Khó cho dân, dễ cho Tòa án
Cho ý kiến tại phiên họp Tổ 2 (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) về Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)chiều 9.11, đa số đại biểu đều cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật năm 2014 như đã nêu tại Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.
Tại khoản 1, Điều 15 dự thảo Luật quy định “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ”. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa không đồng tình với quy định này. Ông phân tích, hiện thế giới có 2 hệ là thông luật (Mỹ, Anh, Singapore, Ấn Độ…) và dân luật (châu Âu, Trung Quốc, Việt Nam…). Đối với hệ dân luật, đặc trưng là Tòa án sẽ chủ trì việc xác minh chứng cứ, chủ trì việc thẩm vấn; trái ngược với bên thông luật là tòa không thẩm vấn, đặc biệt là trong dân sự.
Tại Việt Nam có đặc thù là trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn hạn chế, nên khi có tranh chấp, họ không biết cách để thu thập chứng cứ. Thậm chí, trong nhiều trường hợp dù có luật sư nhưng chứng cứ bị mất hoặc do có sự đối phó lẫn nhau nên việc truy tìm chứng cứ rất khó khăn, có những vụ án kéo dài tới 5 – 7 năm, thậm chí cả 10 năm vẫn chưa xét xử xong.
Thực tế cũng cho thấy, lâu này, Tòa án thu thập chứng cứ song trong nhiều trường hợp, dù Tòa án yêu cầu các cơ quan, tổ chức liên quan như ngân hàng cung cấp chứng cứ, song phía ngân hàng vẫn trì hoãn. Do đó, việc quy định “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ” là không phù hợp.
“Đặt vấn đề sửa luật này thì cần theo hướng có lợi hơn, thuận lợi hơn cho người dân chứ không phải để thuận lợi hơn, dễ hơn cho Tòa án. Nếu không có sự can thiệp, quyết định của tòa trong việc yêu cầu cung cấp chứng cứ thì người dân sẽ bị thiệt thòi, mất đi công cụ để bảo vệ quyền của mình” và “nếu tước bỏ công cụ Tòa án xác minh chứng cứ là không đúng tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW (của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, ban hành ngày ngày 9.11.2022 – PV) và cũng không đúng tinh thần sửa Luật phải có lợi cho người dân”, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Chia sẻ với ý kiến trên, ĐBQH Nguyễn Thanh Sang cho rằng, quy định tại khoản 1 Điều 15 không phù hợp với thực tiễn hiện nay, khi trình độ dân trí, ý thức và hiểu biết pháp luật, nhất là đối với người lao động còn nhiều hạn chế. Cơ chế luật sư, người bào chữa chưa đáp ứng hết được yêu cầu của người dân (đạt 8,15%).
Trong bối cảnh đó, “việc để người dân tự thu thập chứng cứ trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, đặc biệt là thu thập chứng cứ từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội là một thách thức, bởi vì người dân không đủ điều kiện, năng lực, khả năng và đặc biệt là thiếu cơ chế để yêu cầu các cơ quan, tổ chức này cung cấp chứng cứ”.
“Nếu bỏ thu thập chứng cứ thì người giàu có lợi hơn vì họ có quyền, có tiền, trong khi người lao động thiệt thòi”, ĐBQH Nguyễn Thanh Sang lo ngại.
ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết cũng đồng tình cho rằng, cần giữ quy định Tòa án thu thập chứng cứ trong án hành chính và dân sự. Theo đại biểu, quy định như vậy không phải là làm thay việc của luật sư, cũng không phải là tạo sự thiếu khách quan. Chính việc quy định “Tòa án hướng dẫn” việc thu thập chứng cứ mới dễ phát sinh sự không minh bạch!
Cân nhắc kỹ quy định bỏ quyền khởi tố tại tòa
Theo dự thảo Luật, không quy định Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn ra quyết định khởi tố vụ án tại phiên tòa. Theo Tòa án Nhân dân Tối cao, việc khởi tố, điều tra, truy tố là trách nhiệm của cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát. Tòa án là cơ quan xét xử; nếu Tòa án khởi tố vụ án, sau đó lại xét xử vụ án đó thì có thể ảnh hưởng đến tính khách quan, vô tư trong quá trình xét xử.
Tuy nhiên, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng, lập luận này là “không đúng”. Bởi lẽ, Tòa án Việt Nam theo hệ dân luật. Thêm vào đó, khởi tố không có nghĩa là sẽ tiến hành xét xử, mà là để xem có tội hay không, có hành vi phạm tội hay không, sau đó giao về cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát để tiến hành điều tra. Trên cơ sở kết quả điều tra, Viện Kiểm sát xem xét có tội hay không mới làm cáo trạng, sau đó quay trở lại tòa và khi đó tòa cử hội đồng xét xử. Như vậy, hai việc này không ảnh hưởng gì lẫn nhau.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, việc quy định Tòa án có quyền khởi tố là bởi trong quá trình thu thập chứng cứ tại tòa - nơi có rất nhiều chứng cứ, nếu thấy có dấu hiệu lọt tội thì Tòa án cần phải khởi tố, sau đó mới đến điều tra. Vì thế, đại biểu không đồng ý bỏ chức năng này của Tòa án trong dự thảo Luật.
ĐBQH Dương Ngọc Hải cho rằng, quy định tòa án có quyền khởi tố tại tòa chính là nhằm phát huy vai trò, quyền năng của tòa án, thậm chí chống bỏ lọt tội phạm, chống oan sai.
“Thực tế, có những vụ án, Tòa án trả hồ sơ song trong trường hợp cơ quan điều tra không làm, hoặc làm một thời gian và ra quyết định không khởi tố tố vụ án, thì tòa giải quyết như nào? Tòa án không thể bó tay được, mà phải sử dụng quyền là khởi tố vụ án tại tòa”, đại biểu Dương Ngọc Hải nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu, quyền khởi tố tại tòa của Tòa án đã phát huy hiệu quả trong thực tế. Đơn cử như vụ án của Ngân hàng Xây dựng, tài sản thu hồi được lên tới 10.000 tỷ, là do Tòa án đã thể hiện vai trò của mình trong khởi tố vụ án.
Từ những phân tích trên, đại biểu Dương Ngọc Hải cho rằng, Ban soạn thảo cần hết sức cân nhắc về việc bỏ thẩm quyền khởi tố tại tòa của Tòa án. Quy định này không can thiệp vào thẩm quyền của cơ quan điều tra. Đồng thời, cần đánh giá vì sao trên thực tế, Tòa án không thực hiện quyền năng này.
Ngoài ra, đại biểu kiến nghị, nếu lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt thì cần xác định địa giới hành chính như thế nào? Nếu cùng ở cấp huyện, có tòa sơ thẩm và tòa sơ thẩm chuyên biệt, thì mối quan hệ giữa hai tòa này ra sao, đơn vị nào sẽ báo cáo HĐND? Do đó, cần phải làm rõ nội dung này để bảo đảm tính khả thi…