Tới dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; cùng đại diện các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị.
Phát biểu tại Lễ trao giải, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, ngày 21.6.2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 84-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới, trước yêu cầu mới.
Hai văn kiện quan trọng này của Đảng đều khẳng định và đề cao vị trí, vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật đối với đời sống xã hội: “Chú trọng tính đặc thù, nhạy cảm, tinh tế của văn học, nghệ thuật, vừa bảo đảm phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ".
Về công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, Kết luận số 84-KL/TW nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình trên nền tảng mỹ học Marxist, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về văn học, nghệ thuật; phát huy giá trị và bản sắc văn hóa, văn nghệ dân tộc, dân tộc; tiếp thu tinh hoa văn hóa, văn nghệ của thế giới…
PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ nêu rõ, từ năm 2012 đến nay, Hội đồng đã tổ chức 10 đợt xét chọn và trao tặng thưởng cho các tác phẩm, công trình lý luận, phê bình chất lượng cao; khen thưởng các cơ quan xuất bản, báo chí có thành tích nổi bật trong công tác tuyên truyền, quảng bá, sáng tạo văn học, nghệ thuật - “lĩnh vực rất quan trọng và đặc biệt tinh tế của văn hóa” như Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định.
“Để chọn lọc, thẩm định và đi đến quyết định trao tặng thưởng hàng năm cho các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chất lượng cao, Hội đồng đặc biệt coi trọng tính học thuật, tính mới, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của các tác giả khi đi vào các vấn đề, hiện tượng, khuynh hướng hay trường hợp văn nghệ cụ thể, đặc biệt là đóng góp của tác phẩm đoạt giải đối với thực tiễn sáng tác; nghiên cứu lý luận, phê bình; quảng bá và tiếp nhận giá trị tác phẩm”.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, một giải thưởng được coi là danh giá, nghiêm túc, khách quan, chặt chẽ, thiết thực khi và chỉ khi đáp ứng các yêu cầu cao, thậm chí khắt khe. Cũng vì lẽ đó, đã có một số mùa tặng thưởng trước đây, Ban Chỉ đạo và Hội đồng Chung khảo không trao mức A; mùa trao tặng thưởng năm nay không là một ngoại lệ.
Với 118 tác phẩm (gồm 34 cuốn sách và 84 bài viết), Ban Tổ chức đã trao tặng thưởng cho 25 tác phẩm. Trong đó, mức B được trao cho 4 tác phẩm; mức C 12 tác phẩm và mức Khuyến khích 9 tác phẩm. 4 tác phẩm mức B gồm: Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập của TS. Ngô Phương Lan; Neo chữ của nhà lý luận, phê bình Nguyễn Hoài Nam; Nghệ thuật trang trí đình làng tại Bình Dương của TS. Nguyễn Thị Ngọc Điệp; và Nguyễn Bính - Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại.
18 cơ quan, đơn vị báo chí, xuất bản có thành tích nổi bật trong hoạt động tuyên truyền cho công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong năm 2023 cũng được trao thưởng dịp này.