Trong ngôi nhà của họa sỹ Lê Thiết Cương

Giữa những ngày Hà Nội lắm tiếng ồn, thường, tôi rất thích ghé ngôi nhà 39A Lý Quốc Sư, cũng là gallery - nơi giới “nghệ” Hà thành vẫn thường lui tới. Ngôi nhà mặt đường phố cổ, rất đông người qua lại, nhưng luôn yên tĩnh kỳ lạ. Ở đó, có rất nhiều tiếng vọng của thời gian, để con người ta được trở về, và lắng lại.

“Những buổi ngày xưa vọng nói về”

Lên báo, thường ngôi nhà án ngữ “vị trí vàng” ấy hay được gọi là “ngôi nhà triệu đô”. Nhưng tôi lại thích gọi nó là “ngôi nhà triệu view” hơn, vì nó có rất nhiều điểm nhìn đáng giá. Chỉ cách thế giới bên ngoài có một vuông kính lớn, được trổ rộng, ăn gần hết mặt tiền, đủ để trông thấy những cái “động” vui tươi rộn rã bên ngoài: Tây ba lô, những người bán hàng rong trước cửa Nhà thờ Lớn... nhưng ngay sau ô cửa nhỏ và tấm kính lớn, lại là một không gian “tĩnh” gần như tuyệt đối. Ở đó, chủ nhân bày một cách nâng niu tranh, gốm sứ (“của nhà trồng được”), cùng những món đồ gỗ được người thợ xưa chạm khắc cầu kỳ, tinh tế, có bề dày niên đại đáng tự hào và đương nhiên,  đáng giá. Nhưng không ai có thể hỏi mua. Cũng không một hạt bụi nào được bám lên chúng.

Cương chơi cả đồ cổ Trung Hoa và Pháp, nhưng để nói là thích hơn cả và nhiều hơn cả là đồ gỗ và đồ gốm Việt - “yêu nước một cách tự nhiên” - như Cương nói. Thích cái cách các cụ nhà ta “đóng mà mở”, “mở mà đóng” khi dám phá vỡ cả chuẩn mực (đồ gỗ đời Minh của Trung Quốc và Louis XIV ở Pháp được đánh giá là một chuẩn mực về mỹ thuật), để cho Đông Tây kết hợp một cách nhuần nhuyễn và “tinh quái” nhất có thể. Một mẫu trường kỷ hay đoản kỷ được người Pháp đặt đóng theo mẫu nguyên bản, vào tay người thợ Việt thì kiểu gì cũng được thay thế một chi tiết rất nhỏ nào đó bằng một hoa văn, đường nét đậm nét Đông phương (chữ Thọ cách điệu, hay con tiện...) - không quá đập mắt nhưng vẫn rất dễ để nhận biết. Hay tay vịn của cái đoản kỷ, trong nguyên bản thì là một miếng da, nhưng sang đến Việt Nam, lại được thay bằng gỗ - bớt sang chảnh hơn nhưng lại thân thiện, ấm áp hơn nhiều, cũng là phù hợp với khí hậu bản địa hơn.

Lại có cái tủ để gánh, được người thợ Việt xưa ý nhị trổ cánh ở phía sau để tôn trọng tính chỉnh thể ở mặt tiền. Chưa hết, để ý kỹ sẽ thấy hai cái núm đồng bé tý như hai cái cúc áo đính trên mặt gỗ. Nghĩ mãi mới thông, hóa ra là người thợ ta xưa đề phòng chiếc quai đồng kia có thể làm xước mặt gỗ khi ngả xuống. Tinh tế và kỹ lưỡng đến thế là cùng! “Hài hòa về bố cục, tinh tế về tỷ lệ, đơn giản mà cầu kỳ, tính toán từng ly từng tý nhưng vẫn toát lên một vẻ đẹp hồn nhiên mộc mạc...” - Cương nói anh muốn học được điều đó từ vốn cổ.

 

Sống chậm, nhưng không “cớm nắng”

 “Được sống trong một khu phố cổ mà không biết đường sống chậm, không bắt được cái nhịp chung của nó thì phí ra!”

