Chủ động xây dựng kế hoạch và chuẩn bị nội dung TXCT
Ngay từ hội nghị liên tịch, cùng với việc bàn bạc, thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã dự kiến kế hoạch TXCT trước và sau kỳ họp của đại biểu HĐND tỉnh; thông báo kế hoạch hoạt động của HĐND tỉnh với Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, Thường trực HĐND thành phố Nam Định, UBND, Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố để sắp xếp kế hoạch công tác, ưu tiên, gắn TXCT của đại biểu HĐND tỉnh với TXCT của đại biểu HĐND thành phố Nam Định và đại biểu HĐND các xã, thị trấn; đồng thời giao trách nhiệm cho các ngành, các cấp trong chuẩn bị những nội dung liên quan. Tại hội nghị triển khai kế hoạch TXCT, Thường trực HĐND tỉnh hướng dẫn cụ thể những nội dung cần chú ý trong TXCT, những trọng tâm gắn với các nội dung của kỳ họp HĐND tỉnh.
Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu đăng các nội dung tuyên truyền về TXCT của đại biểu HĐND tỉnh trên đài, báo và trang mạng của tỉnh để cử tri có thể nắm bắt đầy đủ thông tin, tích cực đóng góp các ý kiến, kiến nghị thiết thực trong các cuộc tiếp xúc.
Thường trực HĐND tỉnh ra Thông báo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp HĐND tỉnh, phối hợp với UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan chuẩn bị các báo cáo quan trọng, như: Báo cáo kết quả hoạt động và dự kiến chương trình hoạt động của HĐND tỉnh; Báo cáo tình hình KT - XH và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh; Báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri từ kỳ họp trước đến thời điểm TXCT (đây là nội dung mới được chú trọng thực hiện và đem lại hiệu quả tích cực, làm cho các cơ quan có trách nhiệm phải chú ý hơn đến việc tiếp thu và thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri). Cùng với chuẩn bị các văn bản liên quan đến TXCT, Thường trực HĐND tỉnh cũng gửi các đại biểu HĐND tỉnh Phiếu chất vấn để đại biểu chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm chất vấn những người có trách nhiệm.
Đổi mới cách thức tổ chức
Trước khi TXCT, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các tổ đại biểu họp để triển khai những nội dung của cuộc tiếp xúc, phân công trách nhiệm chuẩn bị những nội dung cần thiết, ngắn gọn báo cáo với cử tri tại cuộc tiếp xúc, cơ bản dành thời gian để lắng nghe ý kiến cử tri.
Thường trực HĐND tỉnh thực hiện một số biện pháp để tăng số điểm TXCT, như: giao trách nhiệm cho các huyện, thành phố, các tổ đại biểu HĐND tỉnh phải tổ chức ít nhất hai điểm TXCT tại mỗi đơn vị bầu cử; hỗ trợ kinh phí tổ chức TXCT, đồng thời yêu cầu UBND các huyện, các xã cùng phối hợp chuẩn bị và hỗ trợ các điều kiện để buổi tiếp xúc đạt hiệu quả.
Thường trực HĐND tỉnh tham khảo kế hoạch hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh để xây dựng kế hoạch của HĐND tỉnh cho phù hợp; đồng thời yêu cầu Thường trực HĐND thành phố Nam Định, UBND, Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ các xã, thị trấn căn cứ vào kế hoạch hoạt động của HĐND tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch TXCT của địa phương mình.
Đối với một số nội dung quan trọng, phạm vi, đối tượng tác động rộng hoặc nhạy cảm, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức TXCT theo chuyên đề để tham vấn ý kiến nhân dân, bảo đảm các quyết định của HĐND tỉnh phù hợp với thực tế và khả thi cao.
Ngoài tổ chức hội nghị TXCT, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các đại biểu HĐND tỉnh tích cực tham dự kỳ họp HĐND cấp dưới, nơi ứng cử để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, kết hợp báo cáo với cử tri kết quả kỳ họp HĐND tỉnh. Yêu cầu Tổ trưởng tổ đại biểu phân công từng đại biểu tham dự kỳ họp tại các cụm xã. Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện chỉ đạo Thường trực HĐND các xã, thị trấn bố trí lịch tổ chức kỳ họp HĐND đúng quy định và mời các đại biểu HĐND tỉnh tham dự. Thường trực HĐND tỉnh cũng yêu cầu các đại biểu tăng cường giữ mối liên hệ với cử tri, thông qua công tác chuyên môn, lao động sản xuất... để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các tổ đại biểu mở rộng thành phần cử tri, bảo đảm đa dạng, tránh tình trạng cử tri chuyên nghiệp. Tại các cuộc TXCT, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu UBND huyện và UBND xã, phường, thị trấn tham dự để trực tiếp trả lời những nội dung thuộc thẩm quyền.
Ngoài tham dự các cuộc TXCT tại đơn vị ứng cử, Thường trực HĐND và lãnh đạo UBND tỉnh cũng chủ động tham dự một số cuộc TXCT tại các địa bàn trọng điểm để lắng nghe, đối thoại với cử tri.
Cải tiến việc tiếp thu, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri
Trước mỗi đợt TXCT, Thường trực HĐND tỉnh có văn bản yêu cầu UBND tỉnh và các cơ quan có trách nhiệm trả lời về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri từ kỳ họp trước đến thời điểm hiện tại. Thường trực HĐND tỉnh giao trách nhiệm cho Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh chủ trì phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện, thành phố xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi Thường trực HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh theo quy định. Đồng thời yêu cầu tổ đại biểu theo dõi, tổng hợp nội dung trả lời và báo cáo kết quả thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri trên địa bàn để báo cáo với cử tri tại các cuộc tiếp xúc.
Sau khi nhận được báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri của các tổ đại biểu, Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp và xử lý theo quy định. Đối với những vấn đề nổi cộm, bức xúc, Thường trực HĐND tỉnh đưa ra chất vấn, làm rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục tại kỳ họp. Những hạn chế kéo dài, những khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời, Thường trực HĐND tỉnh trực tiếp hoặc yêu cầu các ban HĐND tỉnh giám sát để làm rõ và kiến nghị biện pháp xử lý phù hợp.
Với những giải pháp tích cực trên, ý thức trách nhiệm của đại biểu trong TXCT và giữ mối liên hệ với cử tri được đề cao hơn, các đại biểu HĐND tỉnh đã coi TXCT là ưu tiên hàng đầu trong việc sắp xếp kế hoạch công tác. Ngoài các cuộc TXCT trước và sau kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh chú trọng giữ mối liên hệ thường xuyên và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua các hoạt động khác, như: tiếp công dân, qua công tác và trong sinh hoạt thường nhật, từ đó tổng hợp và phản ánh những ý kiến của cử tri tại các phiên thảo luận của HĐND tỉnh.
Việc tổ chức TXCT chu đáo hơn, hiệu quả hơn có sự gắn kết chặt chẽ giữa Đoàn ĐBQH và HĐND các cấp. Việc tiếp thu, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri được thực hiện kịp thời, nghiêm túc, đầy đủ hơn. Cùng với trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri, các cơ quan có trách nhiệm còn báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị cử tri. Điều này thể hiện bước tiến mới trong việc nâng cao chất lượng TXCT.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng TXCT, bên cạnh các giải pháp nêu trên, các cơ quan có trách nhiệm nâng cao chất lượng báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị cử tri, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới trong việc chuẩn bị tài liệu phục vụ TXCT: phối hợp với UBND tỉnh chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh chuẩn bị các báo cáo tóm tắt để đại biểu báo cáo tại cuộc TXCT; chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm trả lời và báo cáo kết quả thực hiện ý kiến, kiến nghị cử tri phải có văn bản gửi Thường trực HĐND tỉnh, đồng thời tách riêng nội dung trả lời, nội dung báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị cử tri đối với từng huyện để gửi đến các tổ đại biểu HĐND tỉnh. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các đại biểu HĐND tỉnh tổng hợp, báo cáo tại các cuộc TXCT, giảm thời gian báo cáo của đại biểu, dành nhiều thời gian cho cử tri phát biểu.
Thường trực HĐND tiếp tục phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh yêu cầu các đại biểu HĐND tỉnh có văn bản báo cáo kết quả hoạt động hàng năm của mình gửi về Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh theo quy định; đồng thời có đề cương gợi ý và hướng dẫn cụ thể việc báo cáo kết quả hoạt động của cá nhân đại biểu HĐND tỉnh trong năm tại các cuộc TXCT cuối năm.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới, TXCT sẽ trở thành một kênh quan trọng để cử tri phản ánh ý kiến, tâm tư, nguyện vọng với các cấp chính quyền; bảo đảm các quyết sách của địa phương phù hợp với thực tế, nguyện vọng của nhân dân.