tục cho thực hiện thí điểm không gian đi bộ trong khu vực hồ Hoàn Kiếm gồm các tuyến phố như Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền, Hàng Khay, Lê Thái Tổ, Lương Văn Can, Bảo Khánh, Hàng Bài… Theo ý kiến nhiều chuyên gia, đây là động thái tích cực của thành phố không chỉ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, mà đồng thời đây còn là nỗ lực trong việc phát triển các hoạt động văn hóa đường phố.
Thay vì càng vào đến trung tâm Hà Nội càng cảm thấy “tức ngực” bởi sự dồn nén kiến trúc đô thị, dân cư, phương tiện đi lại... Sự dồn nén này khiến cho khu vực trung tâm của Thủ đô, đặc biệt là khu vực hồ Hoàn Kiếm, giảm đi rất nhiều những giá trị văn hóa vô giá vốn có. Thì hiện nay, mỗi tuần người dân Thủ đô và các du khách trong nước và quốc tế sẽ có 3 buổi tối từ 19 giờ ngày thứ sáu đến 24 giờ ngày chủ nhật hàng tuần không có xe cộ đi lại, không có còi xe inh ỏi, không có nguy cơ tai nạn giao thông.
Trong thời gian tổ chức không gian đi bộ, Công an TP Hà Nội cấm toàn bộ phương tiện cơ giới và thô sơ hoạt động trên các tuyến phố đi bộ; cùng với đó là bố trí 78 điểm trông giữ ôtô, xe máy với sức chứa hơn 500 ôtô, 2.000 xe máy, xe đạp; tổ chức thông báo, ban hành so đồ hướng dẫn về tổ chức các điểm giao thông tĩnh phục vụ nhân dân, cơ quan, tổ chức trong khu vực không gian đi bộ và du khách đến tham gia các hoạt động của không gian đi bộ... nhờ đó mà lượng khói bụi giảm thiểu, không gian dành cho con người tăng lên, các hoạt động văn hóa đầy màu sắc, hàng hóa và dịch vụ phong phú, đa dạng được tổ chức...
Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho biết, quận đang tiếp tục mở rộng không gian đi bộ khu phố cổ, tạo ra khu vực kết nối hữu cơ, tạo thành một chỉnh thể chặt chẽ hơn nữa để kiện toàn phát triển thương mại gắn chặt với du lịch, biến khu vực không gian này trở thành một không gian rất đặc biệt.
Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trên tuyến phố đi bộ |
Thí điểm tìm phương án tối ưu
Có thể nói đây là một trong những chuyển động dễ thấy hiệu quả nhất của Hà Nội trong nỗ lực phát triển du lịch của mình. Tuy nhiên, sau một tuần thực hiện thí điểm cho thấy vẫn còn nhều bất cập phát sinh. Đơn cử vào buổi sáng và chiều, phố đi bộ rất vắng người do nắng nóng. Tuy nhiên, vào buổi tối, tuyến phố đi bộ tập trung nhiều người vãn cảnh hồ Hoàn Kiếm kết hợp sang dạo chơi phố đi bộ trong phố cổ mua hàng, vui chơi… Do đó, các điểm ùn tắc thường xảy ra từ tầm cuối giờ chiều, tại các trục đường xung quanh phố đi bộ như Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền, Hàng Trống… Anh Nguyễn Lương (quận Long Biên) cho biết, những ngày qua, khi có việc đi ngang qua tuyến đường Hai Bà Trưng giao cắt với phố Bà Triệu, Ngô Quyền, anh phải mất gần 30 phút mới “thoát” được do ùn tắc cục bộ.
Ngoài ra, vào buổi tối, xung quanh phố đi bộ cũng đã xuất hiện các bãi giữ xe tự phát, thu phí cao gấp 10 lần giá quy định, tập trung ở các phố Cầu Gỗ, Hai Bà Trưng. Bên cạnh đó, tại khu phố đi bộ cũng xuất hiện hàng rong; nhiều người vô ý thức xả rác bừa bãi khiến một số điểm vui chơi bị xả nhiều rác. Chưa kể đến, việc tổ chức phố đi bộ cũng đang khiến cuộc sống của người dân trong khu vực bị đảo lộn. “Để về nhà, chúng tôi phải dắt bộ xe, hoặc gửi xe tại bãi xe miễn phí của quận cách đó khoảng 500m – chị Trần Minh Tâm chia sẻ.
Với việc hình thành tuyến đi bộ ở một khu vực trung tâm, trên nhiều tuyến phố quan trọng trong 3 đêm sẽ có ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống, cũng như sinh hoạt thường ngày của đông đảo người dân, đặc biệt là những người dân sống ở trong khu vực đi bộ, nhất là trong vấn đề tham gia giao thông. Kéo theo đó là những phát sinh mà cơ quan quản lý chưa thể lường trước được để có những chính sách, cách thức xử lý, ứng xử phù hợp.
Từ kế hoạch là một đoạn ngắn, sau đó tiến lên một tuyến phố, bây giờ là cả một vòng quanh Hồ Gươm và các phố lân cận... Nên để thực hiện một cách trơn tru, ổn định nhằm phát huy được các giá trị văn hóa vô giá ở khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, biến khu vực không gian này trở thành một không gian đặc biệt về du lịch và thương mại, theo Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, nguyên Giám đốc Viện Thiết kế công trình Lê Văn Lân, cơ quan quản lý phải sắp xếp các tuyến đi, điểm dừng, chờ, nơi phân phối, nút giao và những chỗ tản ra một cách hợp lý. Bên cạnh đó, phải tính toán, điều tra lâu dài xem lợi ích cuộc sống của bà con quanh khu vực, không thể duy trì mãi việc sử dụng một lực lượng hùng hậu để giải quyết các vấn đề liên quan đến phố đi bộ như những ngày qua.
Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn kiếm và phụ cận gồm các tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai (đoạn từ phố Đinh Tiên Hoàng đến phố Lý Thái Tổ), Lê Thạch, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền (đoạn từ phố Ngô Quyền đến phố Đinh Tiên Hoàng), Hàng Khay, Lê Thái Tổ (một nửa đường phía hồ Hoàn Kiếm đoạn từ phố Hàng Trống đến phố Hàng Khay), Lò Sũ (từ phố Hàng Dầu đến phố Đinh Tiên Hoàng), Hàng Dầu (ngã tư Lò Sũ - Hàng Dầu đến phố Đinh Tiên Hoàng), khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Trần Nguyên Hãn (từ phố Đinh Tiên Hoàng đến phố Lý Thái Tổ), phố Hồ Hoàn Kiếm, Lương Văn Can (đoạn phố Hàng Hành đến phố Lê Thái Tổ), Bảo Khánh (đoạn từ ngõ Bảo Khánh đến phố Lê Thái Tổ). |