Không ngừng đổi mới để tham mưu, phục vụ HĐND
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Nguyên, từ năm 2016 đến nay, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Tiền Giang đã thực hiện 3 lần tách, nhập theo quy định và hướng dẫn của Trung ương. Vì vậy, việc sắp xếp nhân sự, kiện toàn bộ máy gặp một số khó khăn nhất định.
Bên cạnh đó, theo Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn có liên quan thì yêu cầu công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh ngày càng nhiều. Hiệu quả hoạt động của HĐND có phần đóng góp không nhỏ của bộ máy tham mưu giúp việc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Do đó, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh phải không ngừng đổi mới về phương thức và nội dung trong công tác tham mưu, phục vụ để tham mưu, phục vụ HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang khẳng định, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng Đoàn, Thường trực HĐND, Lãnh đạo Văn phòng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ các hoạt động của Hội đồng nhân dân nên Văn phòng đã từng bước khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong công tác tham mưu và phục vụ.
Thay mặt Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang, Phó Chủ tịch HĐND Thanh Nguyên chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của HĐND trong thời gian qua của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Tiền Giang như:
Một là, đối với công tác tham mưu trong việc chuẩn bị và tổ chức Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh.
Văn phòng luôn chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tốt nội dung, chương trình các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, đảm bảo hiệu quả, đúng quy định; tăng cường, thường xuyên đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong việc chuẩn bị các tài liệu, báo cáo, tờ trình trình Hội đồng nhân dân tỉnh, đảm bảo đủ thời gian để đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nghiên cứu, tham gia ý kiến; kịp thời tham mưu Thường trực Hội đồng nhân dân điều hoà, phối hợp hoạt động giữa các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh trong thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình tại các kỳ họp.
Đối với các phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp, Văn phòng tham mưu Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết chất vấn đối với các nhóm vấn đề quan trọng, còn bất cập, được đông đảo đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, cử tri cũng như dư luận xã hội quan tâm.
Hai là, đối với hoạt động giám sát chuyên đề, khảo sát và giám sát thường xuyên của HĐND, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh, Văn phòng phải chủ động tham mưu thực hiện tốt từ khâu xây dựng kế hoạch, đề cương, lựa chọn hình thức, phương thức giám sát phải phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương và đơn vị được giám sát. Khi xây dựng báo cáo kết quả giám sát, khảo sát phải đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, các kiến nghị phải đúng quy định và phù hợp với thực tế. Kết quả giám sát, khảo sát phải được gửi đến các chủ thể bị giám sát để tiếp thu, điều chỉnh. Bên cạnh đó, Văn phòng phải thực hiện tốt công tác tham mưu theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các kiến nghị, kết luận của HĐND, Thường trực, các ban HĐND tỉnh.
Ba là, về hoạt động tiếp xúc cử tri, Văn phòng tham mưu Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức tiếp xúc cử tri một cách hợp lý và phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của từng đơn vị. Tài liệu liên quan đến việc tiếp xúc cử tri phải được chuẩn bị chu đáo và kịp thời gửi đến đại biểu. Tại các điểm tiếp xúc cử tri nên mời đại diện lãnh đạo địa phương tham dự để trả lời trực tiếp các nội dung liên quan mà cử tri quan tâm; kịp thời tổng hợp, phân loại các ý kiến, kiến nghị và tham mưu chuyển tới các cấp, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết; thông báo rộng rãi lịch tiếp xúc cử tri của tất cả các Tổ đại biểu để cử tri biết và tham dự. Bên cạnh đó, Văn phòng phải theo dõi, rà soát việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri để tham mưu cho Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh công tác thẩm tra, giám sát kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri.
Bốn là, về hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, Văn phòng đã tham mưu duy trì lịch tiếp công dân của Chủ tịch HĐND tỉnh; làm tốt công tác tiếp nhận, chuyển, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Mặc dù, Văn phòng chưa thành lập Phòng Thông tin - Dân nguyện nhưng lãnh đạo Văn phòng đã chỉ đạo các chuyên viên Phòng Công tác Hội đồng nhân dân và Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị tập trung tham mưu tốt các nội dung liên quan đến công tác thông tin, dân nguyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà lãnh đạo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh giao một cách tốt nhất.
Sửa luật theo hướng Chánh Văn phòng HĐND tỉnh là đại biểu HĐND
Từ những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang trao đổi một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượngtham mưu, giúp việc, phục vụ HĐND tỉnh của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh như:
Thứ nhất, phải thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Chi ủy cơ quan Văn phòng, sự phối hợp của các Ban HĐND tỉnh để làm tốt công tác tham mưu, giúp việc và tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng.
Thứ hai, Văn phòng cần chủ động tham mưu ban hành Chương trình làm việc của Thường trực và các Ban Hội đồng nhân dân ngay từ đầu năm. Trong đó, chương trình làm việc cần cụ thể các nội dung của từng tháng, quý, mốc thời gian hoàn thành của từng việc cụ thể. Từ đó, Văn phòng sẽ tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện từng nội dung được chi tiết và đảm bảo chất lượng, đầy đủ nội dung và đúng tiến độ.
Thứ ba, tăng cường công tác phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành có liên quan trong quá trình tham mưu, giúp việc và phục vụ các hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; sự phối hợp giữa chuyên viên các lĩnh vực, các phòng của Văn phòng và giữa Văn phòng với các cơ quan liên quan (đặc biệt là Văn phòng UBND tỉnh) để việc tham mưu, phục vụ các hoạt động của Hội đồng nhân dân đảm bảo tính kịp thời, chính xác, hiệu quả.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới lề lối làm việc từ lãnh đạo Văn phòng đến các phòng, đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả công việc; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giải quyết công việc; từng bước hiện đại hóa Văn phòng đảm bảo tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong toàn bộ các quy trình, quy định hoạt động.
Thường trực, các Ban, lãnh đạo Văn phòng tạo điều kiện cho đội ngũ chuyên viên tham dự các cuộc họp để nắm bắt thông tin, kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để công tác tham mưu ngày càng tốt hơn.
Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức Văn phòng. Định kỳ hàng năm tổ chức cho Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đi học tập, trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh bạn, nhằm bổ sung kiến thức, kinh nghiệm trong công tác tham mưu phục vụ.
Bên cạnh những giải pháp nêu trên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét:
- Sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, là thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh vì theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019 quy định: “Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, hai Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân”. Theo quy định này, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh không nhất thiết là đại biểu và thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, do vậy khi tham dự cuộc họp Thường trực, Chánh Văn phòng tham gia với tư cách là tham mưu, phục vụ, không phải tham gia với tư cách là thành viên để trao đổi cho ý kiến những vấn đề liên quan đến hoạt động của HĐND.
- Ban Công tác đại biểu thường xuyên có tổ chức các Hội nghị, lớp tập huấn bồi dưỡng cho Văn phòng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động tham mưu, giúp việc đối với Hội đồng nhân dân.