Họa sỹ Lê Thiết Cương

Ngôi nhà, đồng thời là một gallery có tiếng của đất Hà thành, nhưng từ tầng 2 trở lên đã được tính là khoảng riêng, để không một ống kính nào được lột tả chúng. Hồi lâu lâu, tôi từng bắt gặp trong khoảng không gian đó một bóng hồng đặc biệt nhan sắc. Đến nỗi, trong lần gặp đầu, khi mới từ ngoài sáng bước vào, tôi đã bị ảo giác, đó là tranh, hơn là người thực. Nhưng ngay cả ảo giác đó cũng là thực, vì sau đây nó đã tan biến. Đó cũng là khoảng thời gian Cương đánh bạn với những sở đoản khác ngoài vẽ: Chụp ảnh, viết (thơ, thậm chí truyện ngắn)... - như một cách đi qua, và sống khác. Ngôi nhà đẹp thường chứa một nhan sắc. Nhưng đôi khi nó cũng giống như một bức tranh được bỏ vào, hay tháo khỏi khung vậy - biết thế! Cương tài hoa và đào hoa, nếu muốn. Nhưng tôi đoán anh là người không dễ yêu. Anh vừa là người lụy cũ, vừa là người rất mới. Nhìn nhà anh thì biết.

Xem tranh Cương vẽ, người không am tường hội họa sẽ vừa mừng vừa... hoảng. Mừng vì hội họa, hóa ra không khó xem như họ tưởng. Nhưng lại cũng hoảng vì không hiểu sao nó lại có thể đơn giản thế, “ý văn học” sâu xa sau đó là gì... Cả gốm sứ, Cương cũng chỉ chơi đúng hai màu: Lam - trắng. Tiết chế hết sức cả về bố cục lẫn màu sắc. Cương thích tối giản, dù biết rõ cái giá của nó là sự tinh tế. “Màu sắc chưa phải là hội họa. Bố cục cũng chưa phải, hình ảnh - cũng chưa... Hội họa, hay design, xét cho cùng, đấy là tỉ lệ. Tinh tế hay không là ở trong tỉ lệ, hơn là hoa văn. Hoa văn là tay nghề, thiên về nghệ nhân, mỹ nghệ... Còn tỉ lệ là gần với nghệ thuật hơn, nó là nghệ sỹ...”, Cương quan niệm.

Lê Thiết Cương là cái tên được mẹ anh đặt cho, trong một kỷ niệm liên quan đến... Khu gang thép Thái Nguyên. Cương lụy đồ gỗ, đồ gốm, nhưng cũng từng chơi cả đồ sắt, thậm chí từng có nguyên một xưởng làm đồ sắt. Nhưng về cơ bản, anh chọn sống mềm mại, gần với những gì thô ráp (nhưng đã được xử lý một cách tinh tế để không quá làm mờ nguyên bản). Anh thuộc tuýp sống chậm, từng đi ô tô, sau chuyển qua xe máy, rồi xe đạp, và giờ phần nhiều là đi bộ. “Được sống trong một khu phố cổ mà không biết đường sống chậm, không bắt được cái nhịp chung của nó thì phí ra”, anh nói. Di chuyển trong ngôi nhà đặc biệt của anh hẳn cũng là một “nghệ thuật”, khi có quá nhiều thứ tinh tế và cần gượng nhẹ vây quanh.

Điểm thở thị giác đáng kể trong ngôi nhà ấy là khoảng sân rộng 14m2 (có thể gọi là giếng trời), ở một nơi “tấc đất, tấc vàng” mà lẽ thường ra, chủ nhân căn nhà mặt phố sẽ tận dụng từng milimet (âu cũng là một cách chơi sang của chủ nhân). Khi tôi hỏi anh về những cái cây ít nhiều bị cớm nắng trong cái giếng trời ấy, như người ta vẫn giễu, “con trai phố cổ” thường bị “cớm nắng”, phần nào đó hơi “ngơ ngác” hơn khi vào đời, thì Cương bảo anh không cho phép mình được “cớm nắng”. Đàn ông, theo anh, cần phải biết sửa từ cái bóng điện đến việc kiếm tiền. “Cớm nắng” thì làm sao kiếm được tiền?

Hai tháng nay, Cương đóng cửa ngồi vẽ, điện thoại chỉ nghe sau bốn giờ chiều. Thường, anh hay vẽ cả một series theo một chủ đề nào đó. Đầu tháng 5 tới, anh sẽ cùng người bạn nghề thân thiết của mình là nhà điêu khắc Đinh Công Đạt tổ chức triển lãm “Duo Design” tại Press Club (Hà Nội). Ở đó, sẽ có tranh của Cương hay điêu khắc của Đạt mà sẽ là những tác phẩm design được hai nghệ sỹ thiết kế cho không gian nội thất. Lần này, tay họa sỹ có vẻ mặt rất lạnh này quyết chơi mấy gam màu nóng, đối nhau chan chát cho những mẫu ghế và mẫu bình của anh. Những chiếc ghế nóng bỏng, nhưng mặt ghế lại là một tấm kính lạnh. Nó không phải là một chỗ ngồi. Nó là chỗ đứng. Của một người nghệ sỹ, có tiếng nói.

