Những năm gần đây hoạt động của HĐND các cấp và HĐND tỉnh đã có nhiều đổi mới, hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng lên, thực hiện tốt hơn vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định. Hoạt động của HĐND tỉnh Hưng Yên cũng đang trong quá trình đổi mới, trong đó vai trò của người đại biểu, tổ đại biểu HĐND ngày càng được khẳng định, là yếu tố quan trọng góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh. Xác định rõ vị trí, vai trò của tổ đại biểu HĐND, Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên rất chú trọng và quan tâm đến hoạt động của các Tổ đại biểu HĐND; Thường xuyên theo dõi, đôn đốc để bảo đảm hoạt động của các Tổ đại biểu có nền nếp, chất lượng. Từ thực tiễn hoạt động của HĐND tỉnh trong những năm qua, Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên xin trao đổi một số nội dung sau:
Vai trò của Thường trực HĐND tỉnh trong việc đôn đốc các Tổ đại biểu TXCT
Nhiệm kỳ 2004 - 2011, HĐND tỉnh Hưng Yên được bầu 52 đại biểu, phân thành 10 Tổ đại biểu HĐND. Việc đôn đốc hoạt động của Thường trực HĐND với các Tổ đại biểu HĐND tỉnh, chủ yếu bằng 2 hình thức: thông qua hội nghị giao ban theo định kỳ và ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ theo từng nội dung cụ thể.
Về đôn đốc các Tổ đại biểu thực hiện nhiệm vụ TXCT, theo Quy chế hoạt động của HĐND do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định “Các Tổ đại biểu có nhiệm vụ tổ chức và tạo điều kiện để các đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri tại đơn vị ứng cử để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri phản ảnh với HĐND”. Để việc TXCT của các Tổ đại biểu HĐND có chất lượng, trước mỗi đợt TXCT, Thường trực HĐND tỉnh ban hành công văn đôn đốc, hướng dẫn các Tổ đại biểu HĐND xây dựng kế hoạch tiếp xúc với những nội dung cụ thể như: chuẩn bị nội dung, chương trình của kỳ họp trình trước Hội nghị TXCT; thời gian, địa điểm tiếp xúc; công tác thông tin tuyên truyền để mọi cử tri được biết tới dự...
Qua quá trình thực hiện, các Tổ đại biểu đã thực hiện nghiêm túc kế hoạch đề ra, các đại biểu trong Tổ đã bố trí thời gian đến dự đông đủ để thực hiện trách nhiệm của người đại biểu trước cử tri, được cử tri tin tưởng, hoan nghênh. Nội dung, hình thức TXCT có nhiều đổi mới, việc trình bày báo cáo trước Hội nghị ngắn gọn, có trọng tâm để cử tri dễ hiểu và có thời gian tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành ở địa phương; hình thức tiếp xúc được mở rộng, ngoài việc tiếp xúc với các cử tri ở các cụm dân cư (xã, phường, thị trấn, thôn, khu phố) nhiều Tổ còn tổ chức TXCT ở các doanh nghiệp, trường học, bệnh viện... để các đại biểu có thêm thông tin phản ảnh với HĐND và có cơ sở thực tiễn tham gia vào việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.
Từ thực tiễn hoạt động của HĐND tỉnh Hưng Yên trong những năm qua cho thấy, việc tổ chức TXCT đã có nhiều đổi mới, chất lượng không ngừng được nâng lên, đã khắc phục dần tính hình thức. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được phản ảnh kịp thời tại kỳ họp của HĐND, nhiều ý kiến, kiến nghị đã được UBND tỉnh và các ngành hữu quan tiếp thu, xem xét, giải quyết, qua đó đã tạo được niềm tin trong nhân dân đối với các cấp, các ngành trong tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT - XH của địa phương. Có được kết quả đó là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng đó là sự chỉ đạo, đôn đốc thường xuyên kịp thời của Thường trực HĐND tỉnh đối với các Tổ đại biểu và các đại biểu HĐND trong thực hiện nhiệm vụ TXCT.
Vai trò của Thường trực HĐND tỉnh trong việc đôn đốc các Tổ đại biểu tham gia vào các nội dung của kỳ họp
Kỳ họp của HĐND là hoạt động cơ bản, chủ yếu của HĐND, là diễn đàn để các đại biểu thể hiện rõ nhất vai trò, trách nhiệm trước nhân dân trong việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Để kỳ họp HĐND có chất lượng và hiệu quả, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị nghiêm túc, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh trong đó có vai trò quan trọng của Thường trực, các ban HĐND, Tổ đại biểu và các đại biểu HĐND tỉnh.
Xác định rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm quan trọng đó, trước mỗi kỳ họp Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND, các ngành hữu quan trong việc chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp; đồng thời phân công, đôn đốc các ban HĐND, các Tổ đại biểu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Luật và Quy chế hoạt động của HĐND.
Đối với các Tổ đại biểu HĐND, sau khi nhận được công văn đôn đốc của Thường trực HĐND, các Tổ đại biểu đều tiến hành họp phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Tổ như nghiên cứu các tài liệu do Thường trực HĐND chuyển đến để tham gia đóng góp ý kiến vào các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp; chuẩn bị nội dung tham gia thảo luận ở Tổ, thảo luận ở hội trường, chất vấn các ngành hữu quan trong việc xem xét, giải quyết các kiến nghị của cử tri, của đại biểu HĐND tại kỳ họp trước và những vấn đề cần được làm rõ tại kỳ họp này. Do có sự đôn đốc kịp thời của Thường trực HĐND, sự chuẩn bị tích cực, chu đáo của các Tổ đại biểu HĐND nên các ý kiến phát biểu tham luận, chất vấn tại kỳ họp có chất lượng hơn, cung cấp được nhiều thông tin để các đại biểu nghiên cứu, thảo luận trước khi thông qua nghị quyết kỳ họp.
Qua hoạt động thực tiễn của HĐND tỉnh Hưng Yên trong những năm qua cho thấy, chất lượng hoạt động của các Tổ đại biểu HĐND phụ thuộc rất nhiều vào sự chỉ đạo, đôn đốc của Thường trực HĐND. Nếu thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Thường trực HĐND sẽ góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ đại biểu và chất lượng các kỳ họp HĐND tỉnh.
Một số hạn chế
Quá trình hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên tuy đã đạt được một số kết quả nêu trên, nhưng trước yêu cầu của việc đổi mới hoạt động HĐND còn có những mặt hạn chế:
Vai trò của Thường trực HĐND trong việc đôn đốc, hướng dẫn các Tổ đại biểu thực hiện nhiệm vụ TXTC có kỳ họp chưa kịp thời nên việc triển khai nhiệm vụ của các Tổ còn lúng túng, thiếu cụ thể, chất lượng một số việc chưa cao như: việc trình bày báo cáo trước hội nghị cử tri của một số Tổ đại biểu quá dài, mất nhiều thời gian nên ý kiến phát biểu của cử tri ít và rất hạn chế; việc tiếp thu, giải trình của một số đại biểu do chưa nghiên cứu kỹ các văn bản và thiếu tính thực tiễn nên khi trả lời còn lúng túng, không thuyết phục, ảnh hưởng không ít đến chất lượng TXCT.
Có kỳ họp, việc đôn đốc của Thường trực HĐND đối với một số Tổ đại biểu còn thiếu kiên quyết, nên việc chuẩn bị của Tổ chưa kỹ, ý kiến tham gia vào các báo cáo, đề án trình kỳ họp, ý kiến tham luận và chất vấn tại hội trường vừa ít, vừa hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và kết quả của kỳ họp HĐND.
Nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của Thường trực HĐND đối với các Tổ đại biểu HĐND chưa được quy định rõ trong Luật Tổ chức HĐND và UBND nên việc hướng dẫn, đôn đốc của Thường trực HĐND đối với hoạt động của các Tổ đại biểu gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Một số giải pháp, kiến nghị
Thứ nhất, phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND.
Vấn đề này chúng tôi thấy hiện nay Luật Tổ chức HĐND và UBND chỉ mới quy định chức năng, nhiệm vụ cơ bản của HĐND, đại biểu HĐND mà chưa đề cập đến vị trí, vai trò hoạt động của Tổ đại biểu; chưa có hướng dẫn quy định chi tiết chức năng, nhiệm vụ của HĐND và đại biểu HĐND mà trong thực tiễn hoạt động mới phát sinh; chưa có quy định rõ ràng và cụ thể mối quan hệ công tác giữa Thường trực HĐND với Tổ đại biểu HĐND... Do vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là Luật Tổ chức HĐND và UBND phải có quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ phối hợp hoạt động như đã nêu ở trên, thì mới bảo đảm cho hoạt động của HĐND, Thường trực, các ban, các Tổ đại biểu thực sự có hiệu lực, hiệu quả.
Thứ hai, tăng cường đôn đốc, hướng dẫn của Thường trực HĐND với các Tổ đại biểu HĐND tỉnh.
Qua hoạt động thực tiễn cho thấy, do Luật Tổ chức HĐND và UBND chưa quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của Tổ đại biểu nên hoạt động của các Tổ đại biểu còn nhiều khó khăn bất cập, nề nếp sinh hoạt, họp Tổ không thường xuyên, nội dung nghèo nàn nên hiệu quả hoạt động của các Tổ còn nhiều hạn chế. Vì vậy, phải tăng cường vai trò của Thường trực HĐND trong việc đôn đốc, hướng dẫn các Tổ đại biểu, đảm bảo cho hoạt động của Tổ đại biểu thực sự có nề nếp, chất lượng và hiệu quả.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động của đại biểu, Tổ đại biểu HĐND.
Đây là vấn đề đòi hỏi cần phải tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm hoạt động của đại biểu, Tổ đại biểu ngày càng chất lượng, hiệu quả. Việc đổi mới hoạt động của đại biểu, Tổ đại biểu HĐND tỉnh nên tập trung vào các hoạt động như họp Tổ, TXCT, giám sát và thực hiện mối quan hệ phối hợp giữa đại biểu, Tổ đại biểu với các cấp chính quyền và nhân dân địa phương. Những vấn đề đó là rất quan trọng cần phải được tập huấn, bồi dưỡng và hướng dẫn thường xuyên để các đại biểu, các Tổ đại biểu có đủ kiến thức và kỹ năng hoạt động trong thực tiễn.