Ba chủ đề được tập trung bao gồm: kiến trúc đô thị - quan niệm thẩm mỹ - đời sống thường nhật. Những thay đổi đó được thể hiện qua những điều quen thuộc xung quanh chúng ta.
Ví dụ như, vì sao những cây này lại được trồng ở trên đường phố mà không phải những cây khác? Bánh mì được người Pháp mang đến Việt Nam thế kỷ XIX và đã trở thành món ăn Việt Nam được quốc tế biết đến, nó cũng xuất hiện trong từ điển Oxford, quá trình này có được gọi là “giải thuộc địa hóa” không? Hệ thống cống ngầm còn mang những câu chuyện về lịch sử thuộc địa của Pháp. Chúng hiện giờ ra sao?…
Nhiều chất liệu liên quan đến hậu thuộc địa và giải thuộc địa hóa sẽ được thảo luận tại sự kiện, nhằm gợi mở về những thay đổi của thành phố Hà Nội. Qua đó, phân tích sự kết nối và đứt gãy của Hà Nội xưa và nay.
Trò chuyện có sự tham gia của nhà văn Nguyễn Trương Quý; Hà Yến Chi - nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành Nhân học văn hóa tại Đại học California Riverside (UCR); Nguyễn Vũ Hải, người thực hành văn hóa xoay quanh nơi chốn và ký ức tại Hà Nội.
Sự kiện thuộc dự án "-r-e-t-e-l-l-m-e-: Hà Nội" do Viện Goethe và tổ chức V.GO tổ chức. Dự án tập trung khám phá, tìm hiểu và lan tỏa kiến thức lịch sử, văn hóa Việt Nam trong giới trẻ Việt Nam và bạn bè quốc tế. Thông qua việc kể lại câu chuyện cá nhân và cộng đồng, để tạo cơ hội cho mọi người thể hiện quan điểm và cảm xúc, xây dựng một cộng đồng đa dạng và đoàn kết.
Buổi trò chuyện diễn ra sáng 15.12, tại Viện Goethe, 56-58-60 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.