Động lực lớn cho cơ sở công nghiệp nông thôn
Trong quá trình 10 năm triển khai (2012 - 2022), 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên đều đánh giá, chính sách khuyến công đã tạo thêm niềm tin và động lực cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển.
Chia sẻ về những tác động tích cực kể từ khi triển khai hoạt động khuyến công, Sở Công thương Quảng Nam cho biết, số lượng các cơ sở công nghiệp nông thôn tăng đều qua các năm, số lao động công nghiệp nông thôn năm 2012 là 73.079 người, đến năm 2022 tăng lên 103.782 người (tăng thêm 30.703 người). Các cơ sở đã ứng dụng nhiều máy móc vào vận hành các khâu trong quá trình sản xuất, làm tăng giá trị sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng, thân thiện với môi trường, giúp các cơ sở tăng hiệu quả kinh doanh để duy trì và ổn định sản xuất.
Hàng năm, các địa phương đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề nhằm mục đích nâng cao tay nghề cho người lao động có tay nghề, đồng thời đào tạo mới người lao động để có đội ngũ kế cận cho ngành nghề.
Đặc biệt, đối mặt với những diễn biến bất lợi do dịch bệnh Covid-19, chính sách khuyến công đã kịp thời hỗ trợ cho các cơ sở ứng phó với những khó khăn, khôi phục sản xuất, đứng vững trên thị trường. Cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của chính sách khuyến công, nhiều doanh nghiệp, cơ sở đã đẩy mạnh tái cơ cấu, thay đổi mô hình, phát triển sản xuất kinh doanh để thích nghi với tình hình mới.
Theo Sở Công thương Bình Định, từ đầu năm 2023, tình hình thế giới và trong nước có nhiều thách thức nhưng sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn duy trì tăng trưởng; chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2023 của toàn tỉnh tăng 1,51% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chương trình khuyến công đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các địa bàn nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, thực hiện xây dựng mô hình nông thôn mới.
Năm 2023, trên địa bàn tỉnh Bình Định dự kiến thực hiện 39 đề án khuyến công với tổng vốn khuyến công hỗ trợ 5.810 triệu đồng. Có 32 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất với kinh phí hỗ trợ 5.143 triệu đồng, chiếm 88% tổng kinh phí. Dù còn nhiều khó khăn nhưng nhờ có chính sách khuyến công, các cơ sở vẫn quyết tâm đầu tư máy móc thiết bị và đưa vào hoạt động để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo ra các sản phẩm lợi thế của địa phương, có tính cạnh tranh cao hơn…
Cần thiết mở rộng đối tượng, phạm vi thụ hưởng
Có thể thấy, hoạt động khuyến công đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trong khu vực nhưng quá trình triển khai, các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn về nhiều mặt, đặc biệt là về chính sách.
Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình, sau hơn 10 năm ban hành, Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công có một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, như phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động, danh mục ngành, nghề được hưởng chính sách khuyến công, địa bàn, ngành nghề ưu tiên… Vì vậy, Cục Công thương địa phương cần có ý kiến để Bộ Công thương tham mưu Chính phủ sớm ban hành Nghị định mới.
Sở Công thương Quảng Nam cũng cho rằng, đối tượng và phạm vi hỗ trợ của Nghị định 45 cần mở rộng; nội dung hoạt động khuyến công cần phong phú, đa dạng hơn; ngành nghề được hỗ trợ cũng cần được mở rộng hơn để kích thích phát triển ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách toàn diện.
Ngoài ra, đội ngũ cán bộ khuyến công hiện còn quá mỏng và chưa có sự đào tạo, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn đáp ứng nhu cầu công việc. Trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Công thương cần có chính sách đào tạo cho cán bộ khuyến công chuyên nghiệp, nhất là đội ngũ ở cấp huyện, xã để phục vụ tốt nhất yêu cầu của chương trình khuyến công.