Thanh Hóa “tái cấu trúc” toàn diện bộ máy công quyền
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết 18), Thanh Hóa nằm trong tốp những địa phương thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thôn nhiều nhất cả nước và giảm được khối lượng lớn biên chế hưởng lương từ ngân sách. Kết quả này cùng với tinh thần quyết liệt, đoàn kết vì lợi ích quốc gia, dân tộc là nền tảng để Thanh Hóa tiếp tục thực hiện tốt cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy công quyền trong giai đoạn mới, hướng đến “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Bài 1: Giảm sự “cồng kềnh” của bộ máy
Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức rõ ý nghĩa đó, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18, tỉnh Thanh Hóa chủ động sắp xếp, thu gọn đầu mối ở các đơn vị hành chính, giảm sự “cồng kềnh” của bộ máy; giảm trên 3.000 cán bộ, công chức cấp xã và giảm trên 34.000 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố; bình quân tiết kiệm chi thường xuyên khoảng hơn 137 tỷ đồng.
Điểm sáng sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp thôn
Điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết số 18 của tỉnh Thanh Hóa là việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp thôn. Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh đã sáp nhập 143 xã để thành lập 67 xã, giảm 76 xã, giảm được 9.902 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã; sáp nhập 3.172 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.522 thôn, tổ dân phố, giảm 1.578 thôn, tổ dân phố, giảm 27.279 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Với con số ấn tượng này, Thanh Hóa là một trong những địa phương thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp thôn nhiều nhất cả nước, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cơ sở; giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, tạo nguồn lực cải cách tiền lương; phát huy tiềm năng, nội lực, hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội của các địa phương.
Đối với khối Đảng, đoàn thể, toàn tỉnh đã giảm 1 cơ quan (sáp nhập Đảng bộ khối Doanh nghiệp tỉnh vào Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh thành Đảng bộ Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh); giảm 16 phòng, ban; cơ quan Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh giảm 7 ban; giảm 2 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đoàn thể cấp tỉnh. Cùng với đó, tỉnh cũng thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Cụ thể, đã thực hiện Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; thực hiện đồng bộ ở tất cả 27 huyện, thị xã, thành ủy chức danh Trưởng Ban Dân vận huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp huyện và Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy kiêm Giám đốc Trung tâm chính trị cấp huyện.
Đối với khối chính quyền, toàn tỉnh đã giảm 5 ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; giảm 4 chi cục, 21 phòng thuộc sở, 9 phòng thuộc chi cục; giảm 241 đơn vị sự nghiệp công lập và 81 đầu mối trực thuộc đơn vị sự nghiệp của các đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Cụ thể, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giảm 155 đơn vị sự nghiệp công lập; lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giảm 19 đơn vị sự nghiệp công lập và 2 đầu mối sự nghiệp; lĩnh vực y tế giảm 4 đơn vị sự nghiệp công lập và giảm 27 đầu mối sự nghiệp; lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giảm 9 đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa cũng được gắn liền với tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW (giảm trên 10% biên chế cán bộ, công chức, viên chức). Theo đó, giai đoạn 2016 - 2021, số biên chế khối Đảng, đoàn thể tỉnh Thanh Hóa giảm 286 người, tỷ lệ tinh giản biên chế đạt 10,87%; khối chính quyền giảm 518 cán bộ, công chức, tỷ lệ tinh giản biên chế đạt 12,29%; viên chức giảm 6.843 người, tỷ lệ tinh giản biên chế đạt 11%. Giai đoạn 2022 - 2026, Thanh Hóa tiếp tục thực hiện đúng theo kế hoạch hằng năm, bảo đảm đến hết năm 2026 giảm 5% cán bộ, công chức, 10% viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Thành công từ sự đoàn kết, thống nhất
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 theo Nghị quyết số 939/NQ-UBTVQH15 ngày 13.12.2023 và Nghị quyết số 1238/NQ-UBTVQH15 ngày 24.10.2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, nhập huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hóa, giảm 1 huyện; sáp nhập 23 xã để thành lập 11 xã, giảm 12 xã. Sau khi sắp xếp, tỉnh Thanh Hóa có 26 đơn vị hành chính cấp huyện (22 huyện, 2 thị xã và 2 thành phố) và 547 đơn vị hành chính cấp xã.
Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là việc khó, phức tạp và nhạy cảm bởi liên quan đến quyền lợi của nhiều tổ chức và cá nhân. Từ thực tiễn triển khai, thực hiện công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn, tỉnh Thanh Hóa rút ra 4 bài học kinh nghiệm. Trong đó, nhấn mạnh phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt; làm tốt công tác tuyên truyền để thống nhất về nhận thức và hành động; giữ vững nguyên tắc và đề cao kỷ luật, kỷ cương, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới và phát triển.
Theo Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Thanh Hóa Lê Anh Xuân, Ban Thường vụ Thành ủy TP. Thanh Hóa xác định rõ đây là cuộc cách mạng, vì vậy đã tích cực tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là vì lợi ích phát triển của thành phố, của tỉnh, của đất nước. Trong quá trình triển khai, Ban Thường vụ Thành ủy TP. Thanh Hóa đã làm tốt công tác tư tưởng đối với những cán bộ thuộc diện sắp xếp nhận thức rõ và xác định “sự hy sinh” vì quyền lợi cá nhân để thực hiện nhiệm vụ được giao. Vì vậy, trong số cán bộ của TP. Thanh Hóa đã có đồng chí đang giữ chức Trưởng phòng đã làm đơn xin xuống làm Phó phòng.
Nói về thành quả trong công cuộc thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong 7 năm qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên khẳng định: "Nếu không có những bước đi vững chắc với lộ trình cụ thể, bài bản; không có sự đoàn kết, thống nhất từ trong tư tưởng đến hành động của từng cán bộ, Đảng viên thì rất khó để thực hiện trơn tru việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy”. Cũng theo ông Nguyên, Nghị quyết số 18 với quan điểm, mục tiêu rất rõ ràng và những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể chính là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai quyết liệt việc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế. Với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm cao nhất, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành quả lớn, góp phần làm thu gọn đầu mối, giảm sự “cồng kềnh” của bộ máy; giảm thủ tục rườm rà cho người dân và doanh nghiệp; giảm bớt gánh nặng chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Với những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Thanh Hóa đã từng bước đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Đây là tiền đề quan trọng để Thanh Hóa khẩn trương thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.