Những kết quả nổi bật
Nhấn mạnh năm 2022, Hải Phòng cũng như các địa phương trong cả nước gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid 19; tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng Phạm Văn Lập cho rằng, thành phố Hải Phòng nói chung và Hội đồng nhân dân thành phố nói riêng đã thường xuyên nhận được sự quan tâm tạo điều kiện, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Thành phố Hải Phòng đã hoàn thành cơ bản các kế hoạch, nhiệm vụ, chỉ tiêu năm 2022 được Quốc hội giao và đạt một số kết quả nổi bật: Kinh tế thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 12,32% so với cùng kỳ, gấp 1,5 lần bình quân chung cả nước; Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ; văn hóa, y tế, giáo dục phát triển mạnh; an sinh xã hội được quan tâm; đời sống người dân nâng cao hơn so với năm 2021.
Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng Phạm Văn Lập nhấn mạnh: Đối với hoạt động của HĐND TP Hải Phòng đã có những bước chuyển động mạnh mẽ, với phương châm đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đảm bảo vừa tuân thủ các quy định của pháp luật, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Năm 2022, Hội đồng nhân dân thành phố đã hoàn thiện toàn diện các kế hoạch, mục tiêu đề ra, thể hiện ở 3 kết quả nổi bật của năm 2022, như sau:
Thứ nhất, công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp, ban hành các Nghị quyết được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022. Ngay từ đầu năm, thực hiện tinh thần chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội, Thường trực HĐND thành phố Hải Phòng đã chủ động từ sớm từ xa, đồng hành, phối hợp hiệu quả cùng UBND thành phố trong quá trình chuẩn bị kỳ họp; tham gia rất sâu và hiệu quả vào các nội dung trình HĐND TP. Xoá bỏ tình trạng hình thức, xuôi chiều; nâng cao tính phản biện của Thường trực HĐND, các cơ quan HĐND và các đại biểu HĐND.
Năm 2022, HĐND thành phố Hải Phòng đã tổ chức thành công 05 kỳ họp (trong đó có 03 kỳ họp chuyên đề);đã ban hành 108 Nghị quyết (bằng 212% trung bình năm nhiệm kỳ 2016-2021); trong đó, có nhiều nghị quyết mang tính đột phá, như: XD NTM kiểu mẫu toàn thành phố; hỗ trợ công dân nhập ngũ; hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng yếu thế; hỗ trợ thực hiện công tác dân số; hỗ trợ tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; xây dựng nhà ở xã hội cho các hộ dân sinh sống tại các khu chung cư cũ...
Đặc biệt, ngay sau khi được Quốc hội quan tâm, ban hành Nghị quyết số 35 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hải Phòng; HĐND thành phố đã cụ thể hoá bằng các Nghị quyết chuyên đề để triển khai, kịp thời tháo gỡ những nút thắt phục vụ phát triển kinh tế xã hội thành phố.
Nội dung, cách thức tổ chức các Kỳ họp được đổi mới. Thường trực HĐND thành phố đã lựa chọn những vấn đề nóng, nổi cộm, bức xúc để thực hiện chất vấn trực tiếp tại kỳ họp. HĐND thành phố đã ban hành các Nghị quyết về chất vấn để làm cơ sở triển khai thực hiện cam kết và giám sát thực hiện.
Thứ hai, công tác giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND thành phố cũng có nhiều đổi mới. Ngay khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND thành phố Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết này đến tất cả các quận, huyện để triển khai thực hiện đảm bảo sự thống nhất, theo đúng quy định, và nâng cao chất lượng các cuộc giám sát.
Việc lựa chọn vấn đề giám sát, địa bàn giám sát được thực chất và hiệu quả hơn. Nội dung giám sát được xác định căn cứ trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri, báo cáo của các Đoàn kiểm tra, thanh tra, những tồn tại mà các cấp có thẩm quyền đã chỉ ra chưa được khắc phục hoặc chậm khắc phục.
Sau giám sát, việc đôn đốc các kiến nghị, kết luận giám sát được thực hiện sát sao. Đối với nhiều vấn đề quan trọng (như: chỉnh trang đô thị, bảo vệ nguồn nước, chống ngập úng, vệ sinh môi trường...), sau giám sát, Thường trực HĐND thành phố đã chỉ đạo xây dựng các Đề án, dự án cụ thể trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết để thực hiện.
