Thông tin tới báo chí sáng 11.11, tác giả kịch bản, tổng đạo diễn Lê Quý Dương, cho biết, trên thế giới có 3 cách để ứng xử với di sản. Thứ nhất là, bảo tồn di sản nguyên gốc ở chính nơi di sản đó sinh ra. Thứ hai là, ứng dụng di sản trong đời sống, đặt di sản đó trong một không gian nhất định. Thứ ba là, kết hợp các loại hình di sản để sáng tạo trên nền tảng mới.
Mỗi tỉnh, thành phố sẽ chọn một loại hình di sản riêng có để quảng bá tại Festival, với mong muốn giá trị di sản được tôn trọng nguyên gốc.
“Đối với Tràng An kết nối di sản 2022, chúng tôi chọn phương pháp thứ hai, lấy toàn bộ di sản của các vùng miền đặt trong không gian rộng lớn hơn. Đấy là phương án xuyên suốt để chúng tôi lựa chọn với mong muốn giá trị di sản của từng tỉnh thành sẽ được tôn trọng nguyên gốc và khi cần thiết được hỗ trợ dàn dựng để thăng hoa hơn giữa một sân khấu rộng lớn. Chúng tôi cũng không có sự phân biệt giữa Ninh Bình hay các tỉnh, thành phố khác mà kỳ vọng một chương tình văn hóa, nghệ thuật thể hiện được tinh hoa và cốt lỗi của di sản”, đạo diễn Lê Quý Dương khẳng định.
Là người lên ý tưởng, viết kịch bản và tổng đạo diễn cho hàng chục chương trình lễ hội và sự kiện trên khắp cả nước như Festival Huế (TP Huế), Festival Võ cổ truyền Quốc tế (Bình Định), Festival Dừa (Bến Tre), Festival Gốm (Bình Dương), Festival Cà phê (Đắk Lắk), Festival Lúa gạo (Sóc Trăng), Festival Đờn ca tài tử (Bạc Liêu), Festival Biển (Nha Trang), Festival Di sản Đông Dương (Quảng Nam)… đạo diễn Lê Quý Dương cũng đặt vấn đề và trình bày ý tưởng dự kiến tổ chức Festival Ninh Bình định kỳ 2 năm/lần, sau đó phát triển quy mô tổ chức mang tầm quốc gia và quốc tế, trở thành thương hiệu di sản văn hóa quê hương Ninh Bình.
Đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ, tại chương trình khai mạc Festival lần này, 15 tỉnh, thành phố với những loại hình di sản khác nhau sẽ trình diễn trên một sân khấu song đạo diễn không tạo riêng từng sân khấu cho các tỉnh thành mà thiết kế kiểu chung tính, hiện đại và mang tính tổng thể, khán giả sẽ nhận thấy từng nét riêng của di sản Ninh Bình, Huế, Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An... trên tổng thể sân khấu và của từng tiết mục, với những đặc sắc và dấu ấn riêng.
Ví dụ, với Huế có câu chuyện của 3 lớp di sản tiêu biểu: Cung đình, tâm linh, dân gian với các làng nghề và sự kết nối các chương trình quốc tế mang tính mở. Thanh Hóa có Thành cổ Thanh Hóa, Thành nhà Hồ, Di tích Lam Kinh... và vùng Văn hóa Đông Sơn. Trong khi, Festival Ninh Bình là câu chuyện từ di sản Tràng An mời gọi kết nối di sản các vùng miền, nhằm tôn vinh vẻ đẹp các vùng di sản...
15 tỉnh, thành phố tham gia Festival Ninh Bình gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau và Ninh Bình. Diễn ra từ ngày 17 - 19.11, Festival sẽ có các chương trình: Lễ hội đường phố; Đại nhạc hội di sản; Không gian triển lãm di sản của Ninh Bình và các tỉnh, thành phố tham dự...