Đặc biệt, HĐND luôn chủ động đôn đốc, đeo bám đến cùng việc thực hiện những kiến nghị sau giám sát, có biện pháp phù hợp buộc người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thể hiện trách nhiệm, như: ban hành nghị quyết về việc giải quyết những kiến nghị giám sát; có văn bản nhắc nhở, yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện, hoặc nhắc nhở thông qua các cuộc họp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; chuyển các vấn đề chưa được thực hiện thành nội dung chất vấn tại kỳ họp; tổ chức tái giám sát việc thực hiện các kiến nghị để tiếp tục đôn đốc giải quyết đến khi có kết quả. Vì vậy, hơn 80% kiến nghị sau giám sát đã được các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp thu, giải quyết, góp phần quan trọng thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của HĐND.
Kinh nghiệm, để xác định đúng những nội dung bức thiết cần tổ chức giám sát, HĐND cần thu thập thông tin về những vấn đề bức xúc, liên quan trực tiếp đến sản xuất và đời sống của nhân dân; những chủ trương, nghị quyết còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt, cần quan tâm các ý kiến, kiến nghị của cử tri, hoặc thu thập thông tin thông qua hoạt động chất vấn tại kỳ họp... để HĐND nắm đầy đủ, chính xác tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương. Trên cơ sở đó, việc xây dựng chuyên đề giám sát hàng năm của HĐND mới sát yêu cầu thực tế.
Hàng năm, hoạt động giám sát được HĐND chú trọng nhằm mục đích nắm sâu hơn tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, tìm hiểu kỹ nguyên nhân phát sinh hạn chế, yếu kém và những khó khăn, vướng mắc để kịp thời đề xuất, kiến nghị giải pháp tháo gỡ, khắc phục. Để đạt được mục đích, các Đoàn giám sát cần nắm chính xác tình hình thực tế để định hướng đi sâu xem xét những nội dung, địa bàn cụ thể; nêu vấn đề trọng tâm để yêu cầu đối tượng giám sát báo cáo đầy đủ. Đặc biệt, phải nhiên cứu kỹ toàn bộ các các văn bản liên quan cơ chế, chính sách làm cơ sở đối chiếu để đánh giá việc thực hiện đúng, sai. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để đại biểu đặt câu hỏi tìm ra sai sót, vướng mắc trong quá trình giám sát và kết luận vấn đề. Ví dụ, khi khảo sát, giám sát kết quả triển khai thực hiện Đề án quy hoạch lại 3 loại rừng, các thành viên Đoàn giám sát không nắm rõ những nội dung về quy hoạch sẽ rất khó đặt câu hỏi, yêu cầu giải trình. Thực tế cho thấy, đa số sai sót, hạn chế được phát hiện qua những câu hỏi của đại biểu trong quá trình giám sát, sau khi nghe báo cáo, giải trình, kết hợp với khảo sát thực tế. Việc nắm các quy định của pháp luật, các chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương không chỉ giúp thành viên Đoàn giám sát đưa ra những câu hỏi chính xác, làm rõ vấn đề mà còn có cơ sở phản biện thông tin giải trình của đối tượng giám sát để đưa ra kết luận chính xác.
Kết luận giám sát được đưa ra sau khi phân tích, đánh giá khách quan, những mặt mạnh, yếu, những khó khăn, hạn chế của cơ quan, đơn vị được giám sát để kiến nghị, yêu cầu đối tượng được giám sát và các cơ quan hữu quan kịp thời khắc phục sai sót, hạn chế. Kiến nghị phải có căn cứ pháp lý, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi; phải xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm thực hiện (UBND tỉnh hay sở, ngành). Đặc biệt, cần chú trọng những kiến nghị mang tính giải pháp để giúp UBND và các ngành chức năng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ.
Để giám sát hiệu quả đòi hỏi phải có sự đầu tư đáng kể về công sức, trí tuệ của mỗi đại biểu. Không chỉ phát hiện vấn đề, kiến nghị khả thi, đại biểu còn phải chủ động, kiên trì đôn đốc, theo dõi việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị liên quan đến khi có kết quả. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải tăng đại biểu chuyên trách để giúp HĐND đảm đương nhiệm vụ giám sát; sớm ban hành Luật Giám sát của HĐND, quy định chế tài cụ thể để ràng buộc trách nhiệm của cơ quan điều hành trong giải quyết kiến nghị giám sát của HĐND. Bởi, không chỉ là sự nỗ lực của Thường trực, các ban, đại biểu HĐND, hiệu quả giám sát còn phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm của UBND và các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.