Giám sát là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, đồng thời là chức năng quan trọng của HĐND các cấp. Hiệu quả của giám sát là các kiến nghị, kết luận sau giám sát được thực thi, triển khai vào cuộc sống. Thông qua việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND, giúp các đơn vị chịu sự giám sát có điều kiện xem xét kết quả thực hiện nhiệm vụ của mình, thấy rõ những mặt tích cực cần phát huy, những thiếu sót cần khắc phục, từ đó có các giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn, góp phần tích cực trong việc quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước ở địa phương.
Là tỉnh có dân số đông, diện tích lớn, nhiều đơn vị hành chính, số lượng biên chế sự nghiệp giáo dục của tỉnh Thanh Hóa vì thế cũng khá cao so các tỉnh trong khu vực. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này đối với sự phát triển KT - XH của tỉnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành giám sát việc thực hiện kế hoạch biên chế sự nghiệp giáo dục trên địa bàn giai đoạn 2009 - 2011.
Qua giám sát, bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện một số hạn chế, bất cập trong công tác quản lý biên chế sự nghiệp, như: hàng năm, việc giao biên chế sự nghiệp giáo dục chưa quan tâm đúng mức đến đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị, do đó chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; việc giao kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục (số học sinh, số lớp) hàng năm của tỉnh đối với cấp tiểu học, THCS có sự chênh lệch so với báo cáo của huyện, thị, thành phố; một số huyện, thị, thành phố giao chỉ tiêu biên chế cho các trường chậm; một số huyện không còn chỉ tiêu biên chế vẫn tuyển dụng, việc tuyển dụng có nơi không căn cứ điều kiện, tiêu chuẩn hoặc tuyển dụng khép kín trong số lao động hợp đồng đã ký; một số huyện thừa giáo viên vẫn tiếp nhận biên chế từ nơi khác chuyển đến; việc điều động, luân chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu ở hầu hết các huyện, thị, thành phố còn lúng túng, chưa hiệu quả. Tình trạng thừa giáo viên ở những trường có điều kiện thuận lợi và thiếu giáo viên ở những trường khó khăn còn phổ biến.
Từ những hạn chế, bất cập trên, Thường trực HĐND tỉnh đã yêu cầu UBND tỉnh: rà soát hiện trạng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính ở các trường tiểu học, THCS trên phạm vi toàn tỉnh, có biện pháp giải quyết kịp thời tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên; chấn chỉnh những thiếu sót trong việc xây dựng và giao kế hoạch phát triển, giao biên chế sự nghiệp giáo dục hàng năm; trên cơ sở kết quả giám sát của HĐND tỉnh, UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, thanh tra việc tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, thuyên chuyển, hợp đồng giáo viên, nhân viên hành chính ngành giáo dục từ năm 2009 đến năm 2011. Xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm.
Để những yêu cầu được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh theo dõi, cập nhật kết quả giải quyết các kiến nghị giám sát; kịp thời tham mưu nhiều văn bản gửi UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở GD - ĐT, UBND các huyện, thị, thành phố đề nghị báo cáo kết quả thực hiện các nội dung nêu trên; đồng thời phối hợp với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát, tái giám sát tại một số sở, ngành, địa phương về việc thực hiện quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục; bố trí số học sinh/lớp; sắp xếp cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các nhà trường.
Việc đôn đốc thực hiện kiến nghị sau giám sát về lĩnh vực biên chế sự nghiệp giáo dục đã đem lại những kết quả tích cực. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ số lượng biên chế, số hợp đồng tại các cơ sở giáo dục, như: Quyết định số 1678/QĐ-UBND ngày 5.6.2012 về việc ban hành quy định mức bình quân học sinh/lớp học và định mức biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính các trường mầm non công lập; Công văn số 9637/UBND-VX ngày 28.12.2012 về việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cấp tiểu học. Với mục tiêu từng bước giải quyết yêu cầu quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống, quy mô trường, lớp, giải quyết các nhu cầu biên chế đối với giáo viên, nhân viên các ngành học, cấp học, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3456/QĐ-UBND ngày 20.10.2011 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020...
Về việc thực hiện biên chế sự nghiệp giáo dục trong từng năm học, UBND tỉnh chỉ cho phép các địa phương tuyển dụng cán bộ, giáo viên sau khi đã điều động, thuyên chuyển, tiếp nhận cán bộ, giáo viên trên địa bàn mà huyện vẫn còn thiếu so với chỉ tiêu biên chế được giao. Giáo viên THCS dôi dư trên địa bàn huyện, thị, thành phố được điều chuyển xuống dạy tiểu học hoặc làm nhân viên hành chính, một số được điều sang công tác tại Trung tâm học tập cộng đồng của xã, phường, thị trấn; đã từng bước khắc phục tình trạng thừa giáo viên ở vùng thuận lợi, thiếu giáo viên ở vùng khó khăn.
Kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát về tình hình thực hiện biên chế sự nghiệp giáo dục rất đáng ghi nhận, song qua công tác đôn đốc, theo dõi sau giám sát thấy còn một số hạn chế, như: do cơ cấu giáo viên còn bất cập nên tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ tại các địa phương vẫn còn diễn ra; việc một số quy định của Trung ương về dạy học 2 buổi/ngày, dạy học ngoại ngữ ở bậc tiểu học chưa phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh. Nguyên nhân chủ quan do công tác quy hoạch phát triển giáo dục tại các địa phương chưa được quan tâm đúng mức, một số địa phương chưa thực hiện theo quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục của tỉnh. Bên cạnh đó, quy định của UBND tỉnh về sĩ số học sinh/lớp có điểm chưa thống nhất với quy định tại Điều lệ trường học; thời điểm giao chỉ tiêu biên chế sự nghiệp giáo dục không phù hợp với Kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục cũng những yếu tố tác động đến việc bố trí biên chế giáo dục.
Trong việc giao biên chế sự nghiệp giáo dục, vấn đề các địa phương (tập trung nhiều ở các huyện miền núi) rất quan tâm là bất hợp lý giữa biên chế được giao và biên chế đang thực hiện, hoặc số biên chế cần có. Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa tính biên chế sự nghiệp giáo dục theo tổng số học sinh tại mỗi địa phương. Tuy nhiên, các huyện miền núi có nhiều điểm trường, lớp ghép, tỷ lệ học sinh/lớp thấp hơn nhiều so với quy định của tỉnh thì cách tính biên chế như trên không phù hợp.
Từ những hạn chế, bất cập nêu trên, Thường trực HĐND đã thống nhất với UBND tỉnh giao biên chế sự nghiệp giáo dục năm học cho các địa phương tại kỳ họp giữa năm của HĐND tỉnh; đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan xây dựng biên chế sự nghiệp giáo dục với các huyện, thị, thành phố, cụ thể đến từng trường; rà soát các văn bản của tỉnh về định mức giáo viên/lớp; học sinh/lớp ở các bậc học từ mầm non đến phổ thông; kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập để kiến nghị bổ sung, sửa đổi, phù hợp với các quy định của Trung ương và điều kiện thực tế của tỉnh; tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục và kiên quyết xử lý hoặc đề xuất xử lý thủ trưởng các đơn vị thực hiện không đúng các qui định của Chính phủ và của tỉnh về quản lý, sử dụng biên chế.
Những kiến nghị của Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa đã được UBND tỉnh, Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan tiếp thu nghiêm túc và đang chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện.
Từ hiệu quả bước đầu của việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị sau giám sát về biên chế sự nghiệp giáo dục, chúng tôi rút ra một số bài học sau:
Một là, phải xem hoạt động theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát là nội dung quan trọng trong quá trình giám sát. Thường trực HĐND tỉnh thực hiện điều hòa, phối hợp với các ban HĐND thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị, địa phương được giám sát và các cơ quan liên quan thực hiện kiến nghị giám sát nghiêm túc, kịp thời.
Hai là, việc đôn đốc, theo dõi thực hiện các kiến nghị sau giám sát nên kết hợp nhiều hình thức, như: ban hành văn bản nhắc nhở; làm việc trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền; thông qua hội nghị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; tiếp tục đưa ra kiến nghị giải quyết tại báo cáo thẩm tra của ban HĐND.
Ba là, cần coi trọng công tác khảo sát tại các địa phương, đơn vị. Trên thực tế, hoạt động này không mất quá nhiều thời gian cũng như các điều kiện cần thiết khác song lại có khả năng tìm hiểu sâu về các vấn đề tại cơ sở; phát hiện và kiến nghị nhiều nội dung quan trọng.
Bốn là, khi phát hiện những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện kiến nghị sau giám sát, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục đề xuất, kiến nghị các cơ quan nhà nước tổ chức thực hiện, đồng thời gợi mở các giải pháp để thúc đẩy giải quyết công việc.
Năm là, phải xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý về biên chế sự nghiệp giáo dục. Hơn ai hết họ chính là người biết số lượng, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị mình quản lý. Cần có hình thức xử lý thỏa đáng đối với những người để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực này.
Kinh nghiệm bước đầu về việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị sau giám sát về biên chế sự nghiệp giáo dục của Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự góp ý để hoạt động theo dõi, đôn đốc các kiến nghị sau giám sát của HĐND ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần đắc lực vào quá trình phát triển KT - XH ở địa phương.