Sản phẩm du lịch đêm vẫn thiếu hấp dẫn
- Hôm nay, Quốc hội chất vấn 3 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, trong đó có phát triển kinh tế đêm. Từ góc nhìn của mình, ông đánh giá như thế nào về kết quả phát triển du lịch đêm thời gian qua?
- Tôi cơ bản đồng tình với báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Quốc hội. Qua gần 4 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam (2020) đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các địa phương đã ban hành các đề án, kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm, trong đó trọng tâm là hoạt động du lịch đêm. Một số sản phẩm du lịch đêm đã được đưa vào phục vụ, tạo ấn tượng và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám "Tinh hoa đạo học", "Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những xúc cảm", chương trình nghệ thuật thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" (Hà Nội); "Phố đêm du thuyền Hạ Long" (Quảng Ninh); tour đêm phố cổ Hoa Lư (Ninh Bình), "Quận 1 - Sắc màu đêm" (TP. Hồ Chí Minh)...
Việc phát triển du lịch đêm không chỉ giúp tăng tiêu dùng, mua sắm, mà còn góp phần tăng doanh thu và thuế cho Nhà nước, thúc đẩy sự đầu tư trong ngành du lịch. Ngoài ra, còn tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, mang lại thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, so với nhu cầu và đòi hỏi thực tiễn, đặc biệt nhìn từ thực tế các địa phương, thì kinh tế ban đêm, phát triển các sản phẩm du lịch đêm vẫn chưa được đầu tư, khai thác tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
- Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá, sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
- Khách quan phải thừa nhận, nếu so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì dòng sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam chưa đủ sức hấp dẫn để du khách ưu tiên chọn lựa. Du khách vẫn sẽ có xu hướng đi Thái Lan, Bali (Indonesia) nhiều hơn; mức chi tiêu khi du khách đến Việt Nam cũng ít hơn so với các nước bạn bởi chúng ta cũng chưa tích hợp được du lịch đêm.
Những hạn chế nổi rõ trong tư duy, cách tiếp cận, sự hiểu biết và cách triển khai đề án, kế hoạch. Nhiều nơi đánh đồng kinh tế đêm chỉ là hoạt động ăn uống, vui chơi, giải trí về đêm thuần túy; có xu hướng “ngại” rằng kinh tế đêm sẽ gây phức tạp an ninh trật tự trong khi năng lực quản lý của địa phương chưa đáp ứng được.
Một điểm yếu nữa thể hiện ở quy hoạch, không gian phát triển, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích còn hạn chế. Việc lồng ghép tích hợp kinh tế đêm với các ngành như du lịch, nông nghiệp, nông thôn; giao thông phát triển đô thị; văn hóa ẩm thực chưa thực sự được quan tâm, đẩy mạnh.
Tất cả những hạn chế đó đã làm cho sản phẩm du lịch đêm nhìn chung vẫn thiếu sức hấp dẫn, đơn điệu.
Rõ mục tiêu, rõ giải pháp và phải có lộ trình thực hiện
- Theo ông, du lịch đêm có vai trò, ý nghĩa như thế nào với việc phát triển ngành du lịch nói chung và thu hút, giữ chân du khách nói riêng?
- Ngành du lịch là một ngành tổng hợp, tích hợp nhiều yếu tố không chỉ thuần túy du lịch mà còn tạo ra không gian để du khách đến lưu trú, vui chơi, giải trí, tiêu dùng những sản phẩm du lịch. Trong đó, du lịch đêm được xác định là hạt nhân, là cốt lõi, là nét đặc thù của ngành.
Từ cuối năm 2023 đến nay, du lịch là một trong những điểm sáng nhất của nền kinh tế. Năm 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, tập trung phát triển du lịch đêm là một trong những giải pháp cần được triển khai nhanh chóng. Thực tế, nếu chỉ khai thác không gian du lịch ban ngày thì thời gian khai thác, tạo ra giá trị sẽ ít đi; cũng không có sự khác biệt để có thể thu hút và giữ chân du khách ở lại.
- Cũng trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển du lịch đêm. Theo ông cần tập trung vào các giải pháp cụ thể nào?
- Các giải pháp mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra về cơ bản đã bám sát thực tiễn để giải quyết những tồn động trong phát triển các sản phẩm du lịch đêm, từ khâu quy hoạch, cho đến cơ chế, chính sách, thị trường, tạo ra sản phẩm du lịch đêm, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin, du lịch thông minh... Nhưng vấn đề là cần tìm ra những điểm nhấn để khai thác hiệu quả, các sản phẩm du lịch gắn với yêu cầu của thị trường du lịch, bảo đảm sự đa dạng, có chất lượng và giá trị gia tăng cao.
Muốn làm được điều này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chỉ đạo xây dựng những mô hình sản phẩm du lịch đêm đồng bộ ở cả phía Bắc, miền Trung gắn với con đường di sản, hay Đông Nam Bộ. Đồng thời, các tỉnh, thành phố khi đã ban hành các đề án, kế hoạch phát triển du lịch đêm cần chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, tránh tình trạng qua loa. Cần tăng cường tính liên kết giữa các địa phương, các tác nhân trong chuỗi du lịch gắn với sản phẩm du lịch đêm. Các địa phương chọn thế mạnh của từng vùng để tập trung khai thác, tạo ra sản phẩm đặc trưng, tránh trùng lặp; chỉ khi sản phẩm du lịch về đêm trở nên phong phú thì việc phát triển du lịch đêm mới hiệu quả.
- Cá nhân ông chờđợi gì ở phiên chất vấn này?
- Tôi hy vọng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tập trung vào các giải pháp và phải có lộ trình thực hiện. Các giải pháp cần được làm rõ, có tranh luận, đặt mục tiêu rõ ràng sản phẩm đầu ra là gì, năm sau sẽ có được kết quả như thế nào? Không nói chung chung, tất cả cần được cụ thể hóa thành sản phẩm. Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, người dân sẽ có sự giám sát và đối chiếu, điều này ràng buộc trách nhiệm của Bộ trưởng, ràng buộc trách nhiệm của địa phương từ đó phát triển du lịch đêm nói riêng và toàn ngành du lịch sẽ có kết quả tốt hơn.
- Xin cảm ơn ông!