Đó là điểm nhấn qua sơ kết công tác tổ chức, hoạt động của HĐND tỉnh Ninh Thuận giữa nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ứng phó linh hoạt, phục vụ kịp thời yêu cầu thực tiễn
Theo đánh giá, các kỳ họp HĐND tỉnh Ninh Thuận thời gian qua từng bước được đổi mới, nâng cao chất lượng từ khâu chuẩn bị nội dung, chương trình, khảo sát, thẩm tra trình HĐND tỉnh thảo luận quyết định ban hành nghị quyết thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các nghị quyết ban hành chính sách mới, chủ trương đầu tư, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu tra cứu, khai thác thông tin trước, trong và sau kỳ họp.
Hoạt động chất vấn, giám sát tại kỳ họp đi vào chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm. Nội dung chất vấn tập trung làm rõ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực như: công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; về hạ tầng, đất đai, môi trường tại Cảng cá và chính sách bảo đảm để ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo; công tác chuyển đổi số; công tác giảm nghèo và kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia… Sau mỗi phiên họp, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn.
Công tác ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh bảo đảm quy trình, thủ tục, nâng cao về chất lượng, sâu sát thực tiễn, tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương, nhất là các nghị quyết đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch Covid - 19, huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh: tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 9,28%/năm, GRDP bình quân năm 2023 ước đạt 88,5 triệu đồng/người, gấp 1,5 lần năm 2020 và bằng 78,3%; thu ngân sách ước đạt 3.658 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới bình quân hàng năm giảm 1,39%/.
Các nghị quyết của HĐND tỉnh đã tạo cơ sở pháp lý phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ứng phó linh hoạt với các thách thức, khó khăn gặp phải trong quá trình lãnh đạo, điều hành; phục vụ kịp thời yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương như: cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; cơ chế chặt chẽ quản lý đất đai, ngân sách, đầu tư công; chính sách hỗ trợ vay vốn từ ngân sách địa phương đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài; chính sách thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm và thực hiện có hiệu quả.
Chỉ đạo trực tiếp giải quyết các kiến nghị thuộc thẩm quyền
Công tác TXCT được chỉ đạo cải tiến, đổi mới theo hướng các Tổ đại biểu HĐND tăng cường khảo sát, nắm tình hình thực tiễn đối với các nội dung cử tri phản ánh, nổi cộm, bức xúc trước và sau khi TXCT. Cụ thể, Tổ đại biểu HĐND số 9 đã khảo sát phản ánh của cử tri khu dân cư Liên Sơn 2, Trường Tiểu học Liên Sơn 1 thường xuyên bị ngập úng, hôi thối do nước từ hệ thống kênh mương của Hồ chứa nước Lanh Ra tràn và rò rỉ vào; kiến nghị của cử tri xây cầu qua Mương Nhựt để người dân thuận tiện trong vận chuyển hàng hóa và sinh hoạt giữa thôn Đá Trắng qua thôn Như Ngọc. Tổ đại biểu số 10 khảo sát phản ánh của cử tri liên quan đến ranh giới các thửa đất tại Tà Đe, thôn Long Bình, xã An Hải không xác định được.
Tổ đại biểu số 7 khảo sát phản ánh của cử tri khu phố 6, phường Đạo Long liên quan tắt tuyến ống cống, ứ đọng nước thải, ô nhiễm môi trường khu dân cư. Tổ đại biểu số 12 qua TXCT đã tổng hợp, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh để đôn đốc, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các nội dung bức xúc liên quan đến một số hoạt động của Ban Quản lý khai thác Cảng cá Cà Ná.
Các Tổ đại biểu HĐND tỉnh được cơ cấu Tổ trưởng, Tổ phó là lãnh đạo các địa phương, đã chỉ đạo trực tiếp giải quyết đối với các nội dung thuộc thẩm quyền địa phương. Một số kiến nghị của cử tri kéo dài, bức xúc nhiều năm đã được chỉ đạo, đôn đốc giải quyết dứt điểm.
Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tổ chức TXCT chuyên đề “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”, ghi nhận 15 ý kiến, kiến nghị của cử tri xung quanh 7 nhóm vấn đề liên quan đến việc thực hiện các chính sách nông nghiệp, nông dân. Thường trực HĐND tỉnh đã giao UBND tỉnh, các Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh và đề nghị Mặt trận, Hội Nông dân, cử tri, nông dân thực hiện một số nhiệm vụ góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian tới.