Hãng thông tấn ISNA ngày 1.8 đưa tin, Quốc hội Iran đã yêu cầu Tổng thống Hassan Rouhani trong vòng một tháng phải trình diện trước cơ quan lập pháp, nhằm trả lời chất vấn của các nghị sĩ về cách Chính phủ điều hành nền kinh tế. Theo nguồn tin trên, các nghị sĩ muốn chất vấn ông Rouhani về việc đồng rial bị mất giá nghiêm trọng kể từ tháng 4 đến nay, tăng trưởng kinh tế yếu và tỷ lệ thất nghiệp tăng... Cũng theo ISNA, các nghị sĩ còn muốn nghe ông Rouhani giải trình về việc tại sao sau 2 năm ký thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1, nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế lên nước này, nhưng hiện các ngân hàng của Iran vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ tài chính toàn cầu.
Đây là lần đầu tiên Quốc hội Iran triệu tập Tổng thống Rouhani, trong bối cảnh xã hội bức xúc trước tình hình kinh tế sa sút. Từ đầu năm đến nay, một loạt cuộc biểu tình đã xảy ra ở Iran, nhằm phản đối tình trạng giá cả tăng cao, thiếu nước, thiếu điện và các cáo buộc tham nhũng ở nước này. Ngày 31.7 vừa qua, hàng trăm người đã tuần hành ở nhiều thành phố trên khắp cả nước, trong đó có Isfahan, Karaj, Shiraz và Ahvaz, nhằm phản đối tình trạng lạm phát do sự suy yếu của đồng rial. Kể từ tháng 4, đồng rial đã mất nửa giá trị so với đồng USD, mức thấp kỷ lục. Cụ thể, đồng tiền của Iran đã giảm dưới ngưỡng 100.000 Rial đổi 1 USD, đúng vào thời điểm Mỹ dự kiến tái áp lệnh trừng phạt kinh tế lên nước này vào ngày 7.8 tới.
![]() |
Trước sức ép lớn từ những chính trị gia theo đường lối cứng rắn đòi Tổng thống Rouhani cải tổ Nội các nhằm bảo vệ nền kinh tế trước những động thái gần đây của Mỹ, phát ngôn viên của Chính phủ Iran Mohammad Bagher Nobakht ngày 1.8 đã tuyên bố từ chức để tập trung vào nhiệm vụ lãnh đạo Tổ chức Quản lý và lập kế hoạch của Iran. Tuần trước, Tổng thống Rouhani đã bổ nhiệm Thống đốc Ngân hàng Trung ương mới với nhiệm vụ chấm dứt tình trạng đồng rial lao dốc.
Không chỉ chịu sức ép do khó khăn kinh tế, người đứng đầu Chính phủ Iran còn đối mặt với những chỉ trích trong nội bộ chính quyền về nỗ lực cải thiện quan hệ với Mỹ. Tổng thống Rouhani, chính trị gia theo đường lối ôn hòa, đã nỗ lực giảm căng thẳng với phương Tây thông qua việc đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử với nhóm P5+1 năm 2015. Tuy nhiên, tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút Washington khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), còn được biết đến là thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và 6 cường quốc thế giới, trong đó có Mỹ. Cùng với việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ còn cảnh báo áp lệnh trừng phạt kinh tế trở lại đối với Tehran, đồng thời yêu cầu các nước khác dừng nhập khẩu dầu lửa từ Iran từ ngày 4.11, nếu không muốn đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Các biện pháp trừng phạt mà chính quyền Trump dự định tái áp đặt lên Tehran cấm Iran mua USD; chặn một số giao dịch tài chính của Iran, trong đó có các giao dịch liên quan đến dầu mỏ, vàng, các kim loại khác, than và phần mềm liên quan đến công nghiệp. Ngoài ra, Mỹ cũng ngừng nhập khẩu các sản phẩm thảm và thực phẩm của Iran. Đáng chú ý, xuất khẩu dầu lửa của Iran có thể giảm 2/3 trong năm nay do lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ngày 30.7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngỏ ý sẵn sàng gặp người đồng cấp Iran Rouhani bất cứ lúc nào, mà không đưa ra điều kiện tiên quyết. Tuyên bố của ông Trump được xem là sự xuống thang căng thẳng Iran - Mỹ, sau khi lãnh đạo hai nước “khẩu chiến” nảy lửa qua mạng xã hội Twitter, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nổ ra xung đột quân sự giữa hai nước. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi đã bác bỏ khả năng đối thoại với Mỹ, do Washington không đáng tin cậy.