Những câu chuyện lịch sử dành cho trẻ em
Sáng 25.5, tại Hà Nội, Omega Plus tổ chức sự kiện “Câu chuyện nhân loại và Những con đường tơ lụa: Cùng con trên những nẻo đường lịch sử”.
Chương trình được tổ chức nhân dịp ra mắt hai cuốn sách về lịch sử nhân loại “Những con đường tơ lụa và những trang sử phi thường tạo nên thế giới” của sử gia trẻ Peter Frankopan và “Câu chuyện nhân loại: Một lược sử sống động về loài người” của tác giả Hendrik Willem van Loon.
“Những con đường tơ lụa và những trang sử phi thường tạo nên thế giới” viết về những con đường phát triển hay mạng lưới kết nối xuyên suốt lịch sử nhân loại nhằm giải thích cho những sự kiện xảy ra trong quá khứ và chúng có liên hệ với nhau ra sao.
Sách gồm 16 chương tương ứng với 16 con đường phát triển từ thời cổ đại tới ngày nay của lịch sử nhân loại và được đặt tên theo chủ đề nổi bật trong giai đoạn đó. Đây là cuốn sách thiếu nhi được viết dựa trên cuốn sách best-seller “Những con đường tơ lụa” đồ sộ của Giáo sư lịch sử thế giới Peter Frankopan.
Trong khi đó, “Câu chuyện nhân loại: Một lược sử sống động về loài người” là tác phẩm kinh điển về lịch sử dành cho trẻ em, do giáo sư và tác giả người Mỹ gốc Hà Lan Hendrik Willem van Loon viết và minh họa, xuất bản năm 1921. Dù đã ra đời cách đây hơn 100 năm, nhưng quan điểm học thuật, cách nhìn nhận và diễn giải của tác giả lại đầy mới mẻ, tạo cho bạn đọc cảm giác dễ tiếp cận.
Thay vì tập trung vào các sự kiện, con số, ông chọn lối kể chuyện lịch sử giản lược và đơn giản hóa tối đa các mốc thời gian… Đặc biệt, cuốn sách do chính tác giả vẽ 77 bức tranh minh họa cho các ý tưởng của mình.
Giám đốc Omega Plus Trần Thị Hoài Phương cho biết: Omega cho ra mắt hai cuốn sách lịch sử dành cho trẻ em trong hè này với kỳ vọng sẽ đưa trẻ em đến với tri thức, với lịch sử. Theo bà Phương, sách cho trẻ em dù có rất nhiều nhưng sách mang tính nền tảng còn có khoảng trống. 3 năm qua, Omega đã bắt tay làm nhằm góp phần lấp khoản trống này, dù chậm.
Trong quá trình đó, cuốn sách “Không thể dừng bước” của tác giả Yuval Noah Harari đã khơi gợi cách làm sách khoa học, lịch sử cho trẻ em, đó là các tác giả tạo ra sản phẩm nghiên cứu cơ bản, sau đó tạo ra cuốn sách đại chúng, cuốn sách cho trẻ em xung quanh những tri thức cốt lõi…
Lan tỏa bầu không khí ký ức
Từng có nhiều ý kiến cho rằng, trong trường học, học sinh rất sợ môn lịch sử. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, việc đọc sách lịch sử ngoài sách giáo khoa để mở rộng kiến thức, đào sâu tư duy, làm quen với các cách thức tiếp cận lịch sử đa dạng là điều vô cùng cần thiết.
“Khi còn là giáo viên dạy lịch sử tại trường phổ thông và lý luận dạy học lịch sử tại trường đại học, tôi luôn nỗ lực thực hiện công việc này. Một khi giáo viên, phụ huynh nỗ lực làm công việc này, trẻ em sẽ yêu thích môn lịch sử và cảm thấy nó thật hữu ích cho cuộc sống đời thường cũng như đời sống học đường” - ông Nguyễn Quốc Vương cho biết.
Lily, người chuyển Việt ngữ cuốn sách “Những con đường tơ lụa và những trang sử phi thường tạo nên thế giới” bày tỏ: “Đọc cuốn sách này bản tiếng Anh cách đây 2 năm, em thấy rất thú vị khi tìm hiểu về sự kết nối giữa các vùng đất, tộc người, thúc đẩy giao thương, giao lưu văn hóa. Trong quá trình đọc và dịch cuốn sách, em cũng được nghe mẹ kể, giải thích những câu chuyện rất hay về lịch sử thế giới…”
Từng lan tỏa sách lịch sử tới các gia đình và trường học, Chủ nhiệm dự án Sách nhà mình Lê Thị Thùy Dương cho biết: “Khi giới thiệu các tác phẩm trong bộ “Sử ta - Chuyện xưa kể lại” với các bạn nhỏ tại nhiều trường học, tôi thấy các em rất hưởng ứng. Các em không nói đó là học sử, mà cùng tìm hiểu, cùng chơi và khám phá câu chuyện về con người, về văn hóa gắn với từng vùng đất mà chúng tôi đến. Như cùng các em nhỏ ở Việt Trì, Phú Thọ tìm hiểu về nhà nước Văn Lang, hay cùng các học sinh ở Hải Phòng tìm hiểu về trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng… Các em hoàn toàn có khả năng học thông qua chơi, miễn là người lớn tư duy và biến kiến thức thành trò chơi trực quan, từ đó các em thích thú tìm hiểu, đến với sách”.
Còn theo dịch giả, nhà văn Hà Thủy Nguyên, “Câu chuyện nhân loại” và “Những con đường tơ lụa” đã cho thấy cách làm sách lịch sử cho đại chúng mà chúng ta cần học tập về mặt phương pháp. Đó là cách kể chuyện lịch sử không nặng về sự kiện, con số, mà qua các câu chuyện. Cả hai cuốn sách, tác giả tập trung vào các nền văn minh có sự chuyển dịch và giao thoa lẫn nhau, những câu chuyện, ký ức về văn hóa…
Để trẻ em đến với lịch sử, nhà văn Hà Thủy Nguyên cho rằng, cần thay đổi cách tiếp cận về cách học lịch sử, ngoài con số, sự kiện, thì cần lan tỏa bầu không khí ký ức, từ đó giúp các em có nhận thức sâu hơn về lịch sử.