Tiếp cận lịch sử từ khía cạnh môi trường
Trái đất chuyển mình: Một lịch sử chưa kể về nhân loại là một trong những cuốn sách lịch sử đồ sộ bao trùm lịch sử trái đất, nhân loại và môi trường, khí hậu trong 4,5 tỷ năm, được viết bởi giáo sư lịch sử toàn cầu tại Đại học Oxford - Peter Frankopan.
Tại tọa đàm ra mắt sách sáng 5.1 do Omega Plus tổ chức, các diễn giả đã chia sẻ về sức ảnh hưởng to lớn của khí hậu đến thế giới, trình bày câu chuyện về tác động của con người với giới tự nhiên, để thấy mặt tốt - xấu, đồng thời mở rộng tầm nhìn của mỗi người về lịch sử nhân loại. Đây chính là những vấn đề được GS. Peter Frankopan đề cập, phân tích sâu.
Thông qua cuốn sách, Frankopan hướng sự chú ý của độc giả đến yếu tố tự nhiên - đối tượng thường bị bỏ qua trong cách chúng ta kể lịch sử của mình. Trải qua 24 chương là 24 giai đoạn theo các mốc thời gian từ thuở hồng hoang của thế giới (khoảng 4,5 tỷ năm trước), tới những tương tác đầu tiên của con người với sinh thái, các thành phố và mạng lưới thương mại đầu tiên, qua thời đại các đế chế hoàng kim và khủng hoảng, đến sự xuất hiện các bệnh dịch, sự hợp nhất của Cựu thế giới và Tân thế giới, thời kỳ Tiểu Băng hà, Đại Phân kỳ, Tiểu Phân kỳ, thời kỳ công nghiệp, thời kỳ Hỗn loạn, kiến tạo những vùng đất không tưởng, đến những mối quan ngại và giới hạn sinh thái hiện nay.
Theo TS. Vũ Đức Liêm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trái đất chuyển mình: Một lịch sử chưa kể về nhân loại có nhiều điểm khác biệt so các tác phẩm trước đây về lịch sử môi trường, là công trình đầu tiên có cách tiếp cận lịch sử nhìn từ khía cạnh môi trường, khí hậu, sự tương tác của con người với môi trường, khí hậu.
“Chúng ta tiếp cận lịch sử theo cách nhìn lại các thiết chế của loài người gắn với nông nghiệp, tôn giáo và giờ đây là với môi trường tự nhiên. Ở đây, chúng ta bắt gặp tham vọng mô tả toàn bộ diễn trình của lịch sử loài người trong những bước thăng trầm của tự nhiên và khí hậu. Đặc biệt hơn, tác giả được tiếp cận kho tài liệu đồ sộ ở Đại học Oxford, trong đó có cả nguồn dữ liệu online. Vì vậy, công trình này càng có giá trị, gắn với những thực tế về môi trường tự nhiên”, TS. Vũ Đức Liêm nhận định.
Khỏa lấp khoảng trống
Theo các nhà nghiên cứu, tác phẩm đã thành công đưa con người trở lại vị trí của tổ tiên hàng nghìn năm trước, những người biết rằng sự sống còn bấp bênh phụ thuộc vào việc quản lý mối quan hệ với môi trường. Đó là bài học mà con người dường như đã lãng quên. Đôi khi chỉ cần một thảm họa thiên nhiên lớn, như thiên thạch va chạm hay đại hồng thủy đều có thể biến mọi thứ thành tro bụi.
Thế giới luôn biến chuyển, tiếp nối và thay đổi. Từ vụ nổ Big Bang đến nay, hoạt động của mặt trời, núi lửa phun trào, lũ lụt và hạn hán đã định hình nên lịch sử tự nhiên và lịch sử loài người. Những cách thức tương tác giữa con người và Trái đất đã mang lại những lợi ích to lớn - nhưng thường phải trả giá. Khi con người đối mặt với một tương lai bấp bênh, việc học những bài học từ quá khứ là quan trọng.
“Lịch sử là gì nếu không phải là sàn diễn của con người trên sân khấu địa lý. Có con người, có khung cảnh tự nhiên tức là có sử vậy”. Nêu quan điểm như vậy, TS. Vũ Đức Liêm chỉ ra trong những thập kỷ gần đây, tư duy về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên đã thay đổi với tốc độ nhanh chóng. Lần đầu tiên, bên cạnh các khái niệm khủng hoảng chính trị, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tài chính, khủng hoảng xã hội… con người phải đối mặt với “khủng hoảng sinh thái” - vấn đề sống còn với tương lai của nhân loại.
Đối với ThS khí tượng Nguyễn Thanh Bình, những trang viết của Peter Frankopan ẩn chứa nhiều thông điệp, bên cạnh thông tin về lịch sử hay khoa học tự nhiên. “Trước khi đọc Trái đất chuyển mình: Một lịch sử chưa kể về nhân loại, tôi ít nhiều hồ nghi về cách một nhà lịch sử nói về tự nhiên. Nhưng những tư liệu khoa học đồ sộ, chặt chẽ ở đây đã thuyết phục tôi. Nội dung cuốn sách có nhiều thông điệp, khiến ai cũng cảm thấy phải làm gì đó, cho môi trường tự nhiên”.
Dịch giả Nguyễn Việt Long chia sẻ ông cũng ấn tượng khi đọc Trái đất chuyển mình: Một lịch sử chưa kể về nhân loại là trình độ khoa học tiên tiến được áp dụng vào tác phẩm để đưa ra những dẫn liệu cụ thể, có khi khá chi tiết về nhiệt độ khí quyển và đại dương, thời tiết nóng lạnh, lượng mưa, hạn hán, hoạt động núi lửa, băng hà, cây cỏ, nhân khẩu… của các khu vực trong mỗi thời kỳ, qua đó soi vào lịch sử và thận trọng rút ra kết luận, chứ không phải những nhận xét, giả định, luận thuyết chung chung mà chúng ta vẫn gặp trong việc mô tả lịch sử theo lối mòn quen thuộc.
“Tác giả bộc bạch rằng mình không có ý định vạch ra một đường lối hay phương cách đối phó với tự nhiên - một vấn đề phức tạp đòi hỏi nỗ lực của nhiều người, mà chỉ muốn kể lại một cách tường tận và chính xác nhất có thể tiến trình lịch sử đã qua dựa vào những dẫn chứng khoa học đã có. Nhưng dù sao, những yếu tố được đề cập, phân tích trong cuốn sách ít nhiều góp cái nhìn từ cả góc độ địa phương lẫn toàn cảnh, cả kinh nghiệm quá khứ giúp chúng ta nhận thức toàn diện hơn về hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra hiện nay, những quan hệ nhân quả có thể xảy ra, để mọi người biết đồng lòng hợp sức đối phó”, dịch giả Nguyễn Việt Long nói.
"Trái đất chuyển mình: Một lịch sử chưa kể" về nhân loại do Omega Plus phát hành, nhóm dịch giả Nguyễn Linh Chi, Đặng Thị Thái Hà, Hoàng Thảo, Phạm Danh Việt chuyển ngữ. Tác phẩm thuộc top best-seller (bán chạy nhất), đến nay được bán bản quyền cho 24 quốc gia. Hai cuốn sách trước đó của tác giả Peter Frankopan - Những con đường tơ lụa: Lịch sử mới của thế giới và Con đường tơ lụa mới: Hiện tại và tương lai của thế giới đều được độc giả đón nhận và được trao những giải thưởng danh giá.