Vẹn nguyên ký ức thiêng liêng
Cô Tô không chỉ là một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam với vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ mà còn là một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong vùng Biển Đông Bắc. Nằm ở vị trí tiền tiêu, án ngữ những tuyến hàng hải huyết mạch, huyện đảo tiền tiêu thuộc tỉnh Quảng Ninh có vai trò then chốt trong việc bảo vệ chủ quyền và an ninh biển đảo của Tổ quốc. Ý thức sâu sắc về tiềm năng và vị trí trọng yếu đó, cấp ủy, chính quyền quân và dân huyện đảo Cô Tô luôn nỗ lực không ngừng để xây dựng và phát triển hòn đảo ngày càng vững mạnh.
Đến với huyện đảo tiền tiêu những ngày này, đi giữa rì rào sóng vỗ, càng cảm nhận rõ những mạch ngầm của niềm tự hào về dòng dõi Lạc Hồng và niềm tin khi đất nước đang rạo rực chuyển mình bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của sự phát triển phồn thịnh, ấm no. Với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện đảo, ngày 9.5.1961 đã đi vào lịch sử địa phương như một dấu mốc chói lọi. Đó là ngày hòn đảo ngọc kiên cường giữa Biển Đông vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm.

Trong trí nhớ của nhiều cụ cao niên, trong chuyến thăm lịch sử ấy, Bác đã dành những lời thăm hỏi ân cần, những lời động viên sâu sắc cho các chiến sĩ và đồng bào trên đảo. Người căn dặn đồng bào phải hăng say lao động sản xuất, ra sức chăn nuôi, đẩy mạnh nghề cá, nuôi dưỡng và bảo vệ các loài hải sản quý, trồng nhiều cây ăn quả và cây lấy gỗ. Bác không chỉ quan tâm đến sự phát triển kinh tế mà còn đặc biệt chú trọng đến sự nghiệp giáo dục của thế hệ trẻ, khuyên các cháu học sinh chăm ngoan, học tập tốt để trở thành những người chủ tương lai của đất nước. Hơn hết, Bác luôn đặt sự quan tâm lên hàng đầu đối với đời sống của Nhân dân trên đảo.
Với lòng kính trọng dành cho Bác, quân và dân Cô Tô đã xin được dựng tượng Người trên đảo để ngày nào cũng được ngắm nhìn hình ảnh của Bác. Nguyện vọng của người dân trên đảo đã được Bác Hồ đồng ý. Năm 1968, Tượng đài Bác Hồ được nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế cùng các đồng nghiệp bắt tay thực hiện. Đây cũng là nơi duy nhất được Bác Hồ cho dựng tượng khi Người còn sống. Trải qua hơn nửa thế kỷ, tượng Bác Hồ hướng ra Biển Đông luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim của những người con huyện đảo tiền tiêu nói riêng và cả nước nói chung. Năm nay, cũng là năm kỷ niệm 64 năm ngày Bác Hồ ra thăm quân và dân đảo Cô Tô.
Trái tim của Cô Tô, nơi lưu giữ những ký ức thiêng liêng về Bác Hồ, chính là Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo. Ngày 18.1.2022, Khu lưu niệm đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Vào ngày 9.5 hàng năm và các ngày lễ lớn của dân tộc, của tỉnh Quảng Ninh, Lễ thượng cờ Tổ quốc trên đảo đã trở thành một sự kiện quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện đảo.
Càng đến gần ngày Quốc Giỗ, Khu lưu niệm Bác Hồ càng thêm phần trang nghiêm, như một nốt trầm lắng đọng giữa bản hòa ca của biển trời. Đoàn người từ khắp mọi miền ra thăm đảo đều tìm đến thành kính dâng lên những nén hương thơm, tưởng nhớ công ơn các vua Hùng, các bậc tiền nhân và tri ân sâu sắc vị Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Giữa không gian tĩnh tại, trầm mặc ấy, sợi dây liên kết vô hình giữa quá khứ và hiện tại, giữa niềm tự hào về cội nguồn và lòng biết ơn vô hạn đối với Bác càng trào dâng.
