Xây dựng quy trình, quy chế phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh

- Thứ Sáu, 26/05/2023, 06:01 - Chia sẻ

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bắc Giang Vũ Tấn Cường, các nội dung phát sinh giữa 2 kỳ họp phải được UBND trình xin ý kiến bằng văn bản và giao các Ban của HĐND thẩm tra. Thường trực HĐND huyện, thành phố cần nghiên cứu xây dựng quy trình hoặc quy chế phối hợp với UBND nhằm xử lý các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp. Trong đó, quy định cụ thể thời gian, danh mục tài liệu trong hồ sơ xin ý kiến… để Thường trực, các Ban HĐND có đủ thời gian, thông tin cần thiết nghiên cứu, xem xét…

Giúp công tác chỉ đạo, điều hành kịp thời

Phát biểu tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bắc Giang Vũ Tấn Cường cho biết: thời gian qua, Ban Kinh tế - Ngân sách đã tích cực tham mưu, giúp Thường trực HĐND tỉnh thẩm tra các nội dung do UBND tỉnh trình giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh. Hàng năm, Ban đã tham mưu, giúp Thường trực HĐND tỉnh thẩm tra trên 40 đề xuất của UBND tỉnh gửi đến Thường trực HĐND tỉnh. Các nội dung UBND tỉnh xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực như: phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản (vốn ngân sách tỉnh, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ…); sử dụng dự phòng ngân sách, bổ sung kinh phí cho các cơ quan, đơn vị… Các nội dung UBND tỉnh xin ý kiến được Ban thẩm tra đã giúp Thường trực HĐND xử lý kịp thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh.

Một cuộc họp thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bắc Giang - ẢNH MINH LINH
Một cuộc họp thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Minh Linh

Việc phối hợp thường xuyên, kịp thời giữa Thường trực, các Ban HĐND với UBND tỉnh trong giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp đã giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh được kịp thời, góp phần thực hiện tốt nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và các chủ trương của Trung ương, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Tuy nhiên, một số vấn đề do thời gian gấp nên Thường trực, các Ban HĐND không có thời gian nghiên cứu, khảo sát; hồ sơ trình xin ý kiến còn sơ sài, thiếu thông tin để Thường trực, các ban HĐND tỉnh có cơ sở xem xét...

Cụ thể thời gian gửi hồ sơ, danh mục tài liệu

Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nhấn mạnh: các nội dung phát sinh giữa 2 kỳ họp thuộc thẩm quyền của HĐND, Thường trực HĐND phải được UBND trình xin ý kiến bằng văn bản và giao cho các Ban của HĐND thẩm tra (Thường trực HĐND không nên cho ngay ý kiến nhất trí hoặc không nhất trí khi được mời dự các Hội nghị giao ban thường trực của UBND). Đối với từng nội dung, Ban sẽ đề xuất, tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn hình thức thông qua cho phù hợp: đối với những nội dung cần gấp về thời gian, Thường trực HĐND tỉnh sẽ thông qua tại Hội nghị giao ban tuần hoặc gửi phiếu xin ý kiến các thành viên Thường trực HĐND; những nội dung không gấp, Thường trực HĐND tỉnh sẽ thông qua tại phiên họp hàng tháng.

Ngay khi nhận được văn bản của UBND tỉnh, trong khi chờ Thường trực HĐND tỉnh có ý kiến giao nhiệm vụ, Ban chủ động chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh sưu tầm tài liệu và in gửi các thành viên nghiên cứu trước. Đối với các nội dung UBND tỉnh gửi gấp cần xử lý ngay, để kịp thời thẩm tra, Ban sử dụng công văn hỏa tốc, hoặc điện thoại trực tiếp mời các thành viên ban và các ngành liên quan dự họp thẩm tra.

Bảo đảm chất lượng công tác thẩm tra, đối với những nội dung phức tạp, Ban sẽ tổ chức khảo sát thực tế, tham khảo ý kiến địa phương và các đối tượng liên quan để nắm bắt đầy đủ thông tin trước khi thẩm tra. Yêu cầu UBND tỉnh cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan, nội dung Tờ trình phải đầy đủ căn cứ và cụ thể, rõ ràng. Các nội dung thuộc lĩnh vực Ban Kinh tế - Ngân sách thẩm tra cơ bản liên quan đến nhiều luật, nghị định và thông tư hướng dẫn, vì vậy thành viên Ban luôn chủ động nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật liên quan; đồng thời, cập nhật đầy đủ và có hệ thống các quy định liên quan đến ngân sách, đầu tư công, đất đai…

Báo cáo thẩm tra của Ban cần nêu sự phù hợp của nội dung UBND tỉnh xin ý kiến với hệ thống pháp luật hiện hành và tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; đồng thời, phải có chính kiến và nêu rõ ý kiến của Ban đối với một số nội dung UBND tỉnh xin ý kiến không bảo đảm quy định pháp luật, không hiệu quả, thiếu tính khả thi.

Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nhấn mạnh: Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang đã xây dựng quy trình xem xét, xử lý các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp, đề nghị Thường trực HĐND huyện, thành phố nghiên cứu xây dựng quy trình hoặc quy chế phối hợp với UBND nhằm xử lý các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp. Trong đó, quy định cụ thể thời gian gửi hồ sơ, danh mục tài liệu trong hồ sơ xin ý kiến… để Thường trực, các Ban HĐND có đủ thời gian, thông tin cần thiết nghiên cứu, xem xét hoặc tổ chức khảo sát, thẩm tra trước khi có văn bản trả lời.

NGUYỄN ÁNH