Quan điểm quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế là tổ chức không gian phát triển theo hướng mô hình đô thị trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; gắn với các hành lang Bắc - Nam và hành lang kinh tế Đông - Tây, hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị thông minh, thuỷ lợi và phòng chống thiên tai, hạ tầng các khu chức năng. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế.
Đồng thời, phát huy các tiềm năng, lợi thế so sánh, vị trí chiến lược - cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây với văn hóa, lịch sử đặc sắc, phong phú, trọng tâm là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng với Sông Hương Núi Ngự, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển hài hòa với cảnh quan tự nhiên, bảo tồn hệ sinh thái rừng đầu nguồn, chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát huy vai trò, vị thế là đô thị trung tâm; trung tâm văn hóa, du lịch; y tế; khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, cấp quốc gia, khu vực Đông Nam Á, quốc tế.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.
Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 9 - 10%/năm, trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5 - 4%/năm; công nghiệp xây dựng 10 -11%/năm; dịch vụ 11,5 - 12,5%/năm.
Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 5 - 7%; công nghiệp xây dựng chiếm khoảng 33 - 35%; dịch vụ chiếm khoảng 54 - 56% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 7 - 8%. GRDP bình quân đầu người đạt 6.000 USD. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70%. Thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); Chỉ số chuyển đổi số (DTI).
Tỷ lệ tăng dân số bình quân đạt 1,38%/năm; đến năm 2030 dân số toàn tỉnh đạt khoảng 1.300.000 người; diện tích nhà ở bình quân đầu người khoảng 33 m2 sàn/người; số bác sỹ/1 vạn dân là 19 - 20 bác sỹ; số giường bệnh/1 vạn dân là 120 - 121 giường; tỷ lệ thất nghiệp dưới 2,1%; tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%; tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm 100%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100%.
Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định các khâu đột phá phát triển gồm: Phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản; phát huy lợi thế đô thị ven biển gắn với vị thế 4 trung tâm của vùng và cả nước với quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao về kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; trọng tâm ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng giao thông chiến lược, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Phát triển bền vững kinh tế biển, đầm phá; xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cực tăng trưởng, động lực phát triển của vùng động lực miền Trung và cả nước với hệ thống cảng biển nước sâu Chân Mây đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển chuỗi khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển - đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đặc sắc của khu vực.
Phát huy vai trò động lực quan trọng của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng; đẩy nhanh tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh (LNG, năng lượng tái tạo,...); ưu tiên thu hút các dự án lớn sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, có khả năng dẫn dắt, hình thành hệ sinh thái các ngành kinh tế trọng điểm.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả trong bảo tồn di sản Cố đô Huế, chuyển hóa hữu hiệu tài nguyên văn hoá, lịch sử, thiên nhiên thành động lực tăng trưởng, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng hệ sinh thái dân sinh, văn hóa, lịch sử và tự nhiên hấp dẫn; bồi đắp, phát huy giá trị con người xứ Huế làm nền tảng và nguồn lực phát triển bền vững.
Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, Thừa Thiên Huế có 3 trung tâm đô thị:
Đô thị trung tâm gồm thành phố Huế (được chia thành 2 quận: quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương), quận Hương Thủy, thị xã Hương Trà; trong đó quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương là trung tâm vùng, là đô thị di sản, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Trung tâm hành chính chính trị, văn hóa, du lịch, thể dục thể thao, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ; quận Hương Thủy phát triển đô thị sân bay gắn với cảng hàng không quốc tế Phú Bài, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp động lực; thị xã Hương Trà là đô thị vệ tinh;
Đô thị vùng Tây Bắc: Thị xã Phong Điền - Quảng Điền - A Lưới, trong đó khu vực đô thị trung tâm là đô thị Phong Điền gắn với cảng Điền Lộc, khu công nghiệp Phong Điền phát triển đô thị công nghiệp là động lực phía bắc của tỉnh; là cửa ngõ phía Bắc kết nối với các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong;
Đô thị Vùng Đông Nam: huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông, trong đó phát triển khu vực Chân Mây trở thành đô thị loại III - một thành phố thông minh, hiện đại gắn với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô tạo động lực phát triển đột phá của vùng, cửa ngõ phía Nam kết nối với Đà Nẵng, cửa ngõ ra biển các nước thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây. Có hệ thống hạ tầng giao thông đường cao tốc La Sơn - Túy Loan; cảng biển nước sâu Chân Mây phục vụ đón khách du lịch, vận chuyển hàng hóa quy mô lớn. Phát triển đô thị biển gắn với đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với quốc lộ 1 là trục chính, cao tốc Bắc Nam (Cam Lộ - La Sơn - Tuý Loan), quốc lộ 49 B và đường ven biển gắn với hành lang kinh tế ven biển;
Hành lang kinh tế Đông - Tây: kết nối liên thông 3 Cụm Cảng biển phía Đông (gồm: Chân Mây, Thuận An, Phong Điền) với 2 cặp cửa khẩu biên giới Việt Lào ở phía Tây (gồm: A Đớt/Tà Vàng và Hồng Vân/Cô Tài) thông qua các quốc lộ (49, 49D, 49E, 49F); gắn đường Hồ Chí Minh (kết nối các tỉnh vùng động lực miền Trung và Tây Nguyên) kết nối các nước Lào, Myanma, Thái Lan. Trong đó, ưu tiên đầu tư đường 71 từ cảng Phong Điền đến Cửa khẩu Hồng Vân thông qua quốc lộ 49F;
Hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết vùng với Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng: Trục chính là đường ven biển, phát triển các tuyến đường tỉnh, các tuyến giao thông hiện đại (tàu điện, đường sắt tốc độ cao) hướng đô thị biển; kết nối thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà và các đô thị ven biển.
Thừa Thiên Huế xác định 3 trung tâm động lực tăng trưởng. Trong đó, Quần thể di tích, di sản Cố đô Huế với khu công nghệ thông tin tập trung, khu công viên khoa học tại khu vực đô thị trung tâm: Hình thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc của khu vực với các điểm đến, sản phẩm du lịch đẳng cấp, khác biệt gắn với văn hóa - di sản; phát triển sản xuất phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin, chuyển đổi số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh, nền tảng số, dữ liệu số, hạ tầng số tại khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa, các tổ hợp trình diễn nghệ thuật, hệ thống bảo tàng, trung tâm hoạt động, triển lãm thương mại, EXPO chuyên đề, trung tâm hội nghị quốc tế và học thuật toàn cầu.
Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô: Xây dựng Cảng Chân Mây trở thành cảng container, cảng du lịch, là trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; gắn với Cảng Liên Chiểu Đà Nẵng và hệ thống đấu nối giao thông quốc gia với các đường bộ trở thành trung tâm logistics xanh của vùng và quốc gia; cung cấp và sử dụng năng lượng sạch làm cơ sở hình thành đô thị Chân Mây và các khu chức năng trong Khu kinh tế.
Khu công nghiệp Phong Điền: Phát triển khu công nghiệp, hình thành đô thị công nghiệp phía Bắc kết nối với tỉnh Quảng Trị. Xây dựng trung tâm phát triển ngành dệt may, phát triển công nghiệp thời trang; công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản, hóa dầu;... Các nhà máy trong khu công nghiệp được định hướng chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh, tiết kiệm.