Tháng 2.544, Lý Bí lên ngôi, xưng đế hiệu là Nam Việt Đế (Lý Nam Đế), người có công lớn khai sinh ra nước Vạn Xuân. Thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên (nay là phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên) được xác định là nơi vua Lý Nam Đế sinh ra. Nhân dân ở đây đã lập đền Mục thờ Lý Nam Đế, hàng năm tổ chức dâng lễ, thờ cúng vào ngày sinh, ngày mất và ngày xưng đế của ông. Ngày 12 tháng Giêng Âm lịch hàng năm là lễ hội chính của đền Mục.
Trong quần thể Di tích lịch sử quốc gia Lý Nam Đế ngoài đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục), còn có chùa Hương Ấp, ngôi chùa mà tuổi thơ Ngài đã nương nhờ, tu tập; chùa Mãn Tăng, nơi lưu giữ những truyền thuyết, huyền thoại gắn với đức Vua. Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng đền Mục và chùa Hương Ấp là Di tích lịch sử quốc gia; năm 2016, chùa Mãn Tăng được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Ngày 9.5.2019, UBND tỉnh Thái Nguyên có Quyết định số 1228 phê chuẩn “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lý Nam Đế, xã Tiên Phong, TP. Phổ Yên”. Khu di tích được quy hoạch tổng thể với diện tích 54,06ha, được thực hiện trong giai đoạn đến hết năm 2030. Trong đó, đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục) được chọn làm trung tâm, điểm nhấn của Khu di tích, với diện tích 44ha, các điểm di tích còn lại là chùa Hương Ấp và chùa Mãn Tăng.
- Dự án đầu tư xây dựng công trình “Tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục)” đã được triển khai như thế nào, thưa ông Ngụy Tôn Nam?
- Dự án đầu tư xây dựng công trình “Tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục)” có tổng diện tích quy hoạch 7.500m2, tổng mức đầu tư 76 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2025. Dự án do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư; Công ty cổ phần đầu tư Nam - Invest là đơn vị thi công.
Theo thiết kế, công trình được phục hồi, tôn tạo chống xuống cấp và xây mới với hình thức kiến trúc phù hợp trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng vốn có với các hạng mục chính như: Nghi môn, Bình phong, Cột cờ, Tả vu, Hữu vu, Tháp chuông, Tháp trống, Tiền tế, Trung từ, Hậu cung, đền Mẫu, Lầu cô, Lầu cậu, Lầu hóa sở, Lư hương đá, Nhà khách, Tường rào, cảnh quan sân vườn, các hạ tầng kỹ thuật…
- Đơn vị thi công có gặp áp lực khi thực hiện dự án liên quan đến một di tích lịch sử quốc gia không?
- Nam - Invest đã thi công nhiều công trình văn hóa, tâm linh, nhưng đây là di tích lịch sử cấp quốc gia đầu tiên mà chúng tôi đảm nhận. Hơn nữa, đây lại là nơi thờ Lý Nam Đế, người có công lớn khai sinh ra nhà nước Vạn Xuân. Vì thế, chúng tôi xác định phải cố gắng hết sức để hoàn thành công trình một cách tốt nhất, xứng với tầm vóc và ý nghĩa của nó.
Và như phát biểu của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tại Lễ khánh thành dự án, công trình hoàn thành có ý nghĩa rất quan trọng, là địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, phát huy các giá trị nhân văn, thể hiện niềm tự hào của người dân Phổ Yên nói riêng, người dân Thái Nguyên nói chung. Chúng tôi cảm thấy may mắn và tự hào được góp công, góp sức cho công trình này.
- Quá trình thi công dự án, khó khăn nhất là gì, thưa ông?
- Khó khăn nhất là quá trình giải phóng mặt bằng, mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền và sự ủng hộ của nhân dân địa phương, công trình đã hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, khang trang, bề thế, uy nghiêm.
- Thế còn về mặt kỹ thuật thi công thì sao?
- Đền Mục mang phong cách kiến trúc truyền thống của ngôi đền Bắc Bộ. Công trình được làm hoàn toàn bằng gỗ nên đòi hỏi kỹ thuật cao hơn so với những công trình chúng tôi đã thực hiện. May là chúng tôi có đội ngũ thợ kinh nghiệm, lành nghề, nên cũng không có vấn đề gì lớn.
Cùng với dự án tu bổ, tôn tạo đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục), dự án tu bổ chùa Hương Ấp cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Hy vọng sau khi Khu di tích hoàn thiện sẽ phát huy giá trị lịch sử, trở thành điểm du lịch tâm linh trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên và vùng trung du miền núi phía Bắc; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần tự tôn dân tộc…
- Xin cảm ơn ông!