PGS.TS. Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng: Quyết định đúng và kịp thời
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận đề nghị của Chính phủ và đề xuất Quốc hội xem xét tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2023 theo tôi là quyết định đúng đắn và kịp thời.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, việc giảm thuế VAT nên được thực hiện nhất quán, đồng bộ trên tất cả loại hình sản phẩm, dịch vụ tới hết năm 2024, thay vì chỉ áp dụng trong 6 tháng và với một số ngành hàng. Như vậy, thời gian hỗ trợ sẽ đủ dài cho doanh nghiệp, tránh chính sách bị giật cục. Đồng thời, giúp giảm thiểu chi phí tuân thủ thuế của người nộp thuế, chi phí quản lý thuế của cơ quan thuế, cũng như tạo tác động lan tỏa rộng hơn đến nền kinh tế.
Nếu Quốc hội quyết định giảm 2% thuế VAT cho một số mặt hàng như đang áp dụng hiện nay, Chính phủ ước giảm thu 25.000 tỷ đồng. Dù vậy, lợi ích thu được từ chính sách này lớn hơn rất nhiều.
Với doanh nghiệp, giảm thuế giúp giảm giá thành sản xuất, kinh doanh cũng như củng cố sức cạnh tranh của sản phẩm và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Với người dân, chính sách này giúp họ tiết kiệm khoản không nhỏ trong chi tiêu, tạo tâm lý ổn định và tích cực, giúp kích cầu, tăng tiêu dùng trong cả năm 2024.
Để bù đắp các tác động đến thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật về thuế; đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng: Nên giảm 5% thuế VAT cho mọi mặt hàng, dịch vụ trong năm 2024
Những năm qua, chính sách giảm thuế VAT tác động rất tích cực tới nền kinh tế, đặc biệt là với người dân, doanh nghiệp. Do đó, trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự phục hồi, sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, việc Quốc hội tiếp tục xem xét giảm thuế VAT 2% là cần thiết.
Tác động tích cực của chính sách này là kích cầu tiêu dùng, giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa nhanh chóng, giảm lượng tồn kho, hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Ở chiều ngược lại, giảm thuế VAT 2% sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn. Vậy nhưng, ngân sách năm 2024 vẫn có thể tăng do quy mô nền kinh tế tăng lên nhờ các tín hiệu phục hồi, phát triển của doanh nghiệp và nhờ các động thái nuôi dưỡng nguồn thu trong trung và dài hạn - ví dụ như giảm thuế VAT.
Nếu chính sách này được triển khai đúng thời điểm sẽ giúp kích thích tăng trưởng kinh tế. Theo tôi, việc giảm thuế VAT nên tiếp tục cho đến cuối năm 2024 thay vì chỉ là 6 tháng và không chỉ giảm 2% (từ 10% xuống 8%) mà nên giảm sâu hơn xuống khoảng 5%.
Tôi đưa ra con số như vậy là bởi hiện tại mức cầu trong nền kinh tế rất thấp, người dân ít tiêu dùng, đã và đang ảnh hưởng đến các nhà sản xuất kinh doanh như ế hàng tồn kho, không có doanh thu... Thành ra, muốn kích cầu để người dân tiêu thụ nhiều hơn thì phải giảm thuế VAT không chỉ là 2% trong 6 tháng mà giảm 5% VAT cho cả năm 2024. Đồng thời, có lẽ nên xem xét mở rộng phạm vi giảm thuế VAT cho các hàng hóa dịch vụ, nhất là với các mặt hàng mà người tiêu dùng đang sử dụng cho nhu cầu hàng ngày, trừ hàng xa xỉ, mỹ phẩm hay rượu, bia...
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế: Giúp người dân bớt gánh nặng
Hiện, nền kinh tế thế giới đã dần hồi phục, lạm phát có suy giảm, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 sẽ tích cực hơn nhưng chưa nhiều. Để cải thiện đầu ra cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo lực cầu về hàng hóa, giúp doanh nghiệp tiêu thụ nhanh sản phẩm, rất cần những chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước. Vì vậy, việc xem xét tiếp tục giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 là rất hợp lý. Bên cạnh đó, chỉ nên giảm cho một số mặt hàng liên quan trực tiếp đến kích cầu cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực có tác động lan tỏa tốt cho nền kinh tế; còn những ngành có tác động chưa lớn thì xem xét chưa giảm.
Thực tế, giảm thuế VAT rất có lợi cho nền kinh tế và hưởng lợi trực tiếp là người tiêu dùng, giúp họ giảm bớt gánh nặng và được mua hàng hóa, dịch vụ với mức giá rẻ hơn. Doanh nghiệp được hưởng lợi cả đầu ra lẫn đầu vào, nguyên vật liệu, phụ kiện giảm đi, chi phí vốn cũng giảm, quá trình cải cách kinh doanh được đẩy lên; hàng hóa được đẩy nhanh ra thị trường. Còn về phía Chính phủ, khi hoạt động sản xuất kinh doanh được đẩy lên, đời sống người dân cải thiện, doanh nghiệp phát triển thì nguồn thu ngân sách sẽ ổn định và có thể gia tăng ngân sách từ việc thu thuế.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính hiệu quả của chính sách này, cần tiếp tục rà soát, đôn đốc và quyết liệt thu nợ đọng thuế; tăng cường công tác thanh, kiểm tra chống gian lận đối với các hoạt động kinh doanh có nhiều rủi ro...