Đó là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành khi kết luận Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thành phố lần thứ 4 với chủ đề: Kinh nghiệm xử lý nội dung phát sinh do UBND đề nghị Thường trực HĐND cho ý kiến.
Phải được các Ban HĐND thẩm tra
Tại hội nghị, cơ bản các ý kiến khẳng định: việc xem xét, giải quyết các nội dung phát sinh do UBND đề nghị Thường trực HĐND cho ý kiến được Thường trực HĐND cấp tỉnh, huyện quan tâm giải quyết kịp thời, bảo đảm việc cho ý kiến về những nội dung phát sinh theo đúng quy định pháp luật. Việc giải quyết các nội dung phát sinh giữa hai kỳ họp được vận dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND để triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước và nghị quyết của HĐND, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua các ý kiến gửi về Thường trực HĐND tỉnh trước và các ý kiến trao đổi tại hội nghị cho thấy, có 2 vấn đề cần được phân tích sâu, làm rõ hơn, trên cơ sở quy định của luật và thực tiễn hoạt động để đi đến thống nhất cách làm trong thời gian tới.
Theo đó, về thẩm quyền của Thường trực HĐND, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành nhấn mạnh: với tinh thần giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND, gắn liền với các giải pháp giảm thiểu tính hình thức của HĐND, hạn chế việc tổ chức kỳ họp chuyên đề, bảo đảm tiết kiệm, Thường trực HĐND tỉnh đang áp dụng quy định tại điểm b, Điều 6 Quy chế hoạt động HĐND tỉnh Bắc Giang ban hành kèm theo Nghị quyết số 32/NQ-HĐND ngày 10.8.2021 của HĐND tỉnh Khóa XIX. Theo đó, tại phiên họp, Thường trực HĐND sẽ thảo luận, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh mà HĐND tỉnh giao cho Thường trực HĐND tỉnh giải quyết giữa hai kỳ họp và phải được các Ban HĐND tỉnh thẩm tra theo quy định. Khi đó, nhiệm vụ của Thường trực HĐND sẽ tương xứng với vị trí, vai trò và cơ cấu tổ chức được mở rộng theo đúng tinh thần của Luật Tổ chức chính quyền địa phương - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhấn mạnh.
Về quy trình thực hiện giải quyết những vấn đề UBND đề nghị Thường trực HĐND cho ý kiến, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định 06/QĐ-HĐND ngày 27.4.2022ban hành Quy trình giải quyết những vấn đề UBND tỉnh xin ý kiến. Việc ban hành quy trình giải quyết những vấn đề UBND tỉnh xin ý kiến mang tính hiệu quả, bảo đảm HĐND tỉnh luôn đồng hành với UBND tỉnh giải quyết các nhiệm vụ phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND.
Khắc phục tình trạng: HĐND là cơ quan hợp thức văn bản
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành cũng nhấn mạnh: từ thực tiễn hoạt động của Thường trực HĐND các huyện cho thấy, việc xử lý những việc vượt thẩm quyền của UBND; việc xin ý kiến, cho ý kiến được thực hiện bài bản hơn.
Theo đó, sau khi có văn bản đề nghị của UBND, Văn phòng cần tổ chức nghiên cứu nội dung, sau đó "lập phiếu trình"gửi Phó Chủ tịch HĐND. Nội dung phiếu trình cần bảo đảm rõ: Thẩm quyền giải quyết, tính chất, mức độ phức tạp của nội dung trình và đề xuất bước xử lý tiếp theo.
Từ bước này, nếu nội dung UBND xin ý kiến đã rõ, bảo đảm quy định pháp luật, thì trong "phiếu trình" đề xuất giao cho Văn phòng tổng hợp báo cáo kết quả và đề xuất xin ý kiến Thường trực HĐND bằng văn bản, hoặc trong phiên giao ban Thường trực gần nhất. Căn cứ vào ý kiến của Thường trực, Văn phòng hoàn thiện văn bản, trình Phó Chủ tịch HĐND ký văn bản trả lời.
Trường hợp nếu nội dung UBND tỉnh xin ý kiến chưa rõ (nội dung phức tạp), Văn phòng lập phiếu trình đề xuất giao cho Ban của HĐND thẩm tra. Các ban HĐND tổ chức khảo sát khi cần thiết, sau thẩm tra, Ban xây dựng báo cáo thẩm tra trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét. Đối với từng nội dung, Ban sẽ đề xuất, tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn hình thức thông qua cho phù hợp (Cấp tỉnh: đối với những nội dung cần gấp về thời gian, Thường trực HĐND tỉnh sẽ thông qua tại Hội nghị giao ban tuần, hoặc gửi phiếu xin ý kiến các thành viên Thường trực HĐND; những nội dung không gấp, Thường trực HĐND tỉnh sẽ thông qua tại phiên họp hàng tháng).
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành lưu ý: thực tế vừa qua ở các địa phương, có nội dung UBND cho làm, quyết định trước theo kiểu "tiền trảm hậu tấu" rồi đợi đến gần kỳ họp cho tổng hợp lại để báo cáo với HĐND những nội dung phát sinh đã giải quyết và đưa vào nghị quyết điều chỉnh, bổ sung. Trường hợp này, tại Hội nghị giao ban 3 bên,Phó Chủ tịch HĐND phải nêu vấn đề và Chủ tịch HĐND phải có tiếng nói yêu cầu UBND rút kinh nghiệm, chấn chỉnh để lần sau.“Đó là lý do tại Hội nghị lần này, Thường trực HĐND tỉnh mời đích danh Chủ tịch HĐND các huyện, thành phố, mong các đồng chí quan tâm, có tiếng nói mang sức nặng để khắc phục tình trạng "HĐND là cơ quan hợp thức văn bản" cho UBND - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu.