Vẫn còn nhiều hồ sơ dự thảo nghị quyết gửi thẩm tra chậm
Phát huy vai trò, trách nhiệm, hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh Phú Yên thời gian qua tiếp tục có đổi mới, ngày càng thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu. Quy trình, trình tự và cách thức tổ chức thẩm tra có sự vận dụng linh hoạt, khoa học để phù hợp với tình hình thực tế. Nội dung thẩm tra trình bày những vấn đề cốt lõi, trọng tâm, những vấn đề mới phát sinh; phân tích, lý giải và đánh giá sát đúng thực trạng, nguyên nhân, phù hợp với thực tế, bảo đảm độ tin cậy và thuyết phục; thể hiện chính kiến, đề xuất, kiến nghị các giải pháp chủ yếu có tính đột phá, thiết thực phù hợp với tình hình thực tế. Các ý kiến nêu trong báo cáo thẩm tra được chọn lọc, là cơ sở gợi mở, có tính phản biện cao; chú trọng làm rõ những khả năng và điều kiện để triển khai thực hiện nghị quyết trong thực tiễn, giúp HĐND tỉnh có những quyết định đúng đắn, mang tính khả thi.
Tuy nhiên, một số cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh chưa thật sự chủ động trong thực hiện quy trình, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến việc tham mưu UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh đề nghị xây dựng nghị quyết thiếu nội dung hoặc chậm tiến độ theo quy định, phải đăng ký bổ sung nhiều nội dung so với chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất nội dung trình kỳ họp rất sớm (trước 50 ngày khai mạc kỳ họp), nhưng vẫn còn nhiều hồ sơ dự thảo nghị quyết gửi thẩm tra chậm, có những hồ sơ gửi đến trong ngày tổ chức họp thẩm tra hoặc sát ngày diễn ra kỳ họp, nên các ban không đủ thời gian nghiên cứu, tổ chức khảo sát, thu thập thông tin liên quan… Số lượng nghị quyết ban hành tại mỗi kỳ họp nhiều, trong khi thời gian nghiên cứu thẩm tra ngắn đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công tác thẩm tra.
Đa số thành viên các Ban của HĐND hoạt động kiêm nhiệm, giữ chức vụ lãnh đạo ở các cơ quan, địa phương, phần lớn ưu tiên tập trung công việc chuyên môn nên chưa dành thời gian thỏa đáng để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND theo quy định, đôi khi còn vắng dự họp thẩm tra. Đội ngũ chuyên viên giúp việc các Ban của HĐND tỉnh còn ít so với yêu cầu công việc, kiến thức thực tiễn lĩnh vực HĐND chưa nhiều và chưa được tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo lĩnh vực hoạt động của HĐND.
Khảo sát, gặp gỡ trực tiếp đối tượng thụ hưởng, chịu tác động
Nâng cao hiệu quả công tác thẩm tra, theo Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Phú Yên Phạm Ngọc Công, trước hết, các Ban của HĐND tỉnh phải tuân thủ trình tự, nội dung, các bước thẩm tra theo Quy định số 720-QĐ/TU ngày 10.11.2022 của Tỉnh ủy về việc chuẩn bị nội dung trình xin ý kiến cấp ủy; giúp Đảng đoàn HĐND tỉnh thẩm tra, cho ý kiến đối với các báo cáo, dự thảo nghị quyết do Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình xin ý kiến Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đây là một trong những điểm mới của nhiệm kỳ 2021 - 2026, kinh nghiệm hàng đầu bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.
Cùng với đó, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn HĐND, Thường trực HĐND tỉnh trong phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Ban của HĐND từ khi cho chủ trương xây dựng nghị quyết. Đây là cơ sở đầu tiên để các Ban chủ động thực hiện quy trình thẩm tra; cùng phối hợp với cơ quan soạn thảo tham gia ngay từ đầu trong các giai đoạn soạn thảo dự thảo nghị quyết; tổ chức khảo sát, nắm tình hình, thu thập, xử lý thông tin... nhằm tạo đồng thuận, thống nhất trong thẩm tra.
UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tuân thủ, thực hiện nghiêm quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan; thực hiện nghiêm quy trình soạn thảo ban hành nghị quyết và thời gian trình kỳ họp; hạn chế tình trạng bổ sung quá nhiều nghị quyết hoặc chậm trễ, thiếu hồ sơ theo quy định. Kiên quyết không xem xét cho ý kiến những nội dung trình không bảo đảm hồ sơ, thủ tục; quy định cụ thể thời gian giải quyết theo tính chất vấn đề (nội dung thật cấp bách, thời hạn trả lời, phản hồi) để bảo đảm việc bố trí đủ thời gian cần thiết cho nghiên cứu, đối chiếu hoặc tổ chức khảo sát, thẩm tra.
Để nâng cao chất lượng, phát huy vai trò phản biện trong hội nghị thẩm tra, các Ban HĐND nên tham gia ngay từ đầu quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết; tăng cường khảo sát, giám sát; gặp gỡ trực tiếp đối tượng thụ hưởng, chịu tác động trực tiếp để thu thập thêm thông tin, luận cứ từ thực tiễn; tiếp cận thông tin nhiều chiều có đối chiếu và kiểm chứng để phục vụ công tác thẩm tra. Ngoài ra, tổ chức các buổi hội thảo lấy ý kiến, phiên giải trình với các cơ quan liên quan. Báo cáo thẩm tra phải có điểm nhấn, tính phản biện cao (không rập khuôn, thay đổi số liệu), có chứng kiến cụ thể từng nội dung, đánh giá nhận định, kiến nghị phù hợp với quy định và tình hình thực tế - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Phú Yên Phạm Ngọc Công nhấn mạnh.