Mọi kết quả thăm dò đều ảm đạm
Theo kết quả thăm dò do tổ chức thăm dò dư luận và nghiên cứu thị trường Survation của Anh thực hiện và đăng trên Báo The Sunday Times, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Sunak đang phải đối mặt với một tương lai vô cùng u ám khi đảng có nguy cơ không đạt được 100 ghế tại Hạ viện trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 8 - 22.3.
Dữ liệu cho thấy Công đảng đang dẫn đầu với 45% phiếu bầu, trong khi đảng Bảo thủ 26%. Một kịch bản như vậy sẽ cho thấy Công đảng có khả năng giành được hơn 70% số ghế trong Hạ viện, trong khi đảng Bảo thủ cầm quyền sẽ phải hứng chịu thất bại sau cuộc bầu cử, thậm chí mất đi thành trì của họ ở Scotland và xứ Wales. Cụ thể, đảng Bảo thủ có thể chỉ giành được 98 ghế trong Hạ viện, trong khi Công đảng có khả năng giành được 468 ghế. Bản thân Thủ tướng Rishi Sunak còn có thể thất bại ở chính khu vực bầu cử của mình.
“Một cơn địa chấn” như vậy sẽ đánh dấu thất bại toàn diện nhất từ trước đến nay của đảng Bảo thủ trong thời điểm Công đảng của ông Tony Blair giành được 418 ghế và đảng Bảo thủ của ông John Major chỉ giành được 165 ghế.
Thủ tướng Sunak phải đối mặt với cuộc tổng tuyển cử trong vòng 10 tháng tới. Mặc dù thời điểm bầu cử chưa được ấn định, nhưng các nhà quan sát dự đoán khả năng tháng 10 hoặc tháng 11 sẽ diễn ra. Đảng Bảo thủ đứng sau Công đảng trong các cuộc thăm dò dư luận, trong bối cảnh cơ sở của đảng này đã bị chia cắt do sự nổi lên của đảng Cải cách cánh hữu. Nhiều nhà quan sát còn nhận định, các đảng viên đảng Bảo thủ cấp cao có nguy cơ mất ghế là Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt, lãnh đạo Hạ viện Penny Mordaunt, Bộ trưởng Nội vụ James Cleverly và Bộ trưởng Quốc phòng Grant Shapps.
Thêm vào nỗi lo của đảng Bảo thủ là sự ra đi đáng kể của các nghị sĩ giàu kinh nghiệm. Một phân tích của Guardian đã chỉ ra rằng đảng Bảo thủ sẽ mất gần “1.000 năm kinh nghiệm hoạt động tại Hạ viện” của 66 nghị sĩ của đảng này (mỗi nghị sĩ có 15 năm kinh nghiệm) bởi những nghị sĩ này đã tuyên bố sẽ không tái ứng cử trong cuộc bầu cử sắp tới, thậm chí làn sóng ra đi đó có thể còn gây hậu quả lớn hơn năm 1997. Lần cuối cùng đảng Bảo thủ phải đối mặt nguy cơ để mất thế đa số là năm 1997, thời điểm 72 đảng viên đảng Bảo thủ đã từ chức.
Thách thức đến từ kinh tế
Bối cảnh kinh tế ảm đạm càng làm tăng thêm những thách thức của đảng Bảo thủ. Chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak đang phải vật lộn với nhiều khó khăn, gợi nhớ đến những điều dẫn đến sự thất bại của đảng vào năm 1997. Chỉ số Khốn khổ (Misery Index) - một thước đo về tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát kết hợp, vẫn ở mức cao, phản ánh những khó khăn mà các hộ gia đình phải đối mặt trong bối cảnh nền kinh tế rơi vào suy thoái, dẫn đến khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Bất chấp những dấu hiệu cho thấy khả năng cải thiện các chỉ số kinh tế, chẳng hạn như lạm phát giảm và dự đoán cắt giảm lãi suất, đảng Bảo thủ vẫn tiếp tục tụt lại phía sau trong các cuộc thăm dò ý kiến. Tâm lý cử tri dường như bị ảnh hưởng sâu sắc bởi trải nghiệm hàng ngày của họ hơn là những cải thiện về mặt thống kê, đặt ra thách thức đáng kể cho đảng cầm quyền.
Thủ tướng Sunak sẽ phải kêu gọi một cuộc bầu cử trước tháng 1.2025 và nhiều nhà phân tích cho rằng ông sẽ tổ chức cuộc bầu cử vào mùa Thu.
Ông Ruth Gregory, nhà kinh tế học tại Capital Economics Ltd. ở London nhận định, nhìn từ góc độ kinh tế, ông Sunak sẽ muốn kéo dài thời gian trước khi quyết định tổ chức cuộc bầu cử. Bởi đến cuối năm nay, nền kinh tế có thể sẽ thoát khỏi suy thoái, thậm chí có phục hồi, lạm phát sẽ thấp hơn, tiền lương thực tế của các hộ gia đình tăng và lãi suất có thể giảm.
Chỉ số Khốn khổ đạt trung bình gần 12 kể từ khi ông Sunak nhậm chức vào tháng 10.2022. Chỉ số này giảm từ mức 15 dưới thời cựu Thủ tướng Elizabeth Truss, nhưng tăng so dưới thời các chính quyền Bảo thủ khác từ thời ông Tony Blair đến ông Boris Johnson.
Chỉ số này được nhà kinh tế học người Mỹ Arthur Okun, cố vấn của Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson, đặt ra để nắm bắt cảm nhận của cử tri về nền kinh tế. Kể từ đó, chỉ số này được các chính trị gia và học giả trên toàn thế giới sử dụng để theo dõi cảm nhận của người dân theo thời gian.
Lạm phát là thách thức chính của Thủ tướng Sunak. Tỷ lệ thất nghiệp - vấn đề đau đầu nhất đối với những người tiền nhiệm - vẫn ở mức thấp ngay cả sau đợt suy thoái năm ngoái. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích cho rằng, tình hình này có thể sẽ chấm dứt. Giá cả tăng vọt đã ảnh hưởng đến sức chi tiêu của người tiêu dùng và khiến Ngân hàng Trung ương Anh phải tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 16 năm, đẩy chi phí thế chấp lên cao.
Tuy nhiên, theo Cơ quan dự báo chính thức của Chính phủ, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách, dự kiến lạm phát trung bình là 7,4% vào năm 2023, sẽ giảm xuống dưới 2% trong vài tháng tới và lãi suất cũng sẽ giảm. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp, vốn vào khoảng 4% trong năm ngoái, sẽ tăng lên 4,4%.
Tất nhiên, thất nghiệp và lạm phát không phải là vấn đề duy nhất trong chương trình nghị sự chính trị. Cử tri cũng đang cảm nhận được tác động của việc tăng hóa đơn thuế và sự xuống cấp của các dịch vụ công, đặc biệt là về y tế. Khi lạm phát giảm, hầu hết giá cả sẽ tăng chậm hơn - chưa thể quay trở lại mức mà mọi người mong muốn trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Ngoài ra, triển vọng kinh tế sáng sủa hơn không nhất thiết mang lại sự ủng hộ cho đảng cầm quyền. Mặc dù tâm lý kinh tế đã được cải thiện trong những tháng gần đây nhờ giá cả tăng chậm lại và kỳ vọng về lãi suất sẽ được cắt giảm. Tuy nhiên, vị thế của đảng Bảo thủ trong các cuộc thăm dò hiện nay ngày càng giảm. Thậm chí, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, đảng cầm quyền có xếp hạng thấp nhất từ trước đến nay.
Khi viễn cảnh về một cuộc tổng tuyển cử có thể diễn ra trong vòng 10 tháng tới, đảng Bảo thủ nhận thấy mình đang ở ngã ba đường. Với việc Công đảng đang dẫn đầu trong mọi bảng xếp hạng và triển vọng kinh tế mờ mịt, Thủ tướng Rishi Sunak phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là lèo lái đảng của mình vượt qua những khó khăn mang tính lịch sử. Những tháng tới sẽ thử thách khả năng phục hồi của đảng Bảo thủ và có thể định hình lại cục diện chính trị của Vương quốc Anh trong nhiều năm tới.