Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP. Hồ Chí Minh, hiện nay chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn được phân làm 2 loại (nhóm chất thải có thể tái chế và nhóm chất thải còn lại). Đối với nhóm chất thải có khả năng tái chế tái sử dụng, hộ gia đình thực hiện phân loại riêng, bán phế liệu hoặc cho lực lượng thu gom rác. Tuy nhiên theo Luật Bảo vệ môi trường, thành phố cần triển khai thực hiện phân loại thành 3 nhóm, thời hạn chậm nhất ngày 31.12.2024.
Hiện nay, Sở TN-MT đang tiếp tục hoàn thiện nội dung Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Trong đó, nội dung Đề án có hướng dẫn cụ thể cách thức phân loại tại nguồn, trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong công tác thu gom tại nguồn, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại về các nhà máy xử lý chất thải của thành phố bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với công nghệ xử lý của thành phố (hiện hữu và định hướng trong thời gian tới).
Theo đại diện Sở TN-MT, khâu khó nhất hiện nay chính là vấn đề từ xe thu gom, đặc biệt là khi hộ gia đình phân loại rác, nhưng xe thu gom lại dồn hết vào làm một. Thành phố cũng có phương án chia ngày thu gom theo loại rác nhưng cũng không thực hiện được.
Để giải quyết vấn đề trên, đại diện Sở TN-MT cho biết, đơn vị thu gom tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý gắn kết với chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn thành phố.
Hiện nay, Sở TN-MT đã có chính sách hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn đang hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có nhu cầu vay vốn chuyển đổi phương tiện với chính sách hỗ trợ cho vay hạn mức không quá 70% tổng mức đầu tư với mỗi dự án, lãi suất cho vay 3,86%/năm trong thời gian vay không quá 7 năm (tùy theo từng trường hợp cụ thể).
Sở cũng đang phối hợp các đơn vị có liên quan để nghiên cứu, xem xét đề xuất các chính sách hỗ trợ (cho người dân, lực lượng thu gom, vận chuyển) trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và thu gom, vận chuyển riêng các loại chất thải sau phân loại (trong đó có xem xét hỗ trợ thiết bị lưu chứa riêng biệt chất thải thực phẩm sau phân loại cho đơn vị thu gom tại nguồn).
Cùng với đó, các địa phương tiếp tục rà soát, đầu tư bổ sung cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý chất thải, bảo vệ môi trường tại địa phương. Tùy theo đặc thù của địa phương để có giải pháp tuyên truyền, vận động, sắp xếp và tổ chức lại công tác thu gom, vận chuyển phù hợp địa phương (phương án thu gom, thời gian và tần suất thu gom,…). Tuyên truyền đến hộ gia đình, chủ nguồn thải về việc thay đổi lực lượng thu gom để tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong quá trình triển khai.