Tham dự cuộc làm việc có: đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam…
Báo cáo đánh giá bổ sung việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, về kết quả thực hiện một số chỉ tiêu theo Nghị quyết số 32/2021/QH15 của Quốc hội, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 2,79%, đạt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, đạt mục tiêu đề ra; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ là 26,2%, không đạt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,17% so với cuối năm 2021, đạt mục tiêu đề ra.
Về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023, đánh giá sơ bộ, theo kết quả điều tra lao động - việc làm của Tổng cục Thống kê, tính chung 3 tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị là 2,93%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 67,2%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ là 26,4%. Tình hình lao động, việc làm quý I.2023 tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.
Về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2022 là 4,03%, giảm 1,17%, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, giảm 1,1% so với năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm từ 5-6%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Về thực hiện ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội, Bộ cũng cho biết, tổng kinh phí quyết toán trong năm 2021 là 32.306,8 tỷ đồng, bằng 93,41% dự toán giao trong năm; kinh phí giảm trong năm là 964,5 tỷ đồng. Chi thường xuyên năm 2022, tổng kinh phí ước thực hiện là 32.213,6 tỷ đồng, đạt 93,7% dự toán giao trong năm. Tổng mức vốn đầu tư công của Bộ đã phân bổ là 666,2 tỷ đồng.
Dự toán ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2023, Bộ Tài chính thống nhất phân bổ 291.824 triệu đồng để chi trả hoạt động thường xuyên, kinh phí thực hiện chính sách, chế độ cho đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở điều dưỡng người có công với cách mạng và một số nội dung khác.
Tại cuộc làm việc, Thường trực Ủy ban Xã hội đánh giá cao Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, các nội dung, số liệu, dẫn chứng cơ bản đầy đủ, chi tiết. Các đại biểu cũng cho rằng, nhìn chung trong bức tranh kinh tế - xã hội năm 2022, Bộ đã cơ bản đạt các mục tiêu đề ra. Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 có sự phát triển tương đối ổn định, tuy nhiên có ý kiến đề nghị, cần so sánh thêm tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và 2023 với thời điểm trước đại dịch Covid-19.
Về thị trường lao động tuy tăng trưởng và phục hồi nhưng có dấu hiệu chậm lại, số người có việc làm tại những địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang giảm, Thường trực Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, đây là vấn đề cần hết sức quan tâm. Liên quan đến chỉ tiêu lao động thất nghiệp ở đô thị quý I.2023 cũng cần đánh giá rõ hơn tình hình thực tế lần đầu tiên trong các quý I từ trước tới nay số doanh nghiệp đóng cửa, rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Bên cạnh đó, cần đánh giá thực chất hơn về kết quả cai nghiện ma túy…
Kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là thông tin quan trọng chuẩn bị cho Phiên họp toàn thể của Ủy ban Xã hội và Kỳ họp thứ Năm tới đây.