Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì Phiên họp.
Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; Thường trực Ủy ban Kinh tế; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và một số tỉnh, thành phía Nam.
Các đại biểu đã cho ý kiến, thẩm tra các nội dung: Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và Luật Kiểm toán độc lập; Tờ trình của Chính phủ về đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021; Tờ trình của Chính phủ về việc xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng và ước cả năm 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều yếu tố rủi ro, khó lường, nhưng trên cơ sở kết quả của 8 tháng, dự kiến cả năm 2024 tình hình kinh tế - xã hội đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội. Đối với chỉ tiêu tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt khoảng 6,8 - 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra và vượt cả dự báo của các tổ chức quốc tế, thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới.
Về giải pháp từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ chú trọng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát phấn đấu tốc độ tăng GDP đạt khoảng 7%, hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Chính phủ đưa ra 15 chỉ tiêu tập trung vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7%, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn 7 - 7,5% để đến hết năm 2025 xếp hạng 31 - 33 thế giới về quy mô GDP; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.980 - 5.000 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%…
Thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật. Đến nay, công tác này đang được chỉ đạo quyết liệt, với tinh thần cải cách, đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, làm sao hoàn thiện nhanh nhất, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập với kinh tế thế giới.
Để hoàn thành các mục tiêu phát triển, các đại biểu đề nghị các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; trình Quốc hội ban hành ngay trong Kỳ họp thứ Tám tới đây các dự án luật (sửa đổi) và dự án một luật sửa nhiều luật về đầu tư, đầu tư công, tài chính, ngân sách nhà nước, tài sản công…
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, trong bối cảnh thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn nhưng đến nay, theo báo cáo 14/15 đạt chỉ tiêu là nỗ lực rất lớn của Chính phủ; trong điều hành kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng với nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng cao, đặc biệt là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra một số tồn tại, như lĩnh vực xuất khẩu tăng trưởng tốt song lại phụ thuộc chủ yếu vào các doanh nghiệp nước ngoài; kết quả giải ngân đầu tư công vẫn còn ở mức thấp nên cần có giải pháp để thúc đẩy giải ngân từ nay đến cuối năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị các bộ, ngành sớm hoàn thiện các tờ trình để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các ý kiến sẽ được cơ quan thẩm tra tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu để hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội.