Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh; đánh giá cao hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, chi tiết, các tài liệu bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Cho ý kiến về chính sách của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại Điều 4, ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) bày tỏ thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh là cần nghiên cứu bổ sung quy định về chính sách phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; huấn luyện, diễn tập phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; có chính sách về bảo đảm đầu tư, phân bổ nguồn lực phục vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng miền; chính sách bảo vệ, hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong hoạt động này; chính sách huy động các tầng lớp Nhân dân, các lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cũng như các chính sách cụ thể về xã hội hóa công tác này.
“Đặc biệt cần quan tâm ưu tiên chính sách đưa công tác giáo dục, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào trường học”. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh cho rằng, đây là các chính sách đúng đắn, phù hợp và vô cùng cần thiết. Vì thế, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét quy định theo hướng các trường có thể thiết kế đưa vào chương trình học các nội dung về kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để học sinh có thêm kiến thức áp dụng trong thực tiễn. Bởi, theo đánh giá của các chuyên gia, học sinh, sinh viên Việt Nam hiện đang thiếu nhiều kỹ năng mềm so với các nước khác, như: kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng xử lý các tình huống…
Về khoản 2, Điều 28, dự thảo Luật liên quan đến người chỉ huy chữa cháy, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh nhất trí bổ sung quy định cho phép người chỉ huy chữa cháy được quyền “cấm người và phương tiện không có nhiệm vụ vào khu vực chữa cháy” nhằm bảo đảm trật tự cho khu vực chữa cháy, tạo thuận lợi cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thực hiện nhiệm vụ cũng như bảo đảm an toàn cho người dân khu vực xung quanh.
Tuy nhiên, cần quy định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm của người chỉ huy này để tạo thuận lợi cho họ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và có thể mạnh dạn trong quyết định các vấn đề quan trọng phát sinh tại thời điểm xảy ra cháy, nổ.
Tại khoản 3, Điều 9, dự thảo Luật quy định “Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài về hệ thống phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được áp dụng tại Việt Nam trong trường hợp chưa có quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc có quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy cao hơn Việt Nam. Tiêu chuẩn áp dụng cho công trình phải được người quyết định đầu tư xem xét, chấp thuận khi quyết định đầu tư”.
Theo ĐBQH Lại Văn Hoàn (Thái Bình), quy định trên chưa nêu rõ cơ quan nào có trách nhiệm xác định tiêu chuẩn tương ứng cũng như “an toàn phòng cháy, chữa cháy cao hơn Việt Nam” để làm cơ sở cho việc áp dụng. Trong khi đó, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 có quy định rất rõ nội dung này.
Khoản 1, Điều 13, dự thảo Luật quy định: “Khi lập, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp và các khu chức năng theo quy định của pháp luật về quy hoạch phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy, chữa cháy...”. Đại biểu Lê Văn Hoàn cho rằng, liên quan tới quy hoạch, thì Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng đã quy định về các cấp quy hoạch và nội dung chính của các quy hoạch, trong đó không có nội dung về giải pháp, thiết kế phòng cháy, chữa cháy. Dự thảo Luật cũng chưa xác định rõ yêu cầu tương ứng về thiết kế phòng cháy, chữa cháy với các cấp độ quy hoạch trong quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng...
Một số đại biểu cũng đề nghị bổ sung 2 biện pháp quan trọng là: tập huấn kỹ năng phòng cháy; trách nhiệm tự kiểm tra, phát hiện thiếu sót trong phòng cháy tại Điều 12, dự thảo Luật.