Họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trang Thanh Hiền, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, nhận xét, họa sĩ Bùi Mai Hiên là một trong những nữ nghệ sĩ đầy cá tính thuộc giai đoạn đầu của mỹ thuật Việt Nam thời Đổi mới. Bà theo đuổi một dòng nghệ thuật khó - nghệ thuật trừu tượng, loại hình không chỉ khó để cảm nhận mà còn khó để tạo ra ngôn ngữ riêng. Nó đòi hỏi người sáng tạo phải đắm mình trong đó, biết khơi lên những ngôn từ trong muôn hình vạn trạng ngôn ngữ hội họa để thị hiện chính xác nhất xúc cảm của mình.
“Nhưng với họa sĩ Bùi Mai Hiên dường như cái khó đó lại tự nhiên như hơi thở. Từ những phiêu du trong sơn mài thập kỷ 1990 đến Vô cực của 2022 ta cảm giác chỉ như là khoảnh khắc, như một “sát na” để chị trở lại với chính mình, vẫy vùng trong một bờ cõi riêng của những thực hành với nghệ thuật trừu tượng”, PGS.TS. Trang Thanh Hiền nhận định.
Họa sĩ Bùi Mai Hiên đến với chất liệu acrylic khoảng 2 năm trở lại đây một cách rất tự nhiên sau nhiều lần bị ngộ độc chất liệu sơn mài tưởng chừng phải ngừng vẽ. Ấy nhưng, căn duyên với hội họa, với nghệ thuật trừu tượng không hề rời bỏ bà. Họa sĩ bắt tay tìm kiếm những cách thể hiện khác nhau, từ tranh acrylic khổ lớn vẽ về Sapa, được truyền cảm hứng từ đồng nghiệp, cho đến những hiện thực mang tính biểu hình. Song tất cả dường như không thể thỏa mãn tâm hồn phiêu du của một họa sĩ từng đắm đuối với trừu tượng ấy. Và, nghệ thuật trừu tượng vẫn là lối quay về đắm say mà lạ lẫm, kế thừa mà phát triển.
Theo PGS.TS. Trang Thanh Hiền, Vô cực ra đời như một cơn lốc, phá tan mọi ranh giới đến vô cực trừu tượng. “Những bức tranh của họa sĩ Bùi Mai Hiên dường như vẽ ra những bài thơ về thủa hồng hoang. Ở đó không còn níu giữ dấu vết của những nét bút, chỉ còn lại tâm hồn của người sáng tạo bừng nở trên mặt toan. Những sắc lam, vàng, đỏ quyện hòa… như bản hòa ca đầy ý niệm, mở ra không gian vô tận về mọi chiều kích, bừng cháy lên ngọn lửa đam mê đến cuồng si với hội họa của nữ nghệ sĩ”.
Nghệ thuật cũng như cuộc đời, đôi khi sự thăng trầm đặt lên cảm xúc của nghệ sĩ những dấu ấn khó phai và sống dậy trên tác phẩm. Ở loạt tranh acrylic này của họa sĩ Bùi Mai Hiên, nhà phê bình mỹ thuật Trần Thu Huyền cảm nhận được tốc độ, sự kiểm soát và chủ động, bút pháp biến thiên, kỹ thuật điêu luyện; hình thức trừu tượng dường như quá nhuần nhuyễn và hoạt thoát. “Nếu một người chưa từng biết về chị, xem tranh chắc sẽ chỉ cảm thấy ngợp trước vẻ đẹp của đường nét, màu sắc vần vũ biểu cảm, như người ta ngạc nhiên trước tạo hóa. Nhưng nếu đã biết chị thì sẽ đầy xúc động trước từng cái tên với đủ sắc thái của sự đời, để chúng ta nhìn thấy mình đâu đó. Có tranh biểu hiện sự thanh thản trong sáng, có tranh chứa đựng khao khát chưa vươn tới được, có bức đầy thỏa mãn và khẳng định, có bức quấn quýt đầy tình cảm yêu thương, nhưng có khi là giông bão, khắc khoải… rồi lại cân bằng”.
Với nhà nghiên cứu Trần Thị Biển, có lẽ họa sĩ Bùi Mai Hiên là một trong số ít họa sĩ đương đại mạnh dạn nuôi dưỡng, ấp ủ cảm xúc của mình bằng nguồn ánh sáng từ thiên nhiên, từ cuộc sống, thân phận con người để hóa giải bằng những câu chuyện về xã hội, về đời người chất chứa nhiều nội tâm và xúc cảm thẩm mỹ. “Nếu nghệ thuật là sự phản chiếu tâm hồn thì có thể nói những bức tranh trừu tượng của chị mượn sự tung hoành của màu sắc, vũ điệu của thanh âm để bung lên nhịp điệu của cảm xúc từ thường trực đến ngẫu hứng. Đặc biệt, những tác phẩm khổ lớn của chị tạo cảm giác như vô tận về không gian đầy ngẫu hứng và thăng hoa”.
Vô cực là triển lãm cá nhân lần thứ hai của họa sĩ Bùi Mai Hiên tròn 30 năm kể từ năm 1992. Nếu triển lãm lần thứ nhất là sự bùng nổ cho những khởi đầu bằng tranh sơn mài trừu tượng trên con đường nghệ thuật đầy xúc cảm, để từ đó đặt dấu ấn quan trọng cho tên tuổi của nữ họa sĩ trong hội họa Việt Nam hiện đại, rồi đưa chị đi khắp thế giới với các triển lãm lớn nhỏ; thì triển lãm lần này lại mở ra một lối đi khác, chín muồi, thấm đẫm để chị tiếp tục rong chơi ở chặng cuối của cuộc đời. PGS.TS. Trang Thanh Hiền nhìn thấy “ở đó tình yêu, niềm đam mê của chị như những bài thơ được viết trên toan bằng ngôn từ của màu sắc trong những xúc cảm về thiên nhiên, cuộc sống và con người đa đoan, đa cảm và đa tình”.
Triển lãm Vô cực đang diễn ra tại Art Space - Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, Hà Nội, trưng bày gần 50 tác phẩm được họa sĩ Bùi Mai Hiên sáng tác 2 năm trở lại đây. Với những mảng màu rực rỡ, tươi vui và tràn đầy sức sống, họa sĩ gọi tên thế giới sáng tạo ấy là "Vô cực". “Khi vẽ, ta trở thành ngọn lửa sưởi ấm mình. Ngọn lửa ấy khiến ta đẹp hơn, hạnh phúc hơn, ấm áp hơn. Và với tôi, Vô cực nghĩa là không còn ranh giới, có thể lan tỏa niềm hạnh phúc vô biên đó”.