Chiều 6.12, sau hai ngày làm việc, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII đã bế mạc.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe các Ủy viên Bộ Chính trị: Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - những người trực tiếp tham gia chỉ đạo, xây dựng các Nghị quyết, Kết luận, lần lượt giới thiệu và quán triệt nội dung các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII.
Khuyến khích cán bộ từ chức nếu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và khi có sai phạm
Trong kết luận Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định, các cán bộ, đảng viên tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội và các điểm cầu trên cả nước đầy đủ với tinh thần, trách nhiệm cao.
Tại Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có hai bài phát biểu rất quan trọng khai mạc và bế mạc Hội nghị. Thường trực Ban Bí thư đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nghiên cứu kỹ hai bài phát biểu quan trọng này để làm định hướng cho việc tiếp tục tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện các nội dung của Hội nghị Trung ương 6.
Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, nội dung 3 Nghị quyết và Kết luận mà Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII thông qua là rất hệ trọng, tiếp tục cụ thể hóa chủ trương lớn, nhất quán của Đảng được xác định trong Cương lĩnh và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...). Các báo cáo viên đã giới thiệu rất đầy đủ và vào sâu sắc.
Thường trực Ban Bí thư lưu ý thêm một số điểm mang tính tư tưởng chỉ đạo, có giá trị cao trong 2 Nghị quyết: "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới"; và "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới".
Theo đó, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị là rất hệ trọng, nên trong quá trình tiến hành phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao, đồng thời phải cẩn trọng, có bước đi vững chắc. Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết đổi mới, kiên quyết thực hiện; những vấn đề cần thiết nhưng chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm; những chủ trương đã thực hiện, nhưng không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời.
Trong quá trình này, không nóng vội nhưng cũng không bỏ qua hoặc để chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển; đồng thời, kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả, kinh nghiệm tốt đã được thực tiễn chứng minh là đúng. Ở mỗi cấp, mỗi lĩnh vực phải vừa quán triệt các nguyên tắc chung, vừa phải phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo của từng cấp, từng lĩnh vực, tổ chức, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong bộ máy Nhà nước; "khắc phục cho được tình trạng cấp dưới đi hỏi cấp trên những vấn đề thuộc về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, hoặc cấp trên trả lời chung chung khi có vướng mắc".
Nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu; giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn. Mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng.
Trong công tác cán bộ, Nghị quyết một lần nữa khẳng định quyết tâm cao xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín...; đề cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; nhấn mạnh phương châm “có vào có ra, có lên có xuống”. Đồng thời, khuyến khích cán bộ từ chức nếu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, khi có sai phạm; kịp thời bố trí lại cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ.
“Bác Hồ đã từng nói chọn người và thay người cũng là một vấn đề quan trọng trong lãnh đạo. Chúng ta phải kiên quyết khắc phục hạn chế, yếu kém, hình thức trong đánh giá cán bộ". Nhấn mạnh điều này, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, "đây là vấn đề mang tính thời sự rất cao, nhưng cũng là vấn đề cơ bản lâu dài trong đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đều phải có con người”.
Thường trực Ban Bí thư cũng chỉ rõ “ai ai cũng nói tới tâm lý sợ trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên, đôi khi vì sự an toàn của mình mà đẩy khó khăn ra ngoài, đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, ngay cả trách nhiệm tham mưu không cao. Cho nên, lần này phải sửa, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân trong bộ máy Nhà nước, để việc "quan ăn, quan làm" không thể chối được”. Bên cạnh đó, phải xác định trách nhiệm tham mưu của cán bộ, trách nhiệm ngay từ khâu dự thảo, nhất là các văn bản chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật.
Học tập, quán triệt thường xuyên, toàn diện, xuyên suốt nhiệm kỳ
Thường trực Ban Bí thư đề nghị, sau Hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung tiến hành ngay một số nhiệm vụ sau:
Đó là tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết Trung ương 6 với nhiều hình thức phù hợp; giúp cho các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, thấm nhuần nội dung các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 6.
Việc học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 6 phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, xuyên suốt nhiệm kỳ; đồng thời với việc tuyên truyền, giới thiệu mô hình, điển hình hay trong quá trình thực hiện, kịp thời phê bình các tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt. Chú trọng công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, định hướng dư luận xã hội.
Đặc biệt, phải quan tâm, đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả thực sự. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là các đảng đoàn, ban cán sự đảng khẩn trương nghiên cứu, cụ thể hóa nội dung các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 6, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị thành chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể, có sự phân công, phân nhiệm, lộ trình thực hiện rõ ràng, khả thi, hiệu quả, với phương châm: “chủ trương 1, biện pháp 10, hành động 20”. Khắc phục tình trạng Nghị quyết thì rất hay, nhưng thực hiện thì rất gay, vài năm sau xem lại vẫn còn nguyên giá trị.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, Kết luận ở các cấp. Các ban tham mưu của Đảng phải nắm chắc và kịp thời thông tin, báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết, Kết luận ở các cấp theo từng quý, năm. Kịp thời biểu dương, khen thưởng làm các tập thể, cá nhân thực hiện tốt; nhắc nhở, phê bình, xử lý nghiêm các đi tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả.
Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết hôm nay mới giữ chỉ là bước đầu. Khẳng định điều này, Thường trực Ban Bí thư mong muốn, cán bộ, lãnh đạo, đảng viên phải tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hơn, bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện đạt kết quả cao, hiệu quả thực sự; kịp thời giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra, phù hợp với điều kiện của các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Với quyết tâm của toàn Đảng và hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân, Thường trực Ban Bí thư tin tưởng các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 6 lần này sẽ sớm đi vào cuộc sống, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.