Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì Hội nghị.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội Khóa XIII, Kỳ họp thứ Ba thông qua ngày 21.6.2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2013 đến nay. Qua hơn 10 năm triển khai thi hành Luật đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, 60% lượng nước được hình thành ở bên ngoài lãnh thổ, chất lượng tài nguyên nước suy giảm đặt ra nhiều thách thức lớn. Nhiều chủ trương mới về quản lý tài nguyên và yêu cầu thực tiễn về bảo vệ, phục hồi để bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Thực tế đó đòi hỏi pháp luật về tài nguyên nước và một số Luật liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước cần thiết phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất, toàn diện.
Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa quan điểm, định hướng mới của Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu đã nêu trong Nghị quyết số 24-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thể chế các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sộng Cửu Long, vùng Tây nguyên, vùng đồng bằng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước…
Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát kỹ về các quy định trong một số điều khoản như: Lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong khai thác sử dụng nước tại Điều 8; quy định về cấm lấp sông, suối, kênh rạch tại Điều 12; quy định tại khoản 3 Điều 27 về các hoạt động hành lang bảo vệ nguồn nước khó khả thi.
Về phạm vi điều chỉnh, nhiều ý kiến tán thành với dự thảo Luật để quản lý toàn diện các hoạt động liên quan đến tài nguyên nước và thúc đẩy nâng cao nhận thức “nước” là tài nguyên, hữu hạn, cần phải quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng hiệu quả.
Về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra (Điều 5), các đại biểu cơ bản nhất trí với các nội dung về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát thể hiện sắc nét hơn quan điểm quản lý tổng thể, thống nhất tài nguyên nước, thuận theo tự nhiên nhưng có kiểm soát (theo lưu vực sông, theo trữ lượng, số lượng nước, có điều hòa, phân phối); phân định rõ trách nhiệm quản lý tài nguyên nước chung với quản lý công trình khai thác, sử dụng nước của các bộ chuyên ngành; quan điểm quản trị tài nguyên nước theo hệ thống, phát triển kinh tế nước, xã hội hóa ngành nước; phát triển, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra;…
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ, các ý kiến, đề xuất của đại biểu đều rất tâm huyết, sâu sắc và bao quát các nội dung, vấn đề của dự án Luật, cho thấy có sự tích hợp giữa Luật Tài nguyên nước với các điều luật liên quan.
Để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi cao của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, Thường trực Ủy ban và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến, đề xuất, sự đóng góp của các đại biểu. Trên cơ sở các Hội thảo, Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được tổ chức, Thường trực Ủy ban và các bộ, ngành liên quan tiếp tục bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật này để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.