Ngày 15.8, Báo Người Lao Động tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề chủ đề: "Tháo điểm nghẽn giải ngân đầu tư công".
Nhiều điểm nghẽn
Chuyên gia kinh tế - TS. Trần Du Lịch chia sẻ, trong 3 trụ cột tăng trưởng kinh tế là đầu tư công (ĐTC), tiêu dùng và xuất khẩu thì ĐTC đang là vấn đề nóng nhất. Đây là động lực quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhưng hiện nay đang xảy ra tình trạng “có tiền nhưng không tiêu được” khiến tỷ lệ giải ngân thấp. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước mới giải ngân được gần 30%, TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt mới 15%.
Theo TS. Trần Du Lịch, có ý kiến cho rằng giải ngân ĐTC chậm là do cơ chế. Tuy nhiên, vì sao cùng cơ chế nhưng chỗ này làm được, chỗ kia không làm được; tiến độ giải ngân mỗi ngành, mỗi địa phương có khác nhau mà nguyên nhân là mỗi dự án, mỗi lịch vực có đặc điểm riêng, cũng có dự án làm xong như thủ tục chưa thể để kho bạc giải ngân. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng do cơ chế, đền bù giải phóng mặt bằng, quy trình đấu thầu, dự án chuẩn bị chưa tốt…
Lý giải về nguyên nhân giải ngân ĐTC thấp, ông Lê Bách Cương, Chi Cục trưởng - Chi Cục Quản lý đầu tư xây dựng phụ trách phía Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, hiện nhiều dự án đầu tư công đang gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu đất đắp, thiếu nguyên vật liệu thi công… nhưng khó khăn lớn nhất là vướng giải phóng mặt bằng. Đây là khâu khó khăn nhất trong quá trình thực hiện một dự án, nó chiếm khoảng 70% trong tổng số các đầu việc để các địa phương thực hiện để đẩy nhanh giải ngân ĐTC.
Cần giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà
Để giải ngân ĐTC đạt hiệu quả cao, ông Vũ Xuân Nguyên, Trưởng Phòng Kế hoạch - Hợp đồng, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh đưa ra ý kiến cần phải chuẩn bị mặt bằng sạch cho dự án. Mặt bằng sạch bao gồm công tác giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi dự án. Công tác giải phóng mặt bằng cần giải quyết ngay từ đầu, tránh dẫn đến phát sinh chi phí, ưu tiên giải quyết dứt điểm.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích, TP. Hồ Chí Minh có Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù, tuy nhiên cũng cần phải có những điều chỉnh kịp thời đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng liên vùng như cao tốc TP Hồ Chí Minh - Tây Ninh…
Về dài hạn, cần phải đặc biệt chú trọng đến công tác quy hoạch chung, trong đó có quy hoạch về sử dụng đất, quy hoạch về giao thông phải cải tiến, để khi quy hoạch đất sử dụng dự án cho giao thông phải đồng bộ, đi trước.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh, cho rằng TP. Hồ Chí Minh có Nghị quyết 98, tuy nhiên hiện chỉ ở bước thăm dò, chưa có tháo gỡ mạnh mẽ, cần có sự khẩn trương quyết liệt hơn, mạnh dạn vận dụng Nghị quyết 98.
“Để thực hiện Nghị quyết 98 hiệu quả thì có một điểm mang tính chất giải pháp quan trọng là phải bớt những thủ tục, nhiều khi chỉ vì an toàn nên phải xin ý kiến tất cả các sở ngành, đơn vị dù không có nội dung liên quan gì, nên không biết phải trả lời thế nào? Do đó, chỉ xin ý kiến, đơn vị nào thật sự cần thiết và trong thời gian bao lâu, trong công văn phải ghi rõ và đặc biệt là với công nghệ hiện nay có thể trả lời online ngay trong 1 ngày. Chỉ cần 1 câu "đồng ý" sẽ giải tỏa công tác trình tự, thủ tục ngay”, ông Hòa ý kiến.
Cũng liên quan đến thực hiện Nghị quyết 98 tại TP. Hồ Chí Minh, TS. Trần Du Lịch nhìn nhận, với Nghị quyết 98, TP. Hồ Chí Minh thuận lợi khi được quyết dự án thuộc nhóm A, rút ngắn được một phần thời gian thực hiện dự án. Tuy nhiên, lúc triển khai thì trùng trùng điệp điệp nội dung tiếp theo làm như quy định chung. Nếu Nghị quyết 98 tiếp tục mở rộng phân cấp, phân quyền thủ tục thì trong thời gian tới sẽ thúc đẩy tích cực đầu tư công và huy động nguồn lực, hạ tầng xã hội.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, các dự án đầu tư công hiện nay đều do Nhà nước hay một ban quản lý dự án nào đó thực hiện. Các dự án đầu tư công thừa tiền nhưng nghẽn do cơ chế thủ tục, quy trình, trình tự và cái này đòi hỏi giải quyết đồng bộ. Cơ quan ban ngành cần mạnh dạn thay đổi cách tiếp cận khác. Các dự án đầu tư công cần xã hội hóa để giải quyết điểm nghẽn. Tất cả thủ tục và phê chuẩn để tư nhân làm, có thể giao tư nhân bỏ tiền làm dự án đó, sau khi hoàn thành chỉ Nhà nước nghiệm thu, mua lại. Đây có thể là cách tiếp cận trôi chảy và nhanh hơn.