Văn hóa

Chiêm ngưỡng “Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” - bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk
Văn hóa - Thể thao

Chiêm ngưỡng “Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” - bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk

Sáng 22.11, tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, UBND tỉnh khai mạc triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22.11.1904 - 22.11.2024); 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22.12.1989 - 22.12.2024).

Hình ảnh tại triển lãm 3D. ảnh: TTLTI
Văn hóa - Thể thao

Lịch sử Kiên Giang qua hình ảnh và tài liệu lưu trữ

Với hơn 200 tài liệu, bản đồ lần đầu tiên được công bố, triển lãm 3D trực tuyến “Giới thiệu hình ảnh, tài liệu lưu trữ về địa giới hành chính tỉnh Kiên Giang xưa và nay” nhằm lan tỏa giá trị của tài liệu lưu trữ, tạo thuận lợi cho người xem dễ dàng tiếp cận thông tin về địa giới hành chính Kiên Giang qua các thời kỳ.

Khi sắc màu và cảm xúc thăng hoa
Văn hóa - Thể thao

Khi sắc màu và cảm xúc thăng hoa

Triển lãm "Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở" quy tụ các nghệ sĩ: Nguyễn Phương, Minh Đàm, Thanh Hà, Đình Đức, Phương Thảo và Đức Tiến. Đây là không gian để công chúng chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh tế và độc đáo của nghệ thuật màu nước.

Xây dựng nền “văn hóa Hòa Bình” mãi trường tồn, lan tỏa
Địa phương

Xây dựng nền “văn hóa Hòa Bình” mãi trường tồn, lan tỏa

Nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, nhất là các di tích thuộc nền “Văn hóa Hòa Bình”, tỉnh Hòa Bình xác định, phát triển văn hóa sẽ là một trong 5 đột phá chiến lược và sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, giúp di sản mãi trường tồn và lan tỏa. Từ đó, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chuyện làng, chuyện phố
Văn hóa

Chuyện làng, chuyện phố

Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 với chủ đề Chuyện làng, chuyện phố sẽ được Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức vào ngày 22 - 23.11.

Kết nối và mở rộng mạng lưới mỹ thuật
Văn hóa - Thể thao

Kết nối và mở rộng mạng lưới mỹ thuật

Hoạt động sáng tạo của nghệ sĩ thiên về tính cá nhân nhưng cũng rất cần môi trường để cập nhật thông tin, giao lưu sáng tác... Các sự kiện kết nối quốc tế không chỉ tạo cơ hội cho nghệ sĩ trong và ngoài nước được gặp gỡ, học hỏi mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển mỹ thuật Việt Nam.

Tôn vinh truyền thống hiếu học, nuôi dưỡng khát vọng lớn lao
Văn hóa

Tôn vinh truyền thống hiếu học, nuôi dưỡng khát vọng lớn lao

Mỗi dịp 20.11, ngày Nhà giáo Việt Nam, ký ức tuổi thơ của tôi lại tràn về với hình ảnh của bố tôi - một người thầy được học trò yêu quý và kính trọng. Những bó hoa tươi thắm, những món quà nhỏ tuy giản dị nhưng đong đầy tình cảm học trò dành tặng thầy, cùng không khí rộn rã của lớp học với lũ học trò "nhất quỷ nhì ma" in sâu trong tâm trí của tôi. Bố tôi vẫn thường nói, nghề giáo không chỉ là dạy chữ, mà là vun đắp tâm hồn, truyền đạt những giá trị làm người, và kết nối với học trò ở những cảm xúc sâu sắc nhất; tôi rất xúc động khi thấy, sau 30 - 40 năm, vẫn có những học trò vượt hàng trăm cây số, quay lại thăm thầy cũ để hàn huyên đủ chuyện - từ gia đình, công việc cho đến những hoài niệm về thời đi học. Những cuộc trò chuyện như thế vượt lên trên mối quan hệ thầy trò thông thường, gắn bó như cha với con, tạo nên một tình nghĩa khó phai mờ.

Vượt qua rào cản khi sáng tạo với di sản
Văn hóa - Thể thao

Vượt qua rào cản khi sáng tạo với di sản

Di sản văn hóa phi vật thể đang góp phần quan trọng làm nên những sản phẩm độc đáo của công nghiệp văn hóa. Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ cần sự sáng tạo mà còn phải hiểu biết thấu đáo về truyền thống để giữ bản sắc nhưng vẫn mang lại nguồn lợi kinh tế.