Và bước chuyển mình diệu kỳ
Nhìn lại chặng đường đã qua, Cô Tô đã có những bước chuyển mình diệu kỳ. Từ một huyện đảo nghèo, kinh tế chậm phát triển, thiếu thốn mọi bề, huyện đảo hôm nay đã vươn lên trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và cả nước. Điện lưới quốc gia đã về tới từng thôn, xã; nguồn nước ngọt dồi dào đã giải quyết bài toán khó khăn về sinh hoạt. Hệ thống tàu khách, tàu vận tải ngày càng phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa đảo và đất liền, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và du lịch…
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn duy trì ở mức cao, đời sống của Nhân dân không ngừng được nâng lên. Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch đúng hướng, mạnh mẽ sang ngành dịch vụ du lịch. Kinh tế biển được đầu tư phát triển theo hướng bền vững. An sinh xã hội được bảo đảm, chất lượng giáo dục và y tế được nâng cao, cả huyện không còn hộ nghèo. 100% trường học đạt chuẩn quốc gia. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, chủ quyền biển đảo được bảo đảm. Đặc biệt, năm 2015, huyện Cô Tô đã vinh dự được Chính phủ công nhận là huyện đảo đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của cả nước. Đến hết năm 2024, thu nhập bình quân/người của huyện đạt 134.925 nghìn đồng/năm, tăng 17,3% so với năm 2023 (năm 2023 đạt 114.999 nghìn đồng). Cô Tô là một trong 5 địa phương có tốc độ tăng thu nhập cao hơn tốc độ tăng của tỉnh Quảng Ninh và là một trong 4 huyện có mức tăng cao hơn mức chung toàn tỉnh.
Năm 2025, với quyết tâm đưa du lịch Cô Tô lên một tầm cao mới, tỉnh Quảng Ninh và huyện Cô Tô đã triển khai quyết liệt các cam kết và hành động cụ thể. Huyện dự kiến triển khai nhiều dịch vụ du lịch mới nhằm nâng cao trải nghiệm cho du khách, hiện thực hóa mục tiêu trở thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia hiện đại. Nếu năm 2023, Cô Tô đón 442.287 lượt khách, thì đến năm 2024, con số này đã tăng lên 513.913 lượt. Riêng từ đầu năm 2025 đến nay, huyện đảo đã đón khoảng 150.000 lượt khách, một tín hiệu tích cực cho thấy sức hút ngày càng lớn của điểm đến Cô Tô.
Mới đây, lãnh đạo huyện Cô Tô và Sở Xây dựng Quảng Ninh cũng đã tổ chức đối thoại với chủ tàu, doanh nghiệp vận tải hành khách từ cảng cao cấp Ao Tiên (huyện Vân Đồn) đi các xã đảo thuộc huyện Vân Đồn và huyện Cô Tô. Cuộc đối thoại đã tháo gỡ một số vướng mắc mà doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là các doanh nghiệp đã thống nhất cam kết không tăng giá vé tàu trong năm 2025, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến với Cô Tô. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Lê Ngọc Hân khẳng định, địa phương sẽ tiếp tục xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới độc đáo, hấp dẫn nhằm thu hút du khách và tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp… Đại diện Sở Xây dựng Quảng Ninh cũng cam kết sẽ hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến luồng tuyến, nạo vét luồng vào cầu cảng Cô Tô, bảo đảm tàu thuyền hoạt động an toàn và thuận lợi, tạo điều kiện tốt nhất cho việc vận chuyển hành khách và hàng hóa đến với huyện đảo.
Rời khu lưu niệm, chúng tôi thả hồn theo những con đường uốn lượn quanh đảo. Bãi Hồng Vàn như dải lụa đào mềm mại, Vàn Chảy tựa như vòng tay ôm ấp bờ cát trắng, không còn vẻ hoang sơ mà đã rộn rã tiếng cười nói của du khách. Những con thuyền no đầy tôm cá trở về như những cánh chim hải âu lướt trên sóng biếc. Nụ cười rạng rỡ của người dân Cô Tô như những đóa hoa biển khoe sắc dưới ánh mặt trời, ánh lên niềm hạnh phúc và tự hào về quê hương.
Lời Bác năm xưa vẫn còn vang vọng đâu đây, như tiếng sóng biển rì rào: “Đồng bào phải đoàn kết chặt chẽ, phải hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, phải cố gắng hơn nữa để làm cho đời sống no ấm, vui tươi hơn nữa”. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện đảo đã và đang biến lời căn dặn lúc sinh thời của Người thành hành động để tiếp tục hành trình vươn tới. Cô Tô đang ấp ủ những khát vọng mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, từng bước tỏa sáng viên ngọc quý giữa biển trời Đông Bắc - nơi những tình cảm của Bác dành cho đảo tiền tiêu vẫn quyện hòa trong từng con sóng, từng ngọn gió.