Mong muốn có thêm kênh tiêu thụ sản phẩm
Việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”.
Theo báo cáo của Sở NN - PTNT Hà Nội, tính đến nay, toàn thành phố có 141 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, các địa phương có nhiều mô hình liên kết như: Ứng Hòa có 24 mô hình, Gia Lâm 22 mô hình, Đông Anh có 14 mô hình... Các mô hình liên kết hiện nay đã mang lại chuyển biến tích cực giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, bước đầu tạo nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, bảo đảm cho nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định. Bên cạnh đó, các mô hình này đã làm giảm chi phí đầu vào, sản phẩm có chất lượng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và làm tăng giá trị, lợi nhuận trong sản xuất.
Mặc dù có những thành công bước đầu, song nhiều nông hộ, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố vẫn còn băn khoăn, lo lắng vì đầu ra nông sản hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Gia đình anh Nguyễn Văn Lối ở xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn) đang nuôi 30.000 con gà sao thương phẩm kết hợp cung ứng giống cho thị trường. Mặc dù chất lượng gà sao ngon, thịt thơm thuộc loại đặc sản và chăn nuôi hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ, nhưng hiện anh vẫn chỉ bán được cho thương lái với giá 160.000 đồng/con (mỗi con 1,6 - 1,8kg). Anh Lối chia sẻ: “Tôi luôn mong muốn sản phẩm gà sao của gia đình được đưa vào các kênh tiêu thụ ổn định để yên tâm sản xuất”. Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Nội ở xã Phương Đình (huyện Đan Phượng) hiện trồng 1 mẫu nho hạ đen theo quy trình VietGAP với sản lượng 6 - 7 tạ/sào, mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ. Mặc dù năng suất và chất lượng ổn định, tuy nhiên đến nay do chưa được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP nên gia đình ông chưa thể đưa sản phẩm vào tiêu thụ trong các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Còn tại huyện Chương Mỹ, đến thời điểm hiện tại, huyện đã xây dựng được 12 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu như: Chuỗi giá trị sản xuất lúa hữu cơ của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú; chuỗi chăn nuôi tiêu thụ trứng gà sạch Tiên Viên; chuỗi giá trị sản xuất bưởi hữu cơ, bưởi VietGAP tại xã Nam Phương Tiến… Trong đó, thành công nhất là chuỗi chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm trứng Tiên Viên quy mô 150.000 gà đẻ. Ngoài xây dựng 8 trang trại chăn nuôi theo quy mô khép kín, hiện đại, đơn vị này còn liên kết với 15 trại chăn nuôi vệ tinh cùng một quy trình kỹ thuật để kiểm soát chất lượng, mỗi tháng cung cấp cho thị trường khoảng 3 - 4 triệu quả trứng.
Tuy nhiên, nhiều nông hộ chăn nuôi bò BBB, trồng bưởi Diễn, sản xuất dầu lạc, chăn nuôi thủy sản… ở Chương Mỹ vẫn điêu đứng vì đầu ra không ổn định, thường xuyên bị thương lái ép giá dù nông sản có chất lượng tốt. Các nông hộ rất mong muốn được kết nối với các doanh nghiệp, HTX để tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm, tránh tình trạng được mùa mất giá. Theo Giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), mặc dù sản phẩm rau củ của HTX đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, được chứng nhận OCOP nhưng có nhiều thời điểm việc tiêu thụ vẫn gặp khó khăn, giá cả bấp bênh. Do đó, HTX mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện, hỗ trợ kết nỗi thêm nhiều kênh tiêu thụ để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất.
Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sẽ góp phần bảo đảm đầu ra, nâng cao giá trị kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp Thủ đô |
Ảnh: Tường Vy
Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết
Từ thực tế trên có thể thấy, vấn đề đầu ra sản phẩm không ổn định chủ yếu xảy ra đối với các nông hộ sản xuất nhỏ lẻ, các chủ trang trại quy mô nhỏ và vừa. Nguyên nhân do nông sản của các nông hộ, trang trại này chưa đồng đều về chất lượng; có những hộ sản xuất tốt, bảo đảm chất lượng nhưng chưa hoàn thiện chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm. Muốn đưa nông sản vào kênh phân phối hiện đại, nông dân cần đáp ứng các điều kiện vừa nêu, đồng thời cần liên kết, tổ chức lại sản xuất. Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, các hộ sản xuất nhỏ lẻ cần liên kết với nhau thành tổ, nhóm sản xuất, sản xuất theo đúng quy trình an toàn. Bên cạnh đó, cử đại diện để kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở thực tế sản xuất, các tổ, nhóm có thể lập phương án xây dựng mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản theo chuỗi, từ đó, ngành nông nghiệp và Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ có sự hỗ trợ phù hợp.
Thực tế những năm qua, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND và quyết định của UBND thành phố liên quan đến việc khuyến khích, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Điều này đã giúp các địa phương xây dựng được nhiều chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản đem lại “giá trị” trên nhiều phương diện cho người dân. Đặc biệt, các chuỗi sản xuất này đã thực sự trở thành “chìa khóa” thúc đẩy tăng trưởng của ngành nông nghiệp sau khi dịch bệnh Covid-19, dịch tả lợn châu Phi bị khống chế.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, các chuỗi liên kết vẫn có những hạn chế nhất định, đó là tình trạng tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều khâu trung gian nên giá bán thực tế cao hơn so với giá thu mua tại cơ sở sản xuất; sức cạnh tranh của các chuỗi chưa cao; công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các chuỗi còn yếu; việc nhận diện sản phẩm an toàn tham gia chuỗi còn gặp nhiều khó khăn… Chưa kể, việc xây dựng và phát huy hoạt động của các chuỗi liên kết còn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc từ các cơ chế, chính sách của Trung ương và thành phố Hà Nội.
Theo đó, để từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp bảo đảm đầu ra ngày càng ổn định cho nông sản, nhiều địa phương đã trực tiếp làm cầu nối trung gian kết nối nông dân với doanh nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy, hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình điểm về chế biến, quản lý sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm,… Theo Giám đốc Sở NN - PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, trong bối cảnh ngành nông nghiệp cần trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế Thủ đô thì phát triển chuỗi là ưu tiên hàng đầu. Do vậy, trước mắt, Hà Nội sẽ hỗ trợ 50% chi phí giống, vật tư thiết yếu phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ 100% chi phí bao bì, nhãn mác sản phẩm cho các đơn vị khi tham gia sản xuất theo chuỗi; đồng thời hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao…
Về phía Chi cục PTNT Hà Nội, Chi cục trưởng Nguyễn Văn Chí cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường tuyên truyền, tập huấn Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về “Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” tới các doanh nghiệp, HTX được đánh giá phân hạng trong Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, tổng hợp khó khăn, vướng mắc để báo cáo Sở NN - PTNT, UBND thành phố phản ánh tới các cơ quan có thẩm quyền, kịp thời bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện chính sách bảo đảm phù hợp thực tiễn.