Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2 tăng 3,56% so với tháng 1 và tăng 6,02% so với tháng 12 năm 2007. Nếu so sánh chỉ số này với mức CPI cùng kỳ năm 2007 thì sự chênh lệch lên tới 14,89%. Như vậy, CPI đã tăng đột biến. Về vấn đề này, theo Chủ nghiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nguyên nhân khách quan dẫn đến chỉ số CPI tăng mạnh là do nền kinh tế chịu ảnh hưởng từ xu hướng tăng giá trong Tết nguyên đán và giá cả trên thị trường thế giới tăng liên tiếp. Điều này khó tránh khỏi do nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng, gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế toàn cầu, mỗi biến động của nền kinh tế thế giới đều ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta. Nguyên nhân chủ quan là do công tác điều hành chính sách tiền tệ còn chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với sự biến động của nền kinh tế thế giới.
Điều hành chính sách tiền tệ chưa hiệu quả được xác định là một trong những nguyên nhân chính khiến chỉ số CPI tăng cao gồm lạm phát tiền tệ, lạm phát cầu kéo và lạm phát chi phí. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, đầu năm 2008, Chính phủ đã điều hành chặt chẽ, linh hoạt hơn chính sách tiền tệ nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Do vậy, trong thời gian tới, Chính phủ cần điều hành kiên quyết, nhịp nhàng và hiệu quả hơn. Các cơ quan chức năng sẽ thực hiện kiểm soát tổng phương tiện thanh toán, kiểm soát dư nợ tín dụng. Trước mắt, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước được giao phối hợp để xem xét đưa ra các chính sách thắt chặt tiền tệ phù hợp, tránh đưa nhiều biện pháp trong cùng một thời điểm gây ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư.
Các biện pháp giảm lạm phát cũng được đưa ra như thắt chặt chi tiêu của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ đầu tư công, đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước và giảm mạnh chi phí hành chính trong các cơ quan nhà nước... Đây là những biện pháp nhằm hạn chế tác động do tăng chi tiêu của Nhà nước, người dân (lạm phát cầu kéo) đến chỉ số CPI trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Đức Sinh cho biết, hiện Chính phủ đang tiến hành rà soát, chấn chỉnh hoạt động các doanh nghiệp Nhà nước, chi tiêu của các cơ quan hành pháp nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cũng sẽ được xem xét để điều chuyển từ những dự án hiệu quả thấp sang những dự án hiệu quả cao góp phần tăng tốc độ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
Những ảnh hưởng của thị trường thế giới khó tránh khỏi bởi nước ta đã hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, chỉ số CPI tăng cao hay lạm phát sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, giảm số việc làm trong trung và dài hạn. Và như thế không thể chỉ đưa ra các biện pháp cải cách phương pháp điều hành chính sách tiền tệ mà còn cần chú ý đến các giải pháp để chống lạm phát cầu kéo, lạm phát chi phí và minh bạch hóa môi trường cạnh tranh.
Phương Thủy