Công tác giám sát cũng được đổi mới thông qua việc nâng cao hiệu quả phối hợp giám sát giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội và Thường trực HĐND thành phố. Các hoạt động giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng đều rất hiệu quả, được cử tri đánh giá cao.
Thứ ba, thực hiện chuyển đổi số. HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Đồng thời, Thường trực HĐND thành phố cũng là đơn vị tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của mình. Từ tháng 6.2022 đến nay, HĐND thành phố đã tổ chức tất cả các Kỳ họp trên môi trường điện tử, được số hoá, đảm bảo công khai dân chủ, đại biểu HĐND được tiếp cận với tài liệu kỳ họp từ sớm từ xa, thuận lợi trong nghiên cứu, tra cứu phục vụ hoạt động của đại biểu.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2023
Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng Phạm Văn Lập cho biết, năm 2023, Thường trực HĐND TP Hải Phòng xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của năm 2023 là giám sát tổ chức thực hiện các Nghị quyết đã được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Theo Kế hoạch, trong năm 2023, HĐND thành phố tổ chức 2 chuyên đề giám sát. Thường trực HĐND thành phố giám sát 08 nội dung, chuyên đề (có 01 chuyên đề tái giám sát), tập trung giám sát những vấn đề: Đầu tư công, thực hiện chủ đề năm, phát triển đô thị, an sinh xã hội… Ngoài việc thành lập các Đoàn giám sát chuyên đề, Thường trực HĐND thành phố sẽ tổ chức các phiên chất vấn, giải trình tại các phiên họp của TT HĐND TP.
Thứ 2 là chuyển đổi số trong toàn hệ thống HĐND các cấp thành phố.
Nhiệm vụ chuyển đổi số trong hoạt động của HĐND các cấp đã được xác định rõ trong Kế hoạch số 389/KH-UBTVQH15, ngày 26.12.2022, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là cơ sở rất quan trọng để HĐND các địa phương triển khai thực hiện mạnh mẽ nhiệm vụ chuyển đổi số trong hoạt động; được các địa phương cơ sở rất phấn khởi, đánh giá cao.
Ngay đầu tháng 2.2023, Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức Hội nghị với tất cả các quận, huyện để thống nhất về mục tiêu, kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số cho toàn bộ hệ thống HĐND các cấp. Theo đó, thành phố Hải Phòng đặt ra kế hoạch với 3 nhiệm vụ chính:
(1) Chậm nhất, trong tháng 6.2023, Hội đồng nhân dân tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hải Phòng hoàn thành việc tổ chức Kỳ họp số - Kỳ họp không giấy tờ;
(2) Tháng 7.2023, HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “phát triển hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu kết nối đồng bộ từ HĐND cấp tỉnh đến HĐND cấp huyện, cấp xã. Đến tháng 12.2023, HĐND thành phố bố trí kinh phí thực hiện Dự án. Hết năm 2024, hoàn thành Dự án để đưa vào vận hành trong toàn bộ hệ thống hội đồng nhân dân các cấp thành phố.
(3) Trong năm 2023, hoàn thành việc nghiên cứu xây dựng phần mềm theo dõi, giám sát toàn bộ nghị quyết do HĐND thành phố ban hành trên môi trường điện tử; kết quả thực hiện nghị quyết sẽ được số hóa, cập nhật, theo dõi thường xuyên, giúp Thường trực HĐND thành phố lựa chọn, quyết định nội dung giám sát chính xác, phù hợp.
Một số kiến nghị, đề xuất
Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng Phạm Văn Lập nhấn mạnh: Thường trực HĐND TP Hải Phòng có 3 đề xuất:
Một là, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan tiếp tục làm rõ nội hàm của chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan dân cử để đảm bảo sự thống nhất và cơ sở để triển khai thực hiện.
Hai là, giám sát là 1 trong 2 chức năng quan trọng nhất của HĐND các cấp. Do đó, đề nghị UBTVQH nghiên cứu các phương án bổ sung biên chế hoặc có cơ chế cho phép các đoàn giám sát được thuê các chuyên gia, đơn vị tư vấn tham gia các đoàn giám sát để nâng cao chất lượng các cuộc giám sát.
Ba là, việc thu hút cán bộ giỏi vào các cơ quan chuyên trách của HĐND các cấp còn nhiều khó khăn. Đề nghị UBTVQH xem xét nghiên cứu ban hành các cơ chế để tạo điều kiện cho cán bộ (về điều kiện làm việc, khen thưởng, thu nhập, cơ hội phát triển…).