Thông tin được nhấn mạnh tại tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm xúc tiến du lịch và phát triển thị trường trong tình hình mới” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) phối hợp với CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức chiều 23.3.
Giảm giá tour, nâng cao chất lượng dịch vụ
Số liệu của Tổng cục Du lịch cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch cả nước đã đón hơn 1,804 triệu lượt khách quốc tế; tăng gấp 36,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong số này, có hơn 1,293 triệu lượt khách đến từ châu Á, chiếm 71,7%; khoảng 242.500 lượt khách từ châu Âu, chiếm 13,4%. Khách từ châu Mỹ đạt khoảng 186.300 lượt, châu Úc khoảng 77.300 lượt và châu Phi khoảng 4.300 lượt...
Theo Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng, trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam theo đường hàng không lên đến 1,636 triệu lượt, tăng gấp 37,8 lần so với cùng kỳ 2022.
Tuy nhiên, việc tổ chức đón khách quốc tế đã gặp khó khăn do giá vé máy bay đang ở mức cao. “Giá vé máy bay tăng cao kéo theo giá tour tăng, để thu hút khách quốc tế đề nghị các hãng hàng không giảm giá vé máy bay phục vụ tour du lịch”, ông Trương Quốc Hùng góp ý.
Để khắc phục một phần tình trạng này, ông Nguyễn Thanh Dương, đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng cũng xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng, khuyến mại, ưu tiên dịch vụ, chất lượng dịch vụ cung ứng cho khách hàng nhằm mang đến những trải nghiệm ngạc nhiên và sự hài lòng. Việc nghiêm túc thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu nâng cao chất lượng, tích cực mở đường bay mới chính là một trong những yếu tố quyết định đến những thành công của hãng trong giai đoạn vừa qua.
Đồng quan điểm, Phó Tổng giám đốc Sun Group Trần Nguyện cho rằng, để thu hút du khách mua tour du lịch đòi hỏi các đơn vị cung ứng dịch vụ tổ chức các chương trình khuyến mại dành cho doanh nghiệp lữ hành để những đơn vị này có thể giảm giá tour, nhưng chất lượng dịch vụ không giảm.
Chia sẻ kinh nghiệm thu hút du khách để ngành du lịch nhanh chóng hồi phục, Phó Giám đốc Cục Xúc tiến du lịch Malaysia Norisyam OdzaiLi cho biết, năm 2023 ngành du lịch Malaysia đặt mục tiêu đón 16 triệu lượt khách quốc tế. Để hoàn thành mục tiêu này, từ nay đến hết năm 2023, du lịch Malaysia sẽ cùng các công ty Việt Nam đẩy mạnh cung ứng dịch vụ, qua đó thu hút dòng khách chi trả cao. Đồng thời, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh qua đó quảng bá điểm đến Malaysia tới du khách Việt Nam.
“Du lịch Malaysia sẽ tận dụng tối đa hoạt động truyền thông các điểm đến tới khách hàng đối tác qua đó thu hút khách quốc tế. Đây là một trong những giải pháp thu hút khách quốc tế mà doanh nghiệp Việt Nam nên áp dụng trong thời gian tới”, ông Norisyam OdzaiLi thông tin.
Liên kết vùng, hợp tác xây dựng sản phẩm, tuyến du lịch mới
Tại hội nghị các chuyên gia du lịch nhận định, để thu hút du khách đòi hỏi doanh nghiệp lữ hành đẩy mạnh liên kết với địa phương trong hoạt động kết nối điểm đến. Các doanh nghiệp nên cạnh tranh nhau về chất lượng dịch vụ, không nên cạnh tranh bằng việc bán phá giá sẽ dẫn đến chất lượng tour không bảo đảm.
Chia sẻ kinh nghiệm tại tọa đàm, bà Melati Irawati Masoed, Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Indonesia cho biết, ngay từ năm 2022, quốc gia này đã đón đầu xu hướng phục hồi ngành du lịch bằng việc kết hợp với ngành Kinh tế sáng tạo xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch mới đáp ứng sự nhu cầu của du khách sau dịch. Bên cạnh đó, Indonesia cũng tăng cường việc mở các đường bay thẳng đến các thị trường tiềm năng như Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á để thu hút khách. Năm 2023, Bộ Du lịch Indonesia đặt mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế.
Ở góc độ cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước quảng bá xây dựng tour, tuyến mới trong năm 2023, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh bày tỏ, sẽ liên kết với các tỉnh thành phát triển sản phẩm liên kết vùng, phát triển thị trường du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện), du lịch đô thị, du lịch biển đảo, chăm sóc sức khỏe, giáo dục… Đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối với địa phương, hợp tác xây dựng tuyến du lịch mới tại các tỉnh, thành.
Bên cạnh đó, HPA sẽ chủ động mời các địa phương cùng tham gia chương trình kích cầu du lịch. “Trong đó, tập trung chủ yếu vào việc xây dựng các sản phẩm mới khởi hành từ thành phố Hà Nội”, bà Nguyễn Thị Mai Anh nhấn mạnh.
Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, thời gian tới cơ quan này sẽ cùng các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá ở nhiều thị tường tiềm năng, như: Trung Quốc, châu Âu, Đông Bắc Á… Các chiến dịch truyền thông sẽ được đẩy mạnh ở nhiều hình thức bên cạnh các chiến dịch quảng bá đã làm rất tốt trong năm qua như “Du lịch an toàn, trải nghiệm trọn vẹn” thúc đẩy du lịch nội địa và “Live Fully in Vietnam” hướng tới thị trường quốc tế.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Lê Minh Phúc khẳng định, Tổng cục Du lịch sẽ luôn đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp lữ hành, các nhà cung ứng dịch vụ du lịch, các điểm đến du lịch và các địa phương; tạo ra sự gắn kết giữa các bên với mục tiêu phát triển du lịch bền vững, xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Việt Nam hiện đại, đẳng cấp, chất lượng, thân thiện và an toàn.