Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy viên của Quốc hội; các thành viên Ủy ban Kinh tế; đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)…
Theo Tờ trình dự án Luật, do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đối với hoạt động đấu giá tài sản, phù hợp với bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy hoạt động đấu giá tài sản theo hướng chuyên nghiệp hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nướcvề đấu giá tài sản là rất cần thiết và cấp bách.
Dự thảo Luật cơ bản giữ nguyên các quy định của Luật Đấu giá tài sản đang còn phù hợp và phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản và bổ sung 1 Điều mới quy định về: tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, quyền, nghĩa vụ và việc thay đổi đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, trong đó có tính đến một số loại tài sản đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình tổ chức đấu giá và hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Các đại biểu cho ý kiến về thời gian, các quy trình, thủ tục trình hồ sơ dự án Luật; các quy định về Cổng đấu giá tài sản quốc gia; tài sản đấu giá; trình tự, thủ tục đấu giá; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động đấu giá tài sản... Trong đó, các đại biểu ghi nhận, những sửa đổi, bổ sung tích cực đối với quy định về đấu giá viên như bỏ điều kiện phải có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo 3 năm mới được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá; bổ sung trách nhiệm tham gia bồi dưỡng với đấu giá viên...
Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn với việc bỏ quy định các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá, vì cho rằng chức danh đấu giá viên có những đặc điểm khác với các chức danh bổ trợ tư pháp khác. Do đó, chỉ cần khuyến khích tham gia bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hành nghề đấu giá, nếu quy định cứng các đấu giá viên bắt buộc phải tham gia đào tạo nghề đấu giá sẽ “làm khó” với cá nhân đấu giá viên và đơn vị tổ chức đấu giá.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu cho phép đấu giá viên được kiêm nhiệm làm một số công tác sát gần với hoạt động đấu giá; rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định trường hợp người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá để phù hợp với các bộ luật, luật liên quan...
Một điểm mới đáng chú ý của dự án Luật là bổ sung một số quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá đối với tài sản đặc thù bao gồm quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tài sản thi hành án. Cụ thể, thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá dài hơn so với tài sản thông thường; cách thức xác định tiền đặt trước trong trường hợp giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền hoặc theo số lượng khối tài sản và giá khởi điểm cao nhất…
Tuy nhiên, đấu giá quyền sử dụng đất là nội dung rất quan trọng nhưng đang bộc lộ nhiều bất cập, như thông đồng thổi giá, dìm giá, dẫn đến làm lợi bất chính cho một số cá nhân, tổ chức. Do vậy, một số ý kiến đề nghị, khi sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản hiện hành thì cần quy định cụ thể để hạn chế tính trạng trên; nâng mức tiền đặt cọc tương xứng với giá trị của hàng hóa đấu giá...
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản hiện hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập; đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy hoạt động đấu giá tài sản theo hướng chuyên nghiệp hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản là rất cần thiết và cấp bách. Trong thời gian tới, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Bộ Tư pháp sẽ phối hợp nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại Phiên họp để hoàn thiện dự thảo Luật.
* Tiếp đó, Ủy ban Kinh tế đã thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo Tờ trình của Chính phủ, trên cơ sở hồ sơ điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành của UBND tỉnh Đồng Nai, Chính phủ đề nghị, giảm tổng mức đầu tư dự án từ 22.938 tỷ đồng xuống 19.207 tỷ đồng; điều chỉnh diện tích đất thu hồi là 5.317,35 ha (giảm 82 ha); điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024. Đồng thời, bổ sung bố trí tái định cư các hộ dân thuộc 2 tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn.
Các đại biểu cơ bản tán thành với điều chỉnh 4 nội dung trong Nghị quyết số 53/2017/QH14 để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, tổ chức thanh toán, giải ngân các hạng mục công trình đã triển khai, cũng như chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân.
Tuy nhiên, các đại biểu có quan điểm khác nhau về việc điều chỉnh dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật Đầu tư công, hay Chính phủ phải trình Quốc hội xem xét, thông qua việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh dự án, do việc điều chỉnh dự án làm thay đổi một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14.
Tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, Hội đồng thẩm định… đã giải trình về những vấn đề được các đại biểu quan tâm.