Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định về Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam” và Nghị quyết quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với sự tán thành của 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tại phiên họp.
Quy định 5 nhóm đối tượng thi đua phù hợp với đặc thù hoạt động của Quốc hội
Trước đó, trình bày Tờ trình tóm tắt về dự thảo Nghị quyết quy định về Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam” và dự thảo Nghị quyết quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam” để tặng cho cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của Quốc hội.
Ban Công tác đại biểu đề xuất 8 nhóm đối tượng tặng Kỷ niệm chương.
Về dự thảo Nghị quyết quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu nêu rõ, để bảo đảm đủ điều kiện xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng bậc cao theo quy định cần thực hiện xét tặng đầy đủ các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.
Trong đó, danh hiệu thi đua đối với cá nhân gồm: Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ quan Văn phòng Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tặng; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Lao động tiên tiến do Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tặng.
Danh hiệu thi đua đối với tập thể gồm: Danh hiệu Cờ thi đua cơ quan của Quốc hội, Tập thể lao động xuất sắc, Tập thể lao động tiên tiến do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tặng; Hình thức khen thưởng Bằng khen do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tặng.
Về chủ thể phát động thi đua, Ban Công tác đại biểu đề xuất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động và chỉ đạo phong trào thi đua; quy định trong Nghị quyết về tính liên tục của các danh hiệu thi đua làm cơ sở xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao hơn thực hiện theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trình bày Báo cáo thẩm tra tóm tắt về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với các Tờ trình và hai dự thảo Nghị quyết.
Trong đó, đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam”, Ủy ban Xã hội cơ bản tán thành với 8 đối tượng được đề xuất xem xét tặng kỷ niệm chương; quy định về tiêu chuẩn xét tặng kỷ niệm chương…
Về thời gian trao tặng kỷ niệm chương, Ủy ban Xã hội đề nghị, cần quy định rõ là vào dịp kỷ niệm Ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội Việt Nam.
Với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Xã hội nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết, 5 nhóm đối tượng thi đua; về thẩm quyền phát động, chỉ đạo, triển khai phong trào thi đua, về Hội đồng Thi đua - Khen thưởng…
Trong đó, Ủy ban Xã hội nhận thấy, 5 nhóm đối tượng thi đua nêu tại Điều 6, dự thảo Nghị quyết vừa bảo đảm cụ thể, rõ ràng, bao quát hết các đối tượng quy định tại Điều 88 Luật Thi đua, khen thưởng, vừa bảo đảm phù hợp với đặc thù hoạt động của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng nhấn mạnh, để chuẩn bị từ sớm, từ xa và kịp tiến độ ban hành các Nghị quyết theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đã chủ trì, phối hợp với lãnh đạo Ban Công tác đại biểu và đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý trước một bước các dự thảo Nghị quyết về kỹ thuật soạn thảo văn bản như các dự thảo đã gửi kèm các Báo cáo thẩm tra.
Cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã rất tích cực, nỗ lực trong quá trình soạn thảo các nghị quyết, đã lấy ý kiến nhiều lần các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các đối tượng chịu sự tác động; cầu thị và nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội và các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết.
Để hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Ban Công tác đại biểu nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội để hoàn thiện Phụ lục quy định về mẫu Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam”; đồng thời, rà soát, hoàn thiện quy định ở các phụ lục khác để dễ dàng trong quá trình áp dụng…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý, cần nghiên cứu quy định cụ thể tại dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các trường hợp được xin cấp đổi Kỷ niệm chương để thuận lợi trong áp dụng; rà soát kỹ thuật lập pháp tại hai dự thảo Nghị quyết…
Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung hai dự thảo Nghị quyết; đề nghị, sau Phiên họp này, Ban Công tác đại biểu phối hợp với Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật tiếp tục rà soát theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ý kiến tại Phiên họp này cũng như kỹ thuật lập pháp.
Sau khi các Nghị quyết này được ban hành, Ban Công tác đại biểu có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc các cấp có thẩm quyền công nhận về sáng kiến, cấp có thẩm quyền công nhận, xác nhận sáng kiến, giải pháp, công trình khoa học có hiệu quả và phạm vi ảnh hưởng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoàn thành các thủ tục hồ sơ xét tặng danh hiệu thi đua theo quy định.
Đồng thời, sớm tham mưu, hướng dẫn để thực hiện xét công nhận thi đua, hình thức khen thưởng cao hơn đối với các đại biểu Quốc hội ngay trong năm 2024; nghiên cứu đề xuất hình thức khen thưởng phù hợp với các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương đã có thời gian làm nhiệm vụ đại biểu từ một khóa trở lên; tiếp tục tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội cụ thể hóa, có căn cứ cho xem xét các trường hợp nhận bằng khen của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm minh bạch, đúng với quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Trần Tuấn Anh thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, đơn vị bầu cử số 1 tỉnh Khánh Hòa; xem xét chủ trương khen thưởng một số cơ quan.