Theo báo cáo, đến tháng 8.2023, cả nước có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 397 trường cao đẳng, 431 trường trung cấp và 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên; tỷ lệ cơ sở giáo dục ngoài công lập là 36,58%.
Trong 8 tháng năm 2023, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tích cực đầy mạnh tiến độ triển khai các nhiệm vụ được giao; hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động, linh hoạt trong công tác tuyển sinh, đẩy mạnh truyền thông, hướng nghiệp, phân luồng, liên thông và tổ chức đào tạo; xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động chuyên môn. Kết quả trong 6 tháng đầu năm ước tuyển sinh đạt 41,46% kế hoạch năm; bằng 103,26% cùng kỳ năm 2022.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã tập trung triển khai các tiểu dự án về phát triển giáo dục nghề nghiệp ở vùng khó khăn, khu vực nông thôn, miền núi… thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.
Tuy vậy, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cũng còn một số bất cập, hạn chế. Công tác phối hợp quản lý giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, vướng mắc. Bộ máy tham mưu thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp chưa thống nhất về cơ cấu tổ chức; đội ngũ cán bộ chuyên trách vừa thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động liên kết đào tạo ở một số ngành nghề, lĩnh vực còn hạn chế.
Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phân tán, chồng chéo trong quản lý, trùng lặp về ngành, nghề đào tạo. Tình trạng dồn, ghép, sáp nhập cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng hành chính, cơ học vẫn diễn ra ở các địa phương. Việc triển khai mô hình trung tâm quốc gia tại 3 miền; công tác tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng gặp nhiều khó khăn. Công tác tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng học sinh theo học các trình độ giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự hiệu quả. Cơ sở dữ liệu, thông tin dự báo về xu thế của thị trường lao động và nhu cầu nhân lực các trình độ giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế.
Việc liên kết, phối hợp trong giảng dạy các môn văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông cho học sinh trường nghề còn vướng mắc. Nguồn lực hỗ trợ đầu tư cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm thiếu các chương trình, dự án đầu tư riêng. Việc triển khai các nội dung thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm tiến độ.
Về tài chính, ngân sách, việc giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch; việc phân bổ, giao dự toán, giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đối với giáo dục nghề nghiệp chưa thực hiện được…
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị Quốc hội ưu tiên phân bổ ngân sách cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhất là phát triển giáo dục nghề nghiệp ở nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Chính phủ ưu tiên bố trí kinh phí cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo và các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm đẩy mạnh đào tạo nghề chất lượng cao và đào tạo lao động tại các khu vực khó khăn. Các bộ, ngành cần ưu tiên, coi giáo dục nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, từ đó hành động góp phần bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm…
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cơ bản đồng tình với những đánh giá đối với tình hình, kết quả, tồn tại, hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp năm 2023; đồng thời thống nhất cao với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2024; ghi nhận các kiến nghị của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, trao đổi tại phiên làm việc với các cơ quan liên quan.
Để giáo dục nghề nghiệp đạt kết quả cao hơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu, tập trung nâng cao năng lực, chất lượng hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh triển khai các chương trình dự án, đề án, quy hoạch, kế hoạch đề ra; sắp xếp mạng lưới theo hướng mở, linh hoạt; tham mưu xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia tích cực vào giáo dục nghề nghiệp.
Tăng cường hợp tác quốc tế, công tác dự báo, định hướng, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu đào tạo của giáo dục nghề nghiệp; rà soát cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, khắc phục bất cập trước mắt, nhằm